Người Việt “lùn” nhất châu Á do đâu?

Lười vận động, ít thể dục là một trong những nguyên nhân khiến chiều cao của người Việt “lùn” nhất trong khu vực.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia vừa công bố, chiều cao người Việt thấp nhất khu vực châu Á. 10 năm, người Việt Nam chỉ cao thêm được 1 cm.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với GS.TS. Dương Nghiệp Chí, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao.

Người Việt “lùn” nhất châu Á do đâu? - 1

GS.TS. Dương Nghiệp Chí, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao

Thưa ông, Viện Dinh dưỡng Quốc gia vừa công bố người Việt Nam “lùn” nhất khu vực châu Á. Là người nhiều năm nghiên cứu về thể lực, tầm vóc con người, ông đánh giá thế nào về thông tin này?

Tôi thấy công bố của Viện dinh dưỡng đưa ra rất đúng. Hiện nay, nam giới trưởng thành chỉ cao 1,64m. Nữ giới chỉ cao 1,53m. So với Nhật Bản, Hàn Quốc, chiều cao trung bình của người Việt Nam kém 8cm. Người Việt Nam kém người Trung Quốc 7cm, kém Thái Lan và Singapore là khoảng 5-6cm.

Người Việt “lùn” nhất châu Á là vấn đề không mấy tự hào mặc dù điều này không ảnh hưởng tới sự tồn vong của đất nước nhưng cũng chẳng vui vẻ gì nếu con người mình thấp còi quá. Hơn nữa, thấp còi quá,  thể lực rất yếu.

Tại sao cùng là người châu Á mà người Việt Nam lại thấp hơn các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc thưa ông?

Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Nhật đo chiều cao và phát hiện trẻ “lùn” mất 2 cm. Nhật Bản đã có chương trình riêng, phục hồi sức khỏe và cải thiện giống nòi trong khi đó Việt Nam không có chương trình này.

Tại Việt Nam, chế độ dinh dưỡng không tốt. Ngay cả người có tiền cũng không biết ăn uống thế nào cho hợp lý, đủ chất và đảm bảo sức khỏe. Yếu tố di truyền cải thiện chiều cao rất ít.

Theo tôi, lười vận động, ít thể dục cũng là nguyên nhân khiến chiều cao của người Việt thấp. Đặc biệt trong giáo dục, nhà trường không chú ý cho các cháu hoạt động thể thao ngoại khóa cho nên đa số học sinh không có hoạt động tập thể lực như các nước.

Vận động về thể lực là nó phải là thói quen từ nhỏ, ngay từ nhỏ, người Việt không có hoạt động thể dục thể thao nghiêm túc. Người Việt chỉ có thói quen lao động chân tay. Đấy là cái rất dở, các nước mất khoảng 30 – 40 năm để xây dựng thói quen đó còn Việt Nam vẫn làm theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.

Tôi cho rằng nhà giáo dục phải xem xét lại. Trong khi các cháu thời gian vui chơi, giải trí không có, giờ các cháu thể dục thể thao không có. Theo tôi, trẻ em không được vui chơi, giải trí, không được giáo dục qua thể dục thể thao, nhân cách, kĩ năng sống cũng không có.

Có ý kiến cho rằng, một người cao hay thấp là do gen di truyền. Hơn nữa, người Nhật Bản, Hàn Quốc cũng ít vận động, đa phần người ta ngồi văn phòng làm việc. Ông nghĩ sao về điều này?

Điều này không đúng. Nhật Bản là nước đầu tiên có kế hoạch “toàn dân rèn luyện thân thể” trong đó có thể thao giáo dục học đường được chú trọng nhiều nhất ngay từ 1951 sau chiến tranh.

Mỹ và Nhật là 1 trong những nước phát triển đi đầu trong vấn đề thể thao học đường. Trong các yếu tố phát triển chiều cao, gen di truyền chỉ đứng ở vị trí thứ 2.

Ở Việt Nam, trẻ không bị ảnh hưởng bới chiến tranh, được sống hòa bình, kinh tế tốt lên, điều kiện dinh dưỡng tốt cũng không tập luyện hơn trước mà chiều cao thân thể dù có cải thiện nhưng rất “ì ạch”.

Theo tôi vấn đề chiều cao thân thể là một phần của thể lực. Vấn đề thể lực chung mới quan trọng, sức bền, sức mạnh ở con người mới quan trọng.

Theo ông, muốn đạt được chiều cao chuẩn, tránh tình trạng người Việt Nam lùn nhất châu Á cần có biện pháp gì?

Theo tôi phải chú ý chăm sóc về dinh dưỡng đúng cách. Người dân chú ý đến thể dục thể thao, hoạt động vừa sức cái này rất quan trọng vì cái này liên quan, ảnh hưởng tới kích tố tăng trưởng chiều cao.

Tôi cho rằng hiện nay có giờ thể dục nội khóa, nhà trường nên thực hiện tốt điều này. Thể thao ngoại khóa, 1 tuần mỗi cháu chỉ tập 3 buổi, mỗi buổi 1 tiếng là được không cần gì nhiều.

Thời gian, phương pháp tập luyện như thế nào để người Việt Nam tăng trưởng chiều cao tốt nhất, thưa ông?

Giai đoạn trong bào thai phải được chăm sóc cho đến hết 1 tuổi. Đây là giai đoạn đứa trẻ phải được chăm sóc cẩn thận. Ngoài ra, giai đoạn tiền dậy thì cũng là yếu tố giúp trẻ tăng trưởng chiều cao tốt. Đây là 2 giai đoạn, phụ huynh cần phải chăm sóc.

Với con cháu, tôi chú ý tới thầy cô giáo, dạy văn hóa và tri thức, người hướng dẫn về dinh dưỡng, nhà thể thao, người giúp cho các cháu mình tập luyện thể dục thể thao kết hợp dạy kĩ năng sống.

Nếu gia đình nào cũng thực hiện như vậy, trẻ sẽ phát triển bình thường, duy trì nòi giống của gia tộc, gia đình mình. Người có thể lực tốt, chiều cao, cân nặng phát triển bình thường, trí tuệ sẽ phát triển tốt.

Bảng so sánh chiều cao thân thể bình quân của người trưởng thành trên thế giới (m):

STT

Quốc gia

Nam

Nữ

1

Úc

178,4

163,9

2

Canada

180

164,9

3

Trung Quốc

170,2

161,6

4

Đan Mạch

182,6

168,7

5

Ai len

177,5

164,5

6

Hà Lan

183,2

169,9

7

Pháp

175,6

162,5

8

Phần Lan

179,0

165,0

9

Đức

181,0

168,0

10

Bỉ

178,6

168,1

11

Hồng Kông (Trung Quốc)

171,7

161,7

12

Ý

177,2

167,8

13

Nhật

171,8

161,8

14

Đài Loan (Trung Quốc)

174,3

161,7

15

Hàn Quốc

173,7

161,1

16

CHDCND Triều Tiên

167,6

154,9

17

Nauy

179,8

167,6

18

Tây Ban Nha

177

166,3

19

Ba Lan

178,5

165,1

20

Anh

177,2

165

21

Mỹ

178,6

165,2

22

Ấn Độ

167,5

155

23

Brazil

173,1

161,1

24

Việt Nam

164,0

153,0

25

Thái Lan

171,2

160

26

I Ran

173,4

162,8

27

Singapore

172,6

161

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Anh – Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN