Nguy cơ “ế” vé tàu Tết

Đã hai tuần ngành Đường sắt mở bán vé Tàu Tết Nhâm Dần 2022 với nhiều chính sách giảm giá hấp dẫn, tuy nhiên lượng khách đặt vé không đáng kể.

Lo dịch phức tạp, khách chưa mặn mà

Mọi năm, ga Sài Gòn phải dành riêng một tầng lầu để bán vé Tết, tuy nhiên đến năm nay mọi chuyện hoàn toàn khác. Dù đã mở bán từ ngày 15/11, khu vực bán vé, đợi tàu ở tầng trệt khá vắng vẻ.

Rất ít khách hàng mua vé tàu Tết sau hai tuần mở bán

Rất ít khách hàng mua vé tàu Tết sau hai tuần mở bán

Là một trong những hành khách ít ỏi đến mua vé tàu SE4 chạy ngày 27/1 để về quê Quảng Ngãi, anh Nguyễn Ngọc Quỳnh chia sẻ: “Nhà có con nhỏ, đi tàu tiện hơn rất nhiều nên tôi phải mua vé trước. Còn có thể về quê hay không thì vẫn chưa biết được, dịch vẫn đang phức tạp thế này”.

“Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã phê duyệt kế hoạch SXKD năm 2021 của tổng công ty, theo đó kết quả doanh thu là lỗ 700 tỷ đồng, trong khi tổng công ty tính toán phải đến 940 tỷ đồng. Vì vậy, thời gian qua tổng công ty đã tìm mọi giải pháp để tăng sản lượng, doanh thu như đẩy mạnh các đoàn tàu hàng, tổ chức các đoàn tàu chuyên biệt đưa người dân về quê... nhất là cố gắng khai thác tối đa tàu khách, tàu hàng dịp Tết để giảm lỗ cả năm. Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN”

Một hành khách khác là chị Nguyễn Phong Lan đã mua vé tàu về quê Nha Trang cho hay, chị mua bằng tiền vé bảo lưu. Trong năm, cũng vì dịch, chị không về quê được dù đã mua vé tàu.

Thay vì trả vé, chị chọn hình thức bảo lưu tiền vé, giờ dùng số tiền này mua vé tàu Tết.

“Tôi cùng các bạn mua vé theo hình thức tập thể nên rất thuận tiện, nhanh chóng. Chúng tôi mua theo khoang tàu, để đảm bảo an toàn phòng dịch khi đi tàu. Tuy nhiên, mua vậy thôi, chứ cũng phải đợi đến lúc đó xem có về được không, dịch thế này chưa biết thế nào”, chị Lan nói.

Trong khi đó, anh Nguyễn Minh Hải (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, tàu luôn là lựa chọn số một của gia đình anh khi về quê ở Cửa Lò (Nghệ An).

Nhưng năm nay, lo ngại dịch diễn biến phức tạp nên anh vẫn đang đợi đến sát Tết mới quyết định.

“Giá vé năm nay vẫn như năm ngoái, khoảng 500.000 - 600.000 đồng/người/lượt. Có điều mua vé bây giờ, nhỡ đến lúc về quê lại có quy định cách ly thì cũng rất khó...”, anh Hải băn khoăn.

Theo ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, Tết năm nay ngành Đường sắt chỉ mở bán vé trước 4 đôi tàu khách Thống nhất tuyến Sài Gòn - Hà Nội và một đôi tàu tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng theo quy định của Bộ GTVT về chạy tàu trong điều kiện phòng dịch Covid-19.

Tuy vậy, tình hình bán vé rất chậm, khách cá nhân và tập thể đều mua số lượng không đáng kể. Riêng các tàu do công ty quản lý chạy các ngày cao điểm từ 25 - 27 tháng Chạp vé bán được tốt hơn, gần kín chỗ.

Theo ông Tuấn, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên nhiều người ngại di chuyển. Cùng đó, rất nhiều người dân có nhu cầu về quê từ các tỉnh phía Nam đã về ồ ạt từ các tháng trước bằng nhiều phương tiện, trong đó có các chuyến tàu chuyên biệt.

Số còn ở lại chắc chắn sẽ cân nhắc có về quê không vì lý do kinh tế. Hơn nữa, các quy định phòng dịch của các địa phương thay đổi liên tục theo tình hình thực tế, nên người dân lo ngại về quê phải đi cách ly hoặc theo dõi y tế tại nhà.

“Chúng tôi đã áp dụng nhiều chính sách kích cầu rồi. Giá vé chỉ bằng Tết năm ngoái, không tăng. Cùng đó, còn có nhiều chính sách giảm giá nhưng khách vẫn chưa mặn mà. Nếu không khả quan hơn, chúng tôi sẽ tính thêm chính sách giảm giá mới”, ông Tuấn nói.

Khách ít vẫn cố chạy để giảm lỗ

Ngành Đường sắt mở bán vé tàu Tết với mức giảm giá hấp dẫn, tuy nhiên lượng khách đặt vé không nhiều Ảnh: Tạ Hải

Ngành Đường sắt mở bán vé tàu Tết với mức giảm giá hấp dẫn, tuy nhiên lượng khách đặt vé không nhiều Ảnh: Tạ Hải

Ông Huỳnh Thế Sơn, Phó trưởng Phòng Kinh doanh Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, đặc điểm tàu Tết là giai đoạn trước Tết, hành khách chủ yếu đông từ phía Nam ra. Còn khách về quê khu vực phía Bắc thường sát Tết mới mua vé.

Tuy vậy, năm nay vé tàu Tết từ các tỉnh phía Nam ra cũng bán chậm. Như tàu SE2 chạy ngày 26 tháng Chạp là ngày cao điểm, hệ số sử dụng chỗ mới đạt 17%, trong khi chỉ số này phải từ 70% trở lên mới được coi là đầy chỗ, đạt hiệu quả doanh thu.

“Để bù đắp doanh thu từ bán vé khách, chúng tôi đẩy mạnh khai thác vận chuyển hàng hóa, hành lý theo tàu khách. Như tàu Thống nhất SE5/6, doanh thu bình quân một vòng quay khoảng 576 triệu thì doanh thu cước hàng hóa được khoảng 100 triệu...”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, hình thức bán vé mới nguyên khoang, nguyên toa (khoang 4 giường và khoang 6 giường) đối với hành khách đi tàu theo nhóm, theo gia đình, có cự ly từ 300km trở lên đang được sự quan tâm của hành khách vì với không gian riêng, hạn chế tiếp xúc.

Đến nay, riêng Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã bán được 222 vé nguyên khoang tàu SE5 và 298 vé tàu SE6.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đã dự đoán trước nhu cầu đi lại của người dân chắc chắn giảm do ảnh hưởng dịch bệnh.

Vì vậy, tổng công ty xây dựng kế hoạch chạy tàu Tết với khả năng phục vụ cao nhất cho người dân đi lại, mặt khác vẫn có phương án chạy tàu linh hoạt, đẩy mạnh khai thác tàu hàng trong dịp Tết để bù đắp doanh thu.

“Ví dụ một đoàn tàu khách khoảng 12 toa khách, nếu lượng khách không kín chỗ, chúng tôi sẽ cắt bớt toa khách, nối thêm toa xe hành lý để chở hàng. Trường hợp nhu cầu khách ít so với dự kiến, sẽ giảm tàu khách để tăng tàu hàng. Tuy nhiên, quan điểm vẫn là ưu tiên chạy tàu khách trong dịp Tết để phục vụ người dân đi lại, đồng thời tạo việc làm, thu nhập cho người lao động”, ông Mạnh nói.

Ông Mạnh cho biết thêm, có thể doanh thu tàu khách dịp Tết không lãi, thậm chí lỗ nhưng ngành Đường sắt vẫn sẽ chạy vì dù không chạy doanh nghiệp vận tải vẫn phải chi các khoản chi phí cố định để duy trì bộ máy, trả lương người lao động, trả khấu hao, trả bảo dưỡng, duy tu phương tiện.

“Không chạy thì lỗ nhiều, chạy thì lỗ ít hơn, nên chúng tôi sẽ cố gắng duy trì chạy tàu càng nhiều càng tốt”, ông Mạnh nói.

Theo Tổng công ty Đường sắt VN, với 5 đôi tàu Tết hiện đang mở bán trước là: SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8 và SE21/22 sẽ cung cấp khoảng 36.000 chỗ.

Trong khi đó, Tết Nguyên đán 2021, giai đoạn trước Tết cung ứng 90.000 chỗ và giai đoạn sau Tết 120.000 chỗ.

Đến nay, đã bán được vé cho 5.120 lượt hành khách, doanh thu hơn 6,1 tỷ đồng, chỉ bằng 27% so với cùng kỳ.

Trong đó, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn bán được vé cho 3.044 lượt hành khách, doanh thu hơn 3,66 tỷ đồng; Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội bán được vé cho 2.076 lượt hành khách, doanh thu hơn 2,46 tỷ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Hình ảnh bất ngờ tại ga Sài Gòn trong ngày đầu mở bán vé tàu Tết Nhâm Dần 2022

Ngày đầu mở bán vé tàu Tết Nhâm Dần 2022, ga Sài Gòn vắng khách, không có cảnh xếp hàng dài để chờ mua vé.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P.V ([Tên nguồn])
Kinh tế "kháng sốc" COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN