Người trong cuộc bật mí chuyện "làng chân dài"
Chị Nguyệt lấy chồng năm 19 tuổi, ở cùng làng. Khi chị đi ra ngoài hay bị nhìn ngó, xầm xì nhưng ở làng thì mọi người thấy bình thường...
Chị Nguyệt cao 1m73, các con chị đều xấp xỉ 1m9
Tổ dân phố Đình Tràng, nay thuộc phường Lam Hạ, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam được gọi là “làng chân dài”, nổi tiếng xưa nay vì toàn người cao kều, rất nhiều phụ nữ cao trên 1,7m; đàn ông cao trên 1,9m. Cao kều là một lợi thế, nhưng cũng gây ra không ít phiền toái cho người dân nơi đây.
Quần áo, đồ dùng quá cỡ
Theo số liệu Tổng điều tra và giám sát Dinh dưỡng, năm 1975, chiều cao trung bình thanh niên Việt Nam là 160cm ở nam và 150cm ở nữ. Năm 2000, chiều cao nam thanh niên là 162,3cm và nữ là 152,4cm (tăng 2,2cm trong 25 năm). Năm 2000 đến năm 2016, chiều cao trung bình của nam là 164,4cm và nữ 153,4cm (tăng 2,1cm ở nam trong 16 năm). |
PV có mặt làng Đình Tràng và gặp chị Lâm Thị Nguyệt (SN 1976) với chiều cao lênh khênh, vượt trội so với mẫu người phụ nữ thông thường. Chị Nguyệt cho biết, mình sinh ra và lớn lên ở đây, bản thân cao chỉ 1m73 nhưng vẫn có thói quen đi giày dép cao gót, nên nhiều lúc đo chiều cao, lên tận 1m8.
“Tôi đi ra khỏi làng thì mọi người hay nhìn ngó, xầm xì, nhưng về làng, thấy mình cũng cao như mọi người thôi. Ở đây nhiều người cao lắm”, chị Nguyệt kể, chị lấy chồng năm 19 tuổi, chồng chị cũng là người cùng làng. Đến nay, hai vợ chồng chị sinh được 2 con trai, cháu lớn là Nguyễn Văn Sơn (SN 1994), cao 1,89m; còn cậu em là Nguyễn Quang Núi (SN 2000), cao 1,87m.
“Tôi thấy nhiều người cứ tìm mọi cách để tăng chiều cao, nào là chế độ dinh dưỡng, tập luyện, thậm chí phẫu thuật thẩm mỹ nối cả chân... Tôi từ thuở bé đến khi lớn lên cũng chẳng được chăm bẵm gì, giờ các con tôi cũng thế, mà gia đình ra đồng bắt được con cua, con cá nào thì cả nhà dùng”, chị Nguyệt kể.
Theo chị Nguyệt, “chân dài” cũng nhiều cái bất tiện, hầu như không dùng được đồ mua sẵn, từ cái giường nằm, đôi giày đi, đến quần áo mặc, cái ghế cái bàn, cái mắc áo... hầu như đều phải đặt đóng, đặt may.
“Nhất là chị em, để tìm được người xứng đôi vừa lứa không phải là chuyện dễ dàng. Tôi ngày còn trẻ cũng phải đợi mãi mới có nhà tôi xấp xỉ chiều cao tìm tới. Trai làng thì cũng nhiều người cao, nhưng nhiều khi “bụt chùa nhà không thiêng” nên có những bạn gái, nổi tiếng xinh đẹp, học giỏi nhưng cao tới 1,78-1,80m, mà vẫn cô đơn mãi. Lại có những cô gái cao, đến khi trót yêu một chàng trai thấp tới ngang vai mình, thì nhà trai nhất định không cho cưới vì nhìn lệch pha quá”, chị Nguyệt cho hay.
Tương tự, khi đến nhà anh Ngô Văn Ca (SN 1977, ở tổ dân phố Đình Tràng), chúng tôi bất ngờ với vẻ cao to như người khổng lồ, đầu chạm cửa nhà của anh. Anh Ca cười vui vẻ nói: “Tôi cao 1,90m, nặng 120kg, gia đình làm nghề chài lưới ở các con sông, mương, ao khu vực gần nhà”.
Theo anh Ca, với chiều cao và thể trạng của mình, anh thấy có sức khoẻ, làm gì cũng được nhanh hơn và nhiều hơn mọi người. Nhưng cũng bất tiện, mỗi khi đi chơi, ra đường nhiều người họ cứ hay để ý, khiến anh ngại ngùng. Hơn nữa, quần áo không có sẵn, toàn phải đi may. “Nhà tôi phải đóng giường dài 2,2m chứ giường 2m nằm kích chân, quần áo, giày dép cũng phải mua hoặc may cỡ lớn hơn người bình thường. Tôi đi sang nhà khác luôn phải cúi đầu, nếu không thì thường xuyên bị đụng đầu”, anh Ca kể.
Gia đình anh Ca có 4 anh em trai là: Ngô Văn Ca (SN 1977, cao 1,90m), Ngô Văn Cảnh (SN 1979, cao 1,85m); Ngô Văn Công (SN 1984, cao 1,92m) và Ngô Văn Kiều (SN 1987, cao 1,96m). Mẹ của bốn anh em là bà Ngô Thị Cà, cao 1m80, còn bà ngoại cũng cao 1,80 m. “Nhà tôi nghèo, những năm đói kém cũng ăn cơm độn khoai, độn sắn, chứ làm gì có chế độ khác biệt nào”, anh Ca nói.
Do gen di truyền?
Anh Ca cao 1m90 nhưng chưa phải là người cao nhất nhà vì hai em của anh cao 1m92 và 1m96
Theo ước lượng của ông Trương Mạnh Hùng, Tổ trưởng tổ dân phố Đình Tràng các cán bộ thôn Đình Tràng thì chiều cao trung bình của nữ nơi đây là 1,65m, nam là 1,74m. Cả làng có khoảng 230 người tuổi từ 15 - 25 thì đã có đến 70% có chiều cao 1,65m trở lên. |
Anh Ngô Văn Ca cho hay, thường người đằng họ ngoại nhà anh ai cũng cao ít nhất trên 1,70m. Ở khu vực tổ dân phố Đình Tràng, trong họ của anh, cũng có tới hơn 100 người đều cao trên 1,70m. Còn người 1,80m trở lên cũng rất nhiều. “Giờ nếu trong họ xuất hiện một người thấp chừng 1,6m, có khi lại là chuyện lạ”, anh Ca cười nói.
Bà Lâm Thị Tâm (60 tuổi, ở tổ dân phố Đình Tràng) cho biết, bà thấp nhất nhà nên chỉ cao được 1,70m. “Dòng họ Lâm, ai cũng cao. Bố tôi cao 1,90m, các anh tôi cao từ 1,80 - 1,90m. Dòng họ Lâm ở làng Đình Tràng 10 đời nay đều cao thế rồi”, bà Tâm khẳng định.
Theo ông Trương Mạnh Hùng, Tổ trưởng tổ dân phố Đình Tràng, phường Lam Hạ, trước đây khu vực này gọi là làng Đình Tràng, đến năm 2014 đô thị hoá, đổi tên thành tổ dân phố Đình Tràng. “Khu vực tổ dân phố Đình Tràng có 6 dòng họ: Ngô, Lâm, Vũ, Trương, Nguyễn và Trần. Nói chung, dân số ở đây đều cao ráo, ít người lùn. Nhưng trong đó, có 2 dòng họ có người cao kều là dòng hộ Ngô và hộ Lâm”, ông Hùng nói.
Theo ông Lâm, cũng chưa ai hiểu vì lý do gì, nguyên nhân từ đâu, người sinh ra lớn lên của họ Ngô, họ Lâm khu vực Đình Tràng này con gái, con trai cứ cao kều, ai đấy cũng xinh tươi khoẻ mạnh.
Trao đổi với PV, ông Trịnh Xuân Lành, Phó chủ tịch UBND phường Lam Hạ cho hay, từ xưa đến nay, chưa có một nghiên cứu nào về người cao kều ở khu vực Đình Tràng cả. “Tuy nhiên, vừa là lãnh đạo địa phương phụ trách mảng văn hoá, cũng là người đã nhiều đời ở đây, tôi chứng kiến người dòng họ Ngô, họ Lâm ai nấy đều cao kều, khác với người bình thường”, ông Lành nói.
Ông Lành chia sẻ, rất nhiều người còn cho rằng có thể nước sinh hoạt hoặc thức ăn của làng có điều gì đó đặc biệt, nên mới có nhiều người cao lớn thế. Nhưng theo ông, điều này hoàn toàn không phải. Trước kia, khi chưa có giếng khoan, người dân nơi đây chủ yếu dùng nước sông Châu Giang làm nước sinh hoạt, vậy nên nếu nói nguồn nước đặc biệt là hoàn toàn không có cơ sở.
Ngôi làng cổ lâu đời, với những ngôi nhà cổ kính, mái nhà ngói cổ xưa, cây đa, bến nước, sân đình…còn giữ nguyên...
Nguồn: [Link nguồn]