‘Người vi phạm trước đây còn xin xỏ, giờ đánh luôn CSGT’
Tình trạng chống đối cán bộ khi làm nhiệm vụ ngày càng manh động, người vi phạm bây giờ không xin xỏ mà lao vào đánh CSGT luôn.
Cục CSGT Bộ Công an cho biết năm 2020 xảy ra 33 vụ chống người thi hành công vụ, khiến 19 cán bộ bị thương. Lực lượng chức năng đã bắt giữ 33 người có hành vi chống đối.
Cục CSGT nhận định tình trạng chống lại CSGT diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, các đối tượng vi phạm hết sức liều lĩnh và coi thường pháp luật.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT nhận định tình trạng người vi phạm chống đối CSGT đang ngày càng phức tạp, manh động. Ảnh: UYÊN TRANG
Ngoài nguyên nhân từ phía người vi phạm, Cục CSGT cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn có hiện tượng sai phạm, tiêu cực, nhất là văn hóa ứng xử của cán bộ chiến sỹ khi tiếp xúc với nhân dân còn hạn chế, dẫn đến một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT so sánh với năm 2019, số cán bộ CSGT bị thương vì bị chống đối năm 2020 có giảm nhưng hành vi chống đối ngày càng manh động.
“Trước đây, khi bị dừng xe thì người vi phạm xin xỏ, xin không được mới quay sang chống đối rồi tấn công CSGT. Thế nhưng nay nhiều người không xin xỏ nữa mà tấn công thẳng lực lượng CSGT” – ông Đức dẫn chứng.
Để giải quyết tình trạng trên, Cục CSGT đã triển khai nhiều nhóm giải pháp trong toàn lực lượng, nhằm hạn chế việc xảy ra các vụ chống đối người thi hành công vụ.
Trong đó, CSGT phải chủ động nắm tình hình, thông qua nắm bắt địa bàn để biết tuyến đường nào, khu vực nào thường xuyên xảy ra tình trạng chống đối. Hai nhóm hành vi được tập trung nắm bắt là vi phạm nồng độ cồn và đua xe trái phép.
“Xử lý một ông tỉnh đã khó, phải thuyết phục, chỉ ra cái sai để họ công nhận; với một ông say thì lại càng khó hơn, nếu không có phương pháp sẽ tạo ra sự kích động…” – Cục phó Cục CSGT chia sẻ, và cho hay bằng việc khảo sát, CSGT sẽ lên danh sách những người thường xuyên có biểu hiện chống người thi hành công vụ.
Còn với nhóm đua xe trái phép, lực lượng CSGT sẽ phối hợp cùng Công an xã/phường/thị trấn để chủ động nắm tình hình, lên danh sách các đối tượng có khả năng thực hiện hành vi vi phạm. Quan điểm là phải nắm bắt để giáo dục, tuyên truyền ngay từ khi nhem nhóm ý định tham gia đua xe trái phép.
Lực lượng CSGT ra quân đợt cao điểm xử lý vi phạm. Ảnh: UYÊN TRANG
Đặc biệt, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết sẽ thành lập lực lượng liên ngành gồm CSGT, Cảnh sát hình sự và Cảnh sát cơ động để tập huấn các tình huống có thể xảy ra (ví dụ một nhóm ba người chống đối, 10 người chống đối hoặc cả một đoàn người chống đối). Từ đó, lực lượng CSGT quen dần và có các biện pháp nghiệp vụ tương ứng khi xảy ra tình huống.
Một giải pháp rất quan trọng khác được Thiếu tướng Lê Xuân Đức nhắc tới, đó là vấn đề tập huấn văn hóa ứng xử cho lực lượng CSGT. Theo ông, mọi vấn đề phát sinh giữa CSGT và người dân đều “xuất phát từ văn hóa ứng xử”.
Để tạo ra sự chuyển biến, Cục CSGT phát động phong trào thi đua, đặt ra ba tiêu chí, trong đó nhấn mạnh CSGT khi xử lý phải nở nụ vười với người dân, tạo ra sự thân thiện.
“Dứt khoát khi dừng phương tiện anh phải nở một nụ cười, khi tình hình giao thông phức tạp mà thời tiết lại nắng nóng, chỉ cần CSGT cười, chào người dân thì mọi bức xúc giảm ngay” – vị Phó cục trưởng nói.
Tiếp đó, khi người dân chấp hành và ký biên bản vi phạm, CSGT cần nói lời cảm ơn. Với những ứng xử như vậy, chắc chắn người dân sẽ đồng thuận với công tác xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.
Nguồn: [Link nguồn]
Tài xế khóa cửa xe chống đối CSGT đã đến làm việc, thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm của mình và đồng ý nộp phạt...