Người tung tin vỡ đập khiến dân chạy tán loạn khai gì?
Bôn thừa nhận đã đưa thông tin vỡ đập Tả Trạch lên Facebook, nhưng sau đó đã gỡ xuống vì biết sai.
Nhiều người dân khu vực thượng nguồn sông Hương (Thừa Thiên - Huế) hốt hoảng "chạy lũ" đêm 4/11 vì tin đồn vỡ đập Tả Trạch
Trưa nay (6/11), Công an xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) cho biết đã làm việc với Lê Thanh Bôn, người đã đăng thông tin “đập Tả Trạch có sự cố…”.
Ông Lê Văn Tuấn, Trưởng Công an xã Dương Hòa cho biết, tại cơ quan công an, Lê Thanh Bôn (SN 1989, trú thôn Hộ, xã Dương Hòa) đã thừa nhận chính mình đã đưa thông tin đập Tả Trạch có sự cố… lên Facebook. “Bôn khai nhận, tối 4/11 Bôn đang ở nhà thì có anh rể và chị gái đến nói rằng đập Tả Trạch có sự cố. Bôn chạy ra đường thì thấy có mấy người ở chỗ thấp chuyển đồ đạc, trâu bò… lên chỗ cao, nên Bôn đã đưa tin đập Tả Trạch có sự cố lên Facebook”, ông Tuấn cho hay.
Ông Tuấn cũng cho biết, xã có phương án phòng chống bão lụt. Đây là những xã đầu nguồn sông Hương... nên nước thường rất phức tạp, khi thời tiết có lượng mưa lớn kéo dài thì thông báo cho các hộ dân ở vùng thấp chủ động đối phó. Đồng thời ở đây gia súc gia cầm người dân thường chăn thả ở các khu vực 2 bên bờ sông. Tình hình mưa lớn, nếu người dân không chủ động được sẽ ảnh hưởng đến gia súc, gia cầm của người dân… Vì vậy, địa phương thông báo cho bà con chủ động đề phòng đêm nước lớn sẽ về qua các đập tràn xả lũ…
“Khi nghe như vậy, có thể người dân nhầm lẫn là nước sẽ tràn đập, tưởng rằng có vấn đề gì ở đập nên… bộc phát ra thành cái tin không chính xác như vậy”, ông Tuấn cho hay.
Hồ đập Tả Trạch - hồ thủy lợi kết hợp thủy điện nơi thượng nguồn sông Hương (xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) trưa 5/11.
Trưởng Công an xã Dương Hòa cũng cho biết, Bôn mới học chưa hết cấp 2 thì nghỉ học. Qua làm việc với Công an xã Dương Hòa, Bôn khai nhận sau khi nghe thông tin không chính xác từ anh rể, Bôn đã vội đưa thông tin lên Facebook vào khoảng 19h30’ tối 4/11. Tuy nhiên sau đó (khoảng 30 phút), Bôn hỏi lại mới biết đập Tả Trạch không có vấn đề gì nên Bôn vội gỡ thông tin đã đăng trên Facebook xuống, chứ không hình dung được hậu quả sẽ xảy ra khiến người dân hoang mang như vậy.
“Bôn không ý thức được vấn đề, nên đưa thông tin không chính xác lên Facebook chứ không có động cơ… hoang tin gì cả”, ông Tuấn nói, đồng thời cho biết sau khi làm việc với Lê Thanh Bôn, Công an xã xem xét tính chất mức độ để có biện pháp giáo dục Bôn cũng như những người khác trong việc đưa những thông tin không chính xác lên Facebook gây ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, tổ chức, gây hoang mang cho người dân.
Chủ tịch UBND xã Dương Hòa, ông Nguyễn Văn Lộc cũng cho biết đã chụp lại nội dung Bôn đưa lên Facebook không chính xác khi nói rằng “Tả Trạch có sự cố, do ông Phó Chủ tịch UBND xã thông báo, đề nghị phải di dân…”. “Tả Trạch là công trình lớn của quốc gia, thông tin không chính xác do Bôn đưa lên mạng Facebook là rất nguy hiểm, sẽ bị xử lý nghiêm để giáo dục răn đe”, ông Lộc cho biết.
Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, trưa 5/11, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch UBND xã Dương Hòa xác nhận thông tin Lê Thanh Bôn (trú thôn Hộ, xã Dương Hòa) đã đưa lên mạng xã hội thông tin nói… đập Tả Trạch bị bể. Sau khi thông tin này đưa lên mạng, ai đó đọc rồi truyền miệng nhau, thậm chí truyền miệng nhau thì nói có thông báo của ông Phó Chủ tịch UBND xã thông báo rứa. Dân nghe rứa sợ quá họ hốt hoảng di chuyển đồ đạc "chạy lũ" trong đêm 4/11.
Cùng với tuyên truyền đến người dân thông tin đập Tả Trạch bị bể chỉ là tin đồn thất thiệt, ngay sau khi trong sáng 5/11, UBND xã Dương Hòa chỉ đạo Công an xã Dương Hòa triệu tập Bôn lên làm việc để làm rõ nguyên nhân vì sao lại đưa thông tin thất thiệt như thế và Công an xã đã gửi Giấy mời triệu tập Bôn lêm làm việc vào sáng 6/11.