Nguy cơ cháy chung cư, nhà trọ tại Hà Nội: Sống trong sợ hãi - Bài 2: Tập thể cũ: Dễ cháy, khó chữa

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Những năm gần đây, Hà Nội liên tục xảy ra các vụ cháy ở chung cư, tập thể cũ. Do lối vào bị lấn chiếm để buôn bán, cơi nới, làm chuồng cọp ở các tầng trên nên công tác chữa cháy, cứu người càng phức tạp…

Đốt vàng mã dưới công tơ điện

Phố Vĩnh Hồ (quận Đống Đa, Hà Nội) giờ tan tầm, dòng xe đi lại tấp nập. Chốc chốc, các xe máy lại đỗ, dừng vào các hàng quán ở chợ dân sinh để mua đồ chuẩn bị cho bữa tối khiến con phố luôn chật kín. Những con ngõ nhỏ trong tuyến phố này là nơi tập trung nhiều nhà tập thể.

Ngõ 15 phố này rộng chừng khoảng 2,5m, là lối dẫn vào nhà tập thể B6 Vĩnh Hồ. Dọc ngõ là các cửa hàng tạp hóa, tiệm cắt tóc, quán ăn... Phải đi qua chục số nhà, chúng tôi mới thấy được tấm biển của nhà tập thể B6. Vì không có tầng hầm, tầng 1 được cho thuê làm hàng quán, nên xe máy muốn gửi phải đi xuyên qua lối nhỏ sát chân cầu thang bộ để ra bãi gửi xe ngoài trời, nằm ở mặt sau. Nhìn từ phía sau, tòa nhà cao 4 tầng được xây bằng gạch đã bong tróc, ẩm mốc. Cục nóng điều hòa, đường ống nước, dây điện, dây cáp được nối ra ngoài chằng chịt.

Dọc cầu thang bộ lên xuống nằm ở giữa hành lang tòa nhà là những hộp điện được gắn la liệt. Lối vào hành lang các tầng cũng đã được treo bình cứu hỏa. Hành lang nhỏ được thắp sáng bằng vài bóng đèn tròn, rộng chừng gần một mét nhưng các tủ để giày, gỗ và một số đồ dùng của các hộ dân sống ở đây để ngổn ngang. Mỗi căn hộ ở đây có diện tích 20m2 và 6m2 cho căn bếp ở đối diện. Tuy nhiên, hầu hết các gia đình đã cơi nới thêm hình thành nên các “chuồng cọp” gắn vào căn nhà cũ.

Bảng hiệu, chuồng cọp tại nhà tập thể B6, Đống Đa

Bảng hiệu, chuồng cọp tại nhà tập thể B6, Đống Đa

Chúng tôi vào một căn phòng nhỏ ở tầng 2. Các đồ cũ nát như chậu, rổ, xô nhựa, túi nilong, sắt, thép bày la liệt chiếm 1/3 diện tích phòng. Gia đình 3 người ở nhưng chỉ có một giường ngủ nhỏ, ngay sát đó là 3 cửa sổ được đóng chặt bằng khung sắt, không có ban công. Ngoài cửa phòng, củi, bìa cát tông chất trong hộp xốp có vết cháy đen nhẻm. Nhiều gia đình ở đây vẫn giữ thói quen nấu bếp than. Mỗi khi nhóm bếp, khói bay mù mịt.

Theo số liệu của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, trong số 2.294 vụ cháy đã được làm rõ nguyên nhân xảy ra vào năm 2023, có tới 58,6% nguyên nhân do sự cố từ hệ thống, thiết bị điện.

Trên tầng 3, bà Nguyễn Bích Diệp, 53 tuổi, sống tại đây đã 30 năm đang nấu ăn trong phòng bếp rộng 6m2. Căn bếp treo các đồ gia dụng, dây điện chạy ngoằn nghèo. “Những năm 2000, ở đây đã từng chập cháy ổ điện bên ngoài rồi. Xe cứu hỏa cũng không vào được nhưng cũng may người dân tự dập lửa được nên không có hậu quả lớn…”, bà Diệp kể.

Cầu thang từ tầng 3 lên tầng 4 có một góc tường đã bị cháy đen. Chị T, người thuê nhà tại căn góc tại đây chia sẻ: Cứ đến mùng 1, ngày rằm âm lịch, một số người dân thường đốt vàng mã tại đây. Ngay trên lò đốt vàng mã là đường dây điện nên rất nguy hiểm.

Ông Lưu Văn Thuấn, Tổ trưởng Tổ dân phố số 6 cho biết, nhà tập thể B6 được xây dựng từ năm 1958 nên hệ thống PCCC không đảm bảo, nhà để xe riêng cũng không có. “Chính quyền địa phương cũng thường xuyên xuống kiểm tra, đôn đốc về phòng cháy tại nhà tập thể. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân mở lối thoát hiểm ở chuồng cọp, ban công để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, nhiều người không ở mà cho thuê nên khó gặp được chủ nhà để trao đổi”, ông Thuấn nói.

Nhà hàng, quán bia, bãi gửi xe quây kín

Khu tập thể Kim Khí nằm trong ngõ 685 Trương Định (thuộc tổ dân phố số 8 phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) là một trong những nơi nhiều bạn đọc phản ánh đến Tiền Phong về tình trạng mất an toàn PCCC. Nhà để xe của tập thể này chỉ rộng chừng 20 mét nhưng chứa nhiều xe máy, xe đạp điện. Tầng lửng của nhà xe là nơi cất giữ các vật liệu dễ bắt lửa như bìa giấy, bìa gỗ…

Dây điện chằng chịt, “bao vây” lấy mặt tiền khu tập thể, ôm sát vào chuồng cọp của một số gia đình ở tầng 2. Theo ông Trần Văn Tạo, người dân sống tại khu tập thể, trước đây, dây điện còn “mắc võng” gần chạm đất và đã từng phát nổ nhiều lần. “Tôi ở đây từ năm 1992 mà chưa lần nào điện lực vào kiểm tra, cải tạo mạng lưới điện. Chúng tôi còn phải tự phải bắc thang rồi dùng dây thít nhựa buộc dây điện lên cao cho đỡ nguy hiểm”, ông Tạo bức xúc nói.

Theo số liệu của Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 2.483 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực, trong đó có 1.569 chung cư, nhà tập thể cũ.

Nhiều vụ cháy tập thể cũ tại Hà Nội đã xảy ra như: Ngày 21/4/2022, chung cư cũ B9 Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) bị cháy khiến 5 người chết, hai người bị thương. Ngày 17/6/2022 cháy lớn ở khu tập thể Cơ khí Hà Nội (quận Thanh Xuân) nhưng rất may không có thiệt hại về người. Ngày 2/7/2018, một đám cháy khác cũng xảy ra ở một căn hộ của khu tập thể Thanh Xuân Bắc, đường Nguyễn Quý Đức thuộc quận Thanh Xuân. Trưa 4/12/2018, đám cháy bốc lên từ “chuồng cọp” tầng 3 căn hộ khu tập thể A12 nằm trên đoạn ngã tư Tôn Thất Tùng - Phạm Ngọc Thạch (gần trường Đại học Y Hà Nội) khiến nhiều người tháo chạy nhưng may mắn không có thương vong. Khu Tập thể Thành Công quận Ba Đình, Lương Yên (quận Hai Bà Trưng) và nhiều chung cư cũ tại Hà Nội cùng từng xảy ra cháy.

Bước lên cầu thang, chúng tôi gặp rất nhiều lò và chậu kim loại dùng để hoá vàng vẫn còn nguyên tro bên trong, được đặt ngay phía dưới các công tơ điện. Ở một số tầng, người dân còn để bàn ghế gỗ, thùng giấy, áo mưa… xung quanh những lò, chậu này. Theo anh Lê Thanh Đức, người dân sống tại khu tập thể, vào những ngày rằm, ngày Tết, người dân đốt vàng mã ở cầu thang rất nhiều. “Mình lo lắm, lỡ lửa mà bén vào công tơ điện thì chả biết thế nào…”, anh Đức nói.

Hàng quán vây kín nhà tập thể cũ

Hàng quán vây kín nhà tập thể cũ

Nhưng nhức nhối nhất là việc những nhà hàng, quán nhậu, quán bi-a đang vây dưới chân khu tập thể này. Chẳng hạn, nhà hàng bia hơi Mậu dịch, nhà hàng bia hơi Bảo Vân, CLB bi-a Olympic… Đặc biệt, một phần diện tích tầng 1 của khu tập thể đang được nhà hàng bia hơi Bảo Vân sử dụng làm phòng ăn và phòng bếp. Theo bà Lê Thị Ngà, cư dân khu tập thể, gia đình bà rất lo lắng về nguy cơ hoả hoạn bắt nguồn hoạt động nấu nướng liên tục của những hàng quán này. Bà Hà Thị Cúc, Tổ phó tổ dân phố số 8 phường Giáp Bát cũng cho biết, các hàng quán trên đều dùng chung một hệ thống điện với khu tập thể, nên có nguy cơ gây quá tải điện dẫn đến chập, cháy, nổ.

Nguồn: [Link nguồn]

Các vụ cháy tại chung cư mi ni, nhà trọ tại Hà Nội cho thấy nguy cơ cháy tại các cơ sở này rất cao; có thể xảy ra bất cứ lúc nào… Trong vai khách trọ, phóng viên được trải nghiệm cuộc sống nơm nớp của các “khổ chủ” kèm những lời khuyên bi hài của các ông bà chủ khu trọ…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Khôi - Thành Đạt ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN