Nguy cơ bỏ hoang đồng bằng sông Cửu Long làm nóng nghị trường
1,7 triệu bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long đã phải rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn, quê hương vì hạn hán, xâm mặn, sạt lở, sụt lún… Nếu Quốc hội, Chính phủ không hành động ngay thì vài chục năm vùng đất này sẽ phải bỏ hoang.
Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng nay, 29-5, các ĐBQH của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã nói nhiều về hậu quả và nguy cơ nhãn tiền của biến đổi khí hậu, với người dân vùng đất trước đây từng một thời trù phú.
ĐB Trần Văn Sáu, đoàn Đồng Tháp, dẫn báo cáo Chính phủ về các yếu tố thiên nhiên đang gây bất ổn như thiên tai, hạn hán, thời tiết cực đoan, sạt lở và nhận xét, đồng bằng sông Cửu Long hội tụ đủ các yếu tố tiêu cực này.
“Bà con lo lắng hết sống chung với lũ giờ lại sống chung với hạn, xâm nhập mặn, sạt lở thì luôn rình rập, bủa vây. Không thể tưởng tượng là giữa vùng đồng bằng sông nước như thế mà bà con phải thức đêm đi hàng mấy cây số để xin từng xô nước sạch cứu trợ” – ông Sáu nói.
ĐB Trần Văn Sáu, tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đang đe dọa sự phát triển của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Mới tháng qua, 11/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về hạn mặn. Nhiều giải pháp cấp bách được triển khai như trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, khởi động xây dựng lại các hồ chứa nước ngọt, thay đổi tập quán canh tác…
Dù vậy, phản ánh nguyện vọng của cử tri, ĐBQH Trần Văn Sáu đề nghị Chính phủ quan tâm một số chính sách, giải pháp mà các nhà khoa học đã khuyến cáo cho vấn đề biến đổi khí hậu với khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ nhất là đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát, nâng cao năng lực dự báo hạn mặn, để người dân thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho phù hợp.
Thứ hai, tăng cường quản lý và khai thác tài nguyên nước dưới mặt đất và khoáng sản. "Thời gian qua việc khai thác nước ngầm chưa phù hợp dẫn đến tình trạng sụt lún. Việc khai thác cát ở lòng sông quá mức dẫn đến hạ thấp đáy sông, tạo điều kiện nước mặn xâm nhập đồng rộng" - ông Sáu nói.
Thứ ba, nghiên cứu xây dựng đập ngầm tại để ngăn mặn - một giải pháp đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Đồng thời ưu tiên nguồn vốn xây dựng, hoàn thiện các hệ thống công trình trữ nước ngọt cho vùng tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười… Triển khai quy hoạch cấp nước ngọt cho vùng, đảm bảo cấp nước ngọt sinh hoạt cho người dân.
Cũng theo ĐB của tỉnh Đồng Tháp, về lâu dài cần xây dựng hệ thống đê biển, cùng các cống đập kiểm soát nước mặn. Đây là dự án lâu dài, bền vững để ứng phó nước biển dâng, cũng là giải pháp để chống sạt lở, bảo vệ lãnh thổ quốc gia.
“Sạt lở, sụt lún, nước biển dâng… nếu chúng ta không hành động kịp thời chỉ vài chục năm nữa sẽ không còn đồng bằng sông Cửu Long. Hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt, cuộc sống người dân sẽ khó khăn hơn, thu nhập giảm người nghèo ven biển, nông thôn buộc phải bỏ nhà cửa, ruộng đồng, quê hương để di cư đến nơi khác” – ĐB Sáu nhấn mạnh.
Ông dẫn số liệu, 10 năm qua có khoảng 1,7 triệu người phải di cư khỏi khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cao gấp đôi so với mức bình quân của cả nước. Vì vậy cần phải quy hoạch, bố trí lại dân cư, ưu tiên nguồn vốn cho công việc này.
“Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã trở thành chuyện bình thường mới, cho thấy cần thiết phải hành động vì những thiệt hại, mất mát vượt quá khả năng chống chịu và thích ứng của người dân trong vùng. Điều này, rất cần sự quan tâm của các cấp” – ĐB Sáu nhấn mạnh.
Cũng tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Trúc Sơn, tỉnh Bến Tre, nhấn mạnh vấn đề hạn mặn đã xảy ra trong nhiều năm, liên tục và ngày càng khắc nghiệt đang ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều giải pháp đang được Chính phủ và các bộ ngành triển khai. Dù vậy, để các dự án triển khai có hiệu quả thì cần đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, và Chính phủ nên xem xét lập các ban để chỉ đạo để đôn đốc công tác này. |
Nguồn: [Link nguồn]
Từ nay đến hết mùa hạn mặn năm 2024, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khả năng xuất hiện từ 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao.