Người từng uống nước sông Tô Lịch nói gì về đề án biến sông Tô Lịch thành sông Thames?
Từ một con “sông chết”, liệu sông Tô Lịch có thể biến thành dòng sông xanh, sạch, đẹp giống như sông Thames ở Anh?
Sông Tô Lịch chảy qua 6 quận, huyện của TP. Hà Nội.
Mới đây, tập đoàn Phương Bắc có công văn gửi UBND TP Hà Nội đề xuất chủ trương cải tạo sông Tô Lịch trở thành dòng sông xanh, sạch, đẹp giống như sông Thames ở Anh.
Theo đó, nội dung cải tạo gồm: Cải tạo lại hệ thống thoát nước thải thành hệ thống đi riêng, nước đổ ra sông sẽ là nước mưa tự nhiên và nguồn nước sạch tự nhiên; Xây dựng lại hệ thống kè để tiết kiệm không gian, quỹ đất. Trồng cây và các vật liệu kiến trúc mang đến cho Thành Phố vẻ đẹp đặc sắc văn hóa riêng của thủ đô Hà Nội và phù hợp với phong thủy như vốn có trước đây.
Hiện sông Tô Lịch đang bị ô nhiễm trầm trọng bởi nước thải và rác thải sinh hoạt.
Sông Tô Lịch vốn là phân lưu của sông Hồng, mang nước về giúp người dân phát triển nông nghiệp. Trải qua thời gian và quá trình đô thị hóa, nhiều đoạn sông đã bị lấp. Sông Tô Lịch hiện có chiều dài khoảng 14km, chảy qua địa phận 6 quận, huyện nội thành của Hà Nội.
Trước kia, nước sông trong xanh, tôm, cá… sinh trưởng rất nhiều. Người dân có thể đi thuyền vãn cảnh đôi bờ. Tuy nhiên, vài chục năm trở lại đây, sông Tô Lịch đang bị ô nhiễm trầm trọng. Nước sông mang một màu đen kịt, sủi bọt, tôm cá chẳng thể sống nổi.
Lý giải về nguyên nhân sông Tô Lịch ô nhiễm trầm trọng, PGS Trần Hồng Côn – Khoa hóa Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, bản chất sông Tô Lịch chẳng khác gì một cái cống lớn chứ không giống một con sông.
“Bao nhiêu nước thải sinh hoạt từ người dân, nhà máy, xí nghiệp chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu theo các cống ngầm chảy thẳng xuống sông thì ô nhiễm là điều không tránh khỏi”, PGS Côn chia sẻ.
PGS Côn từng nổi tiếng với việc uống nước sông Tô Lịch từ chính chiếc máy lọc nước do ông chế tạo ra. Chiếc máy không chỉ lọc được nước sông Tô Lịch mà còn lọc được nước ở những vùng ô nhiễm khác ở những vùng nông thôn thiếu nước sạch phục vụ cho sinh hoạt.
PGS Trần Hồng Côn - Khoa hóa Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Đại học Quốc gia HN.
PGS Trần Hồng Côn cũng đánh giá cao đề xuất cải tạo sông Tô Lịch của tập đoàn Phương Bắc. Ông cho rằng, việc cải tạo là hoàn toàn khả thi nhưng số tiền bỏ ra sẽ là rất lớn.
“Số tiền để cải tạo sẽ rất lớn nhưng không phải là không thể. Tôi cũng đã từng đề xuất cải tạo sông Tô Lịch từ những năm 90 nhưng do còn nhiều vấn đề nên đề xuất đó đã đi vào lãng quên.
Bây giờ đã là thời đại 4.0, điều kiện kinh tế cũng khá hơn, nếu cải tạo được sông Tô Lịch thì đó sẽ là điều hết sức đáng mừng với thành phố Hà Nội”, PGS Côn nói.
PS.TS Côn cho biết, về lý thuyết, để biến sông Tô Lịch thành dòng sông sạch cần phải chú 3 điểm sau:
Thứ nhất, phải tách và xử lý toàn bộ lượng nước đang thải vào sông Tô Lịch, cách này bắt buộc phải làm. Sau khi xử lý xong mới đổ ra sông.
Thứ 2, phải luôn giữ được mức nước của sông Tô Lịch từ 1,5-2m trở lên bởi, bản thân dòng nước đã có chức năng tự làm sạch. Như vậy, trên sông Tô Lịch phải làm cái đập, còn nếu để nước sông cạn thì sẽ không thể nào tự làm sạch được.
Thứ 3, khi đã làm được 2 bước trên rồi thì công tác quản lý phải bảo đảm, nếu đã làm được sạch sẽ mà vẫn để dân vứt rác thì dòng sông Tô Lịch lại trở về ô nhiễm như cũ.
"Nếu làm được 3 điểm trên thì dòng sông Tô Lịch còn đẹp hơn cả sông Thames vì chúng ta có nhiều cây cối hơn. Vấn đề ở đây chỉ là khâu quản lý”, PGS Côn chia sẻ.
Cùng quan điểm, Giáo sư Phạm Hoàng Hải – Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển Bền vững cho hay, nguyên nhân ô nhiễm chính là nguồn nước thải.
“Tất cả nước thải sinh hoạt của thành phố, đặc biệt là nước thải sinh hoạt hầu như đổ thẳng ra sông khiến nước bị ô nhiễm. Hiện sông Tô Lịch cũng như sông Sét, sông Lừ, sông Kim Ngưu chẳng khác nào sông tù. Nguồn nước thải ra không có đường thoát nên càng ngày càng ô nhiễm”, GS Hải nói.
Theo GS Hải, muốn cải tạo sông Tô Lịch, việc làm đầu tiên là phải có nguồn nước cung cấp cho sông. Nếu sông luôn luôn có đủ mực nước cần thiết và được thay thường xuyên thì bản thân dòng sông có thể tự làm sạch.
“Chúng tôi cũng đã nhiều lần tham dự hội thảo, đóng góp ý kiến với thành phố Hà Nội, thậm chí đã tính tới cả việc bơm nước từ sông Hồng vào. Thế nhưng, việc này cần kinh phí rất lớn và còn nhiều vấn đề phát sinh nên chưa thực hiện được”, GS Hải cho hay.
Đánh giá về đề xuất cải tạo sông Tô Lịch của tập đoàn Phương Bắc, GS Hải cho rằng, đó là một việc làm tốt. Tuy nhiên, việc cải tạo này không phải đơn giản, vì vậy, cần mang đề xuất ra trình bày, thuyết trình với các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường. Nếu đề xuất thực sự khả thi thì có thể tiến hành cải tạo.
Sau mưa lớn kéo dài mấy ngày, nước sông Tô Lịch như được "lột xác" bởi một màu xanh lá cây thơ mộng thay cho lớp...