Người tung clip đánh thiếu nữ không mặc áo có thể bị xử lý hình sự
Theo luật sư Giáp, sự việc chị M bị đánh hội đồng khi không mặc áo xảy ra đã lâu. Nhưng nếu ai đó lưu trữ clip ghi lại cảnh này rồi tung lên mạng với mục đích bêu xấu chị M thì có thể bị xử lý về hành vi “Làm nhục người khác”.
Bỏ học sau khi bị đánh, lột đồ
Mới đây trên mạng xã hội Facebook và Youtube xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh một cô gái trẻ bị một nhóm cô gái khác đánh hội đồng trong tình trạng không mặc áo tại khu vực khuôn viên trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang (thuộc xã Bích Sơn, huyện Việt Yên).
Hình ảnh M bị đánh hội đồng trong tình trạng hở hang bị phát tán trên mạng.
Liên quan tới sự việc trên, ông Đinh Văn Thanh – Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp Trường ĐH Nông lâm Bắc Giang xác nhận đoạn clip đó được quay tại khu vực khuôn viên trường mình. Tuy nhiên, sự việc xảy ra cách đây khoảng 1 năm và những nữ sinh trong clip không phải là học sinh của Trường ĐH Nông lâm Bắc Giang.
Theo tìm hiểu của PV, cô gái bị đánh hội đồng và lột đồ trong clip là T.T.M (SN 2001, ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).
M chia sẻ, sự việc xảy ra vào tháng 7.2014 khi cô gái trẻ mới bắt đầu vào học lớp 8. Nhóm cô gái trẻ đã lột đồ, rồi ép nhảy xuống ao, đánh hội đồng là người cùng xã. Nguyên nhân dẫn tới sự việc là hiểu nhầm trong chuyện tình cảm.
Theo lời M, khi cô bị đánh, có một bạn nữ đã quay lại clip. Vài ngày sau đó, đoạn clip đánh M bị phát tán trên mạng. Trước tình thế trên, gia đình M phải tới nói chuyện với gia đình cô gái đăng clip để gỡ xuống.
“Sau khi bị đánh, vì xấu hổ với bạn bè nên em đã nghỉ học rồi sau đó xin đi làm công nhân", M chia sẻ.
Về việc đoạn clip xuất hiện trên mạng hôm 18.10 vừa qua, M cho biết, cô không rõ vì sao. Tuy nhiên, M tiết lộ, trước thời điểm đoạn clip bị phát tán, M và một người lạ mặt trên facebook có xảy ra mâu thuẫn. Sau đó, người này đã có lời lẽ đe dọa sẽ biến M thành “người nổi tiếng”.
Theo anh T.V.Q (anh trai của M), việc đoạn clip đánh hội đồng, lột đồ M phát tán trên mạng ngày 18.10 vừa qua, khiến em gái anh rất mệt mỏi, không dám ra ngoài vì xấu hổ. Vì vậy, anh T.V.Q mong muốn cơ quan chức năng sẽ làm rõ sự việc, xử lý nghiêm đối tượng phát tán clip có hình ảnh “nhạy cảm” của em gái mình.
Có dấu hiệu làm nhục người khác
Trao đổi với PV về đoạn clip cô gái trẻ không mặc áo, bị nhóm cô gái khác đánh hội ở khuôn viên trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang, Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, nhóm cô gái trẻ trong đánh hội đồng chị M có dấu hiệu vi phạm vi phạm trật tự nơi công cộng và tội “Làm nhục người khác” theo điều 121 Bộ luật hình sự.
M (bên trái) nhận tin nhắn (bên phải) đe dọa tung clip biến M thành “người nổi tiếng” từ một tài khoảng trên Facebook.
“Nhóm cô gái trẻ sử dụng hành vi bạo lực như túm tóc, dùng chân đá, đạp vào đầu chị M ngay tại khuôn viên trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang cho thấy sự coi thường pháp luật, có dấu hiệu vi phạm trật tự nơi công cộng quy định tại điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Ngoài ra, việc bắt một cô gái không mặc áo tại nơi công cộng, sau đó đánh đập trước sự chứng kiến của nhiều người có dấu hiệu của tội “Làm nhục người khác” theo điều 121 Bộ luật Hình sự”, luật sư Hoàng Trọng Giáp nói.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp cũng cho rằng, ngoài các đối tượng có hành vi tấn công chị M thì các đối tượng sử dụng hình ảnh chị M trong tình trạng không mặc áo sau đó đăng tải trên mạng xã hội cũng có dấu hiệu của tội làm nhục tội “Làm nhục người khác” theo điều 121 Bộ luật Hình sự.
“Sự việc xảy ra cách đây một năm, tuy nhiên nếu ai đó có lưu trữ đoạn clip ghi lại cảnh chị M không mặc áo, bị đánh hội đồng rồi tung lên mạng với mục đích bêu xấu chị M thì có thể bị xử lý về hành vi làm nhục người khác. Bởi việc bị phát tán hình ảnh hở hang trên mạng có thể làm cô gái trẻ xấu hổ, cuộc sống bị đảo lộn” luật sư Hoàng Trọng Giáp nói.
Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định, vi phạm quy định về trật tự công cộng 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; b) Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác; c) Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng. 2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau; b) Báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; c) Say rượu, bia gây mất trật tự công cộng; d) Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác; đ) Tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng; e) Để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác; g) Thả diều, bóng bay, chơi máy bay, đĩa bay có điều khiển từ xa hoặc các vật bay khác ở khu vực sân bay, khu vực cấm; đốt và thả “đèn trời”; h) Sách nhiễu, gây phiền hà cho người khác khi bốc vác, chuyên chở, giữ hành lý ở các bến tàu, bến xe, sân bay, bến cảng, ga đường sắt và nơi công cộng khác. … Điều 121 Bộ Luật Hình sự: Tội làm nhục người khác 1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a) Phạm tội nhiều lần; b) Đối với nhiều người; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |