Người Việt ít sáng tạo do ngân sách chưa "bơm" đủ 2%?
Xét về mặt tỷ lệ, 2% ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này không phải là thấp. Nguồn tiền đầu tư cho lĩnh vực này không chỉ phụ thuộc vào ngân sách nhà nước mà đó là khoản đầu tư của toàn xã hội.
Có phải vì vậy mà năng suất lao động của người Việt chưa cao không?
Không hẳn. Năng suất lao động thấp hay cao còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà việc ứng dụng khoa học công nghệ chỉ là một trong số đó. Ngoài ra, nó còn phụ thuộc vào phương thức tổ chức sản xuất, chất lượng lao động, vốn…
Trên thực tế, số lượng nhà khoa học, chuyên gia làm việc trong các doanh nghiệp chỉ chiếm số lượng rất thấp. Khoảng 80-90% máy móc sử dụng trong doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu. Đây có phải là thực tế đáng buồn?
Tất nhiên, không ai mong muốn mình phải nhập khẩu với tỷ lệ cao như vậy. Nhưng rõ ràng ở một nước còn kém phát triển như nước ta, chúng ta không thể sáng tạo ra mọi thứ được, việc nhập khẩu các thành tựu của khoa học công nghệ là tất yếu và cần thiết.
Tuy nhiên, liệu có hấp thu được cái đó hay không còn phụ thuộc vào năng lực nội sinh. Chúng ta phải có một lực lượng lao động đủ trình độ để hấp thụ, cải tiến, làm chủ công nghệ đó sao cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn ở trong nước.Sẽ là đáng lo ngại nếu sau khi nhập khẩu về chúng ta không có sự cải tiến, gia tăng để chúng phù hợp với điều kiện trong nước, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Còn việc ít chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong các doanh nghiệp là do nhu cầu của các doanh nghiệp chưa cao, nhưng không phải mọi doanh nghiệp đều vậy. Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn sở hữu số lượng nhà khoa học, chuyên gia lớn.
Đáng buồn là chúng ta đang có khá nhiều đề tài khoa học chỉ cất trong tủ, gây lãng phí xã hội. Ông nghĩ sao về chuyện này?
Có những phát minh, đề tài khoa học công nghệ không thể lập tức tạo ra sản phẩm hay trở thành một công trình công nghệ được. Trên thế giới cũng vậy, có những phát minh phải mấy chục năm sau mới biến thành quy trình công nghệ để tạo ra sản phẩm được. Do vậy, không nên nhìn sự việc theo hướng “chỉ nằm trong tủ” hay cho rằng chúng không có ý nghĩa.
Nếu như có quá nhiều đề tài khoa học chưa được ứng dụng vào thực tế, chúng ta phải xem lại cách thức đầu tư, tổ chức cho việc này tức là cần quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho việc nghiên cứu, ứng dụng chúng trong thực tế.
Xin cảm ơn ông!