Nguồn phóng xạ bị mất ở Bắc Kạn: Chỉ nhỏ như hạt đậu
Lõi của nguồn phóng xạ Cs-137 đang thất lạc ở Bắc Kạn chỉ nhỏ xíu như một hạt đậu xanh, và có giá trị chỉ vài triệu đồng nếu mua mới.
Chỉ nhỏ như hạt đậu xanh
Vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn đã phát hiện một vụ mất nguồn phóng xạ Cs-137 tại nhà máy xi-măng Bắc Kạn (đã dừng hoạt động). Vụ việc được phát hiện khi công an tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ yêu cầu công ty xi-măng Bắc Kạn di chuyển nguồn phóng xạ về nơi an toàn. Tuy nhiên, nguồn phóng xạ này đã bị thất lạc từ trước.
Một trong những nguồn phóng xạ từng bị thất lạc ở Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc mất nguồn phóng xạ tại Việt Nam. Tất cả các nguồn phóng xạ từng bị mất đều được đánh giá là ít nhiều có gây nguy hiểm tới môi trường và sức khỏe con người nếu bị đập vỡ hay nấu chảy.
Tuy nhiên, theo GS Vương Hữu Tấn - Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, hoạt độ hiện tại của nguồn phóng xạ bị thất lạc vào khoảng 3,97 mCi (146,89 MBq) và thực tế không gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Ông Tấn cho biết thêm, lõi của nguồn phóng xạ đang thất lạc chỉ nhỏ xíu như một hạt đậu xanh, và có giá trị chỉ vài triệu đồng nếu mua mới. Ngược lại, lớp vỏ bảo vệ bằng chì bên ngoài khá nặng.
“Hiện công tác tìm kiếm vẫn đang được tiến hành khẩn trương để thu hồi sớm nhất có thể nguồn phóng xạ này. Vào sáng ngày 7.1 tới sẽ có họp báo của Bộ Khoa học và Công nghệ để thông tin chính thức xoay quanh vụ việc”, ông Tấn nói.
Trên lý thuyết, vẫn có thể gây chết người?
Thực tế, nguồn phóng xạ Cs-137 thất lạc không thể gây hại cho sức khỏe con người; nhưng trên lý thuyết, nếu tiếp xúc liên tục trong một khoảng cách ngắn trong hàng chục năm thì vẫn có thể gây chết người.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo (Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt).
Qua tính toán, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo (Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt) cho biết: Một nguồn phóng xạ kín Cs-137 phát tia bức xạ gamma với hoạt độ phóng xạ 146,89 MBq thì suất liều phóng xạ ở khoảng cách 0,5m là 50 micro Sv/h (gấp khoảng 50 lần suất liều phông phóng xạ tự nhiên), ở khoảng cách 1m sẽ là 12 micro Sv/h (gấp khoảng 12 lần suất liều phông phóng xạ tự nhiên).
TS Hùng cho biết thêm, suất liều bức xạ cho phép đối với con người chỉ ở mức nhỏ hơn hoặc bằng 0,5 micro Sv/h. Do đó, khoảng cách an toàn đối với người dân là 4,9m tính từ nguồn phóng xạ (ở trạng thái không bao bọc, bảo vệ).
Ví dụ, nếu một người tiếp xúc liên tục với nguồn phóng xạ 146,89 MBq ở khoảng cách 0,5m thì sau khoảng 4.160 ngày (khoảng 11 năm), người đó có thể sẽ chết do liều phơi nhiễm 5 Sv (liều bức xạ gây chết người là từ 4 Sv đến 6 Sv, tùy thuộc vào cơ địa từng người). Các tính toán là trong trường hợp lõi nguồn phóng xạ không được che chắn bởi lớp vỏ (container).
“Thật ra nguồn phóng xạ Cs-137 bị thất lạc ở Bắc Kạn có mức độ nguy hiểm dưới trung bình nếu vẫn ở dạng kín. Nếu nguồn này bị đập vỡ hay bị đưa vào cơ sở chế biến, tái chế kim loại thì sẽ bị nấu chảy, tan vào vật liệu kim loại, trở thành nguồn phóng xạ hở, có rủi ro cho con người khi hít thở, ăn uống hay hấp thụ qua da, mặc dù rủi ro này là rất thấp”, TS Hùng nói.
Nguồn phóng xạ Cs-137 có chu kỳ bán rã 30 năm; trong khi nguồn Co-60 ở nhà máy thép Pomina 3 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng từng bị thất lạc, có chu kỳ bán rã là 5,2 năm. Nếu cùng một hoạt độ phóng xạ thì nguồn Cs-137 giảm về độ phóng xạ chậm hơn so với nguồn Co-60 khoảng gần 6 lần, tức nó tồn tại rất lâu trong tự nhiên. Sau 30 năm, hoạt độ phóng xạ của Cs-137 mới giảm đi một nửa.
“Thực tế, nguồn phóng xạ trông chỉ như cục sắt bình thường, phát tia bức xạ liên tục mà mắt thường không nhìn thấy được. Mặt khác, tia phóng xạ không có mùi, vị, chỉ có máy đo liều bức xạ mới phát hiện được”, TS Hùng thông tin.