Người trong cuộc lên tiếng về công văn "cản trở hành nghề" của Sở Y tế Bình Dương

Sự kiện: Tin nóng

Trước văn bản của Sở Y tế Bình Dương đề nghị các cơ sở y tế trong và ngoài công lập không tiếp nhận 6 bác sĩ, người bị nhắc tên đã lên tiếng.

Ngày 3-3, liên quan đến công văn của Sở Y tế Bình Dương phát hành 2-3 về việc đề nghị không tiếp nhận, tuyển dụng, đào tạo đối với 6 bác sĩ vi phạm cam kết đối với tỉnh này, người trong cuộc đã lên tiếng.

Trao đổi với phóng viên, một bác sĩ có tên trong danh sách cho biết khá bất ngờ với công văn của Sở Y tế vì trước đó bản thân anh đã gửi đơn xin nghỉ việc. "Tôi đã nộp đơn xin nghỉ việc từ cuối năm 2022, theo luật thì sau 45 ngày nộp đơn nếu cơ quan không giải quyết thì tôi có quyền nghỉ việc. Trong đơn, tôi cũng nói rõ sẽ bồi thường khoản tiền đã được hỗ trợ".

Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương- nơi có nhiều bác sĩ trong danh sách bị "cấm cửa" của Sở Y tế

Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương- nơi có nhiều bác sĩ trong danh sách bị "cấm cửa" của Sở Y tế

Theo người này, lý do xin nghỉ việc là do mẹ già, con nhỏ nên muốn làm việc gần nhà để có thời gian, điều kiện chăm sóc. Tuy nhiên, Sở Y tế không chấp nhận và vẫn muốn anh tiếp tục làm việc tại cơ sở y tế công lập. "Hiện tại mong muốn của tôi là được Sở Y tế giải quyết đơn xin nghỉ việc để đi tìm công việc mới, tôi cũng cam kết sẽ trả lại đầy đủ số tiền đã được hỗ trợ"- vị bác sĩ này nói, đồng thời không muốn vì công văn này mà ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của bản thân.

Một lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương cho biết công văn trên chỉ có tính chất "khuyến cáo" với các đơn vị khi tuyển dụng; đồng thời đề nghị các bác sĩ hoàn thành nghĩa vụ hoặc hoàn trả kinh phí cho Nhà nước chứ không có ý "cấm cửa". 

Trong sáng nay, Sở Y tế tiếp tục mời những người này lên để trao đổi, 3 trong số 6 người trong danh sách đã đồng ý  quay trở lại làm việc.

"Thời gian qua, Sở Y tế cũng đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể như công đoàn, thanh niên tổ chức nhiều cuộc họp có sự tham dự của những bác sĩ này, mục đích là để động viên các bạn tiếp tục làm việc, vì những trường hợp này đa phần đều nằm trong danh sách "nguồn", đã được ngành y tế quan tâm đào tạo, phát triển để sau này làm lãnh đạo"- vị lãnh đạo cho hay.

Như trước đó Báo Người Lao động đã đưa tin, chiều 2-3, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã có văn bản số 560/SYT-VP đề nghị các cơ sở y tế trong và ngoài công lập không tiếp nhận, hợp đồng, tuyển dụng, đào tạo đối với 6 bác sĩ vi phạm cam kết với tỉnh Bình Dương. Trong công văn, Sở Y tế nêu rõ tên, năm sinh, nơi công tác của các bác sĩ trước khi nghỉ việc.

Lý do Sở Y tế Bình Dương đưa ra là các bác sĩ này vi phạm cam kết với tỉnh Bình Dương, nhiều bác sĩ nhận 400 - 420 triệu đồng tiền thu hút nhân lực của tỉnh Bình Dương và cam kết phục vụ nhưng tự ý nghỉ việc khi chưa đủ thời gian cam kết, chưa hoàn trả số tiền đã nhận.

Công văn này của Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã nhận phản ứng từ dư luận. Nhiều người cho rằng phản cảm vì nếu các bác sĩ không thực hiện đúng cam kết có thể gửi đơn ra tòa án hoặc đưa văn bản nhắc nhở họ thực hiện theo quy định chứ không thể phát công văn đi toàn quốc…

Theo Nghị quyết số 05/2019 của HĐND tỉnh Bình Dương, bác sĩ về tỉnh được hỗ trợ một lần từ hơn 400 triệu đồng đến 600 triệu đồng ngay khi được tuyển dụng viên chức. Cụ thể: Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú là 600 triệu đồng; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I là 500 triệu đồng; bác sĩ đa khoa, bác sĩ răng hàm mặt tốt nghiệp loại giỏi trở lên là 450 triệu đồng, tốt nghiệp loại khá là 420 triệu đồng và tốt nghiệp loại trung bình khá, trung bình là 400 triệu đồng.

Ngoài ra, những người thuộc diện này còn được hưởng thêm tiền hỗ trợ thuê nhà ở, hỗ trợ hàng tháng từ 2 - 3,5 lần mức lương cơ sở và các hỗ trợ khác.

Sở Y tế Bình Dương nói về văn bản ‘cấm cửa’ 6 bác sĩ

Văn bản ‘cấm cửa’ 6 bác sĩ của Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã gây nhiều ý kiến trái chiều từ người dân và những người trong cuộc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thảo Nguyễn ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN