Người tù oan lóng ngóng làm người… bình thường
Cho đến nay, ông Nguyễn Thanh Chấn, người vừa được minh oan sau 10 năm trong tù ở Bắc Giang đã về nhà được gần 2 tuần. Tuy nhiên, khi ngồi trao đổi với chúng tôi, ông Chấn cho biết vẫn chưa quen… làm người bình thường.
Sức khỏe bị giảm sút nghiêm trọng, ngoài chứng đau đầu kinh niên, ông cũng không nói được nhiều, toàn thân ê ẩm nhói buốt mỗi khi trái gió trở trời. Một câu hỏi dài, nhiều nội dung cũng có thể làm ông bị bối rối, nên khi trao đổi với chúng tôi ông Chấn phải nhờ cả vợ và con gái “hỗ trợ”.
“Cái gì bố tôi cũng hỏi”
Bà Chiến (vợ ông Chấn) nghẹn ngào cho biết: “Từ ngày được trở về nhà, ông Chấn dễ khóc lắm. Khi không khóc, mặt ông ấy thẫn thờ, trông rất buồn thảm, nhiều lúc nhìn cứ như người trên rừng trở về vậy. Có lẽ sau 10 năm ngồi tù oan, ông ấy vẫn chưa kịp lấy lại tinh thần”. Với giọng nói chầm chậm, ông Chấn tiếp lời vợ: “Cái gì cũng xa lạ với tôi hết. Ngay cả chiếc điện thoại di động lúc mới về tôi cũng không biết nó là cái gì. Từ ngày về đến giờ bà Chiến cùng mấy đứa con dạy cho tôi suốt, nhưng đến bây giờ vẫn chưa quen dùng. Có ai gọi đến thì cũng chỉ biết bấm nghe, còn mỗi lần muốn gọi đi đâu là phải nhờ bà Chiến, hoặc thằng Quyết (con trai ông Chấn – PV) làm hộ. Ngày tôi còn ở nhà làm gì có điện thoại di động, mọi người toàn dùng điện thoại bàn thôi. Mà cũng lạ thật, từ hôm tôi về qua nhà hàng xóm chơi, nhưng tuyệt nhiên chẳng còn thấy nhà nào có điện thoại bàn cả”, ông Chấn ngơ ngác nói.
Ngày trở về, ông Chấn ngơ ngác khi ở ngay chính ngôi nhà của mình. Ảnh: TG
Sau 10 năm ở trong tù trở về, ông Chấn cảm thấy xa lạ ngay với chính con đường dẫn vào nhà mình, rồi đến từng đồ vật trong ngôi nhà thân thuộc xưa cũ. Chị Nguyễn Thị Thu, con gái ông Chấn kể: “Sau 10 năm trở về, cái gì bố cũng hỏi. Thấy cái gì lạ lạ là nhìn chằm chằm. Hôm trước có đứa bạn tôi ở công ty may về nhà chơi, khi thấy nó đi chiếc xe đạp điện đến, vừa dựng xe ở trước sân còn chưa kịp vào nhà thì bố tôi đã lên tiếng: Cái xe ba-bét-ta của cháu đẹp thế, có đắt tiền không? Nghe bố hỏi vậy, cả nhà vừa buồn cười lại vừa thấy thương hơn. Bố đi 10 năm mà, nhiều sự việc thay đổi quá, làm sao thích nghi một lúc được. Bố tôi bảo trong tù cũng được học luật giao thông nhưng 10 năm không động đến xe máy, giờ bố run lắm không dám đi, lỡ đâm vào người khác thì tội”.
Sau bao nhiêu chúc tụng, sau những cuộc phỏng vấn báo chí, sau khi những đoàn đến hỏi thăm… đều đã về hết, chỉ còn lại gia đình trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ cùng mảnh vườn tan hoang, ông Chấn mới có thời gian để suy nghĩ về quãng đời sắp tới. Ông Chấn buồn buồn nói: “Mấy hôm trước nhà tôi lúc nào cũng đông vui, toàn hỏi thăm chuyện được minh oan như thế nào nên tôi thấy mình sống trong thực tại. Khi mọi người ra về, tôi cảm thấy lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình. Mặc dù bên trong nhà vẫn còn đó những đồ vật, những dụng cụ tự chế có từ thời tôi chưa phải đi tù. Nay trở về, dù nó vẫn còn nguyên vẹn nhưng có cảm giác xa lạ lắm”.
Nén không để tiếng khóc bật thành tiếng, ông Chấn nói tiếp: "Tôi bị án oan đi tù khi các con còn bé nheo nhóc. Giờ đây chúng đều đã khôn lớn hết rồi. Đứa lớn đã có gia đình, đứa nhỏ công việc cũng ổn định hết cả. Ông bà ngoại (bố mẹ vợ của ông Chấn) thì mất, lúc tôi đi hai cụ còn khỏe mạnh lắm. Nhưng buồn nhất là ngày tôi mới về nhà, mấy đứa cháu không có đứa nào dám lại gần. Đặc biệt là cháu Trang, con cái Thu, mỗi lần tôi muốn bế là nó lại khóc thét lên”. Bà Chiến tiếp lời chồng: “Cứ 5h sáng là ông ấy tỉnh giấc, mặc dù tôi nói ông ấy ngủ thêm đi, nhưng ông ấy bảo đã quen dậy giờ đó rồi, nằm nhiều đau người lắm. Mà ông ấy vẫn còn giữ nhiều thói quen sinh hoạt như ngày trong tù lắm. Nhiều hôm hàng xóm đến chơi, ông ấy còn gọi mọi người là “cán bộ” và xưng là “con”. Cứ mỗi lần nghe ông ấy nói vậy, nghĩ đến cảnh chồng mình phải chịu khổ cực suốt 10 năm qua mà tôi không kìm được nước mắt”.
Căn nhà cấp bốn cũ kỹ của gia đình ông Chấn
Đêm nằm cạnh vợ mà ngỡ đang ngủ mơ
Được biết, thời điểm ông Chấn bị bắt, rồi bị kết án tù chung thân thì ngôi nhà của vợ chồng ông chỉ được xếp tạm bợ bằng gạch, lợp ngói prô-xi-măng. Lúc ấy, bà Chiến vừa lo lắng chạy vạy kêu oan cho chồng vừa phải làm việc bằng năm, mười người khác để lo cho các con. Việc đầu tiên mà bà Chiến làm là lo sửa sang ngôi nhà, sao cho 4 đứa con có chỗ ở gọi là “tạm” tử tế, để những ngày vác đơn đi kêu oan bà không phải thấp thỏm âu lo. “Khi đó tôi chỉ suy nghĩ duy nhất là làm và làm, phần vì cố gắng lo cho chồng, mặt khác phải chu toàn cuộc sống gia đình cho các con, để chúng nó có thêm động lực mà sống, mà vươn lên nữa. Giờ đây, ông Chấn được trở về, tôi mừng lắm”, bà Chiến tâm sự.
Vụ án oan sai rồi cũng đi đến hồi kết nhưng khi nói về tương lai của mình, ông Chấn cho biết: “Tôi bỡ ngỡ với mọi thứ xung quanh nên cho đến giờ này vẫn còn chưa xác định được tương lai mình sẽ làm gì. Nếu chỉ trông vào mấy sào ruộng có lẽ sẽ không lo nổi cuộc sống cho gia đình, chứ đừng nói đến việc trả nợ. Còn nếu tìm một công việc để làm thì cũng rất khó. Với sức khỏe và tuổi của tôi bây giờ, làm công việc nặng thì không thể, những việc nhẹ nhàng hơn lại đòi hỏi phải có tay nghề cao mà suốt 10 năm ở tù tôi không được học nghề gì cho nên hồn”.
Ngày được minh oan, vợ chồng ông Chấn mua bộ quần áo mới mặc để chụp ảnh cho tươm tất. Ảnh: TG
Gần như trong suốt câu chuyện kể về chuyện hòa nhập lại với cuộc sống, chỉ có khi được hỏi về chuyện vợ chồng “sau 10 năm không gặp” thì ông Chấn mới nở nụ cười nhẹ. Ông trải lòng: “Tình cảm của tôi từ trước dành cho bà ấy thế nào, giờ vẫn nguyên như vậy. Mà có lẽ tôi còn yêu thương bà ấy nhiều hơn trước nữa. Nếu không có bà Chiến có lẽ tôi sẽ không được hồi sinh như ngày hôm nay. Còn chuyện sinh hoạt vợ chồng, nói các anh đừng cười, nó… lóng ngóng cứ y như hồi hai vợ chồng mới cưới ấy. Mà lạ lắm, nhiều đêm nằm cạnh vợ mà tôi cứ ngỡ như nằm mơ, chẳng dám động vào vợ vì sợ tỉnh dậy bà ấy sẽ tan biến mất. Rồi đôi lúc nằm gần vợ mình mà tôi cứ ngỡ như nằm gần những người bạn trong tù trước đây. Có lẽ những ký ức đau buồn về quãng thời gian 10 năm qua, nó sẽ còn theo tôi đến suốt cuộc đời này”.
Vừa kể chuyện với chúng tôi, ông Chấn vừa quay qua nhìn bà Chiến nở nụ cười đầy hạnh phúc. Thấy chúng tôi nhìn chăm chú, bà Chiến có đôi chút ngượng ngùng nhưng nói với chúng tôi với giọng đầy hạnh phúc: “10 năm xa cách lúc nào tôi cũng nhớ đến ông ấy, kể cả trong mơ. Vì thế, bây giờ được ở bên ông ấy tôi cảm nhận được tình yêu, hơi ấm mà ông ấy truyền qua. Giờ đây cũng không mong muốn gì hơn, chỉ mong sự việc sớm kết thúc để ông Chấn được thực sự trở về đúng nghĩa là một người dân bình thường. Ông ấy còn phải đi làm giấy chứng minh thư nhân dân nữa, có vậy ông ấy mới có thể đi làm, hoặc tìm cho mình một công việc để trang trải cho cuộc sống gia đình”.
Cơn ác mộng rồi cũng kết thúc với ông Chấn và người thân. Người đàn ông cùng tổ ấm nhỏ bé giờ đây đã được đoàn tụ. Con lại có vòng tay cha mẹ che chở, vợ có lại chồng, mẹ có lại con. Hơi ấm lại trở về trong ngôi nhà nhỏ, tuy ọp ẹp, cũ kỹ, song đầy ắp tình yêu thương. Chúng tôi hy vọng rằng, từ đây, với sự quan tâm và giúp đỡ của tất cả mọi người, ông Chấn sẽ sớm vượt qua được khó khăn hiện tại, tiếp tục chèo lái con thuyền gia đình xuôi theo dòng chảy êm ả và nhiều thuận lợi, hòa nhập với xã hội. Đồng thời bù đắp lại những mất mát, thiệt thòi mà gia đình ông đã phải gánh chịu bao nhiêu năm qua. Theo tâm sự của bà Chiến, có lần ông Chấn đã nói với vợ rằng: “Nếu sau này có đi làm lại giấy chứng minh nhân dân, tôi sẽ xin thay đổi tên họ của mình từ Nguyễn Thanh Chấn thành Nguyến Chiến Chấn, vì bà đã khai sinh ra tôi lần nữa”.