“Người tiền sử” giữa Phong Nha - Kẻ Bàng
Ngôi nhà của họ chính là những hang đá thẳm sâu giữa trùng điệp khối núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng, cách biệt hoàn toàn với thế giới văn minh. Họ như những người tiền sử còn sót lại: Không quần áo che thân, cuộc sống là chuỗi ngày săn bắt, hái lượm để sinh tồn giữa rừng xanh núi thẳm.
Kỳ 1: Lạc vào chốn hồng hoang
Còn nhớ, những ngày đầu ra bản 39 định cư, cũng trong một mùa hè bỏng rát, nhiều hộ dân người A Rem lại lục tục kéo nhau trở về hang. Sức hút hang lèn như ma lực giúp họ chống chọi qua những thời kỳ khốn khó. Đó là đâu? Không phải nhiều người có may mắn được biết…
Người dẫn đường toàn năng
Câu chuyện về tộc người A Rem, mặc dù rời hang đá hơn 50 năm, được Nhà nước dựng cho những ngôi nhà khang trang ở bản mới nhưng thi thoảng vẫn tìm về hang đá, cá biệt có gia đình ở hẳn nơi tổ tiên họ đã từng sinh tồn và phát triển cứ ám ảnh, thôi thúc chúng tôi tìm câu trả lời: Ở đó có gì cuốn hút họ đến vậy?
Sáng sớm một ngày cuối tuần, theo lời hẹn của ông Sỹ, chúng tôi ngược đường 20 - Quyết Thắng lên xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Ông Sỹ và 4 người A Rem đã chờ sẵn ở Văn phòng UBND xã. Chúng tôi hiểu, sự có mặt của già làng Đinh Rầu như một bảo chứng cho chuyến đi của chúng tôi vào vùng đất thiêng của người A Rem. Chưa kịp chuyện trò nhiều thì ông Sỹ ra lệnh lên đường và yêu cầu chúng tôi bỏ lại tất cả các vật dụng, chỉ được phép mang theo máy ảnh để tác nghiệp. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông Sỹ cười giải thích: “Đã đi cùng những người ưu tú nhất A Rem vào vùng đất thiêng thì không đói khát đâu mà sợ. Tin tôi đi, các chú sẽ được trải nghiệm một chuyến đi thú vị nhất trên đời”.
Không ngạc nhiên sao được, khi lịch trình sẽ là vài ba ngày len lỏi giữa núi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng để tìm “người tiền sử”, mà trong chiếc gùi của những người A Rem chỉ có một ít gạo, một mảnh lưới bắt cá, xoong nồi, dao rựa, đến nước uống cũng không được mang theo vì sợ gùi nặng mất sức. Đồng hành cùng chúng tôi còn có chú chó săn điêu luyện của già làng Đinh Rầu.
Những chiếc bàn đá do thiên nhiên tạo ra nằm giữa suối Rục Cà Roòng là nơi hội tụ khí thiêng trời đất theo quan niệm của người A Rem
Trung tâm của xã Tân Trạch, nơi có hơn 400 người A Rem sinh sống là một thung lũng hẹp giữa trùng điệp núi đá vôi thuộc Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. Chỉ vài bước chân là chúng tôi đã ra khỏi bản, chạm đến cửa rừng, muốn đi tiếp thì phải len lỏi theo những con đường mòn hiểm trở đầy bất trắc, ẩn họa đang chờ phía trước.
Để trấn an chúng tôi, ông Sỹ giới thiệu: Già làng Đinh Rầu là một người biệt tài, còn lưu giữ được các phép thuật bí truyền của người A Rem. Đi với ông không lo đau ốm, không lo thú dữ tấn công, vì ông biết hàng ngàn cây thuốc quý trong rừng, có thuật thổi để chữa bệnh và thuật hấp hơi để ngăn thú dữ không thể tấn công con người.
Ông Sỹ kể: “Bàn tay của Đinh Rầu lạ lắm, nếu người bệnh sờ vào sẽ giảm cơn đau, còn người bình thường mà được ông sờ vào là sướng rân không thể tả được. Có chị từ Hà Nội vào tặng quà cho dân bản, không may bị thương ở chân, được Đinh Rầu chữa khỏi bệnh, thế là một hai đòi ở lại với Đinh Rầu, không chịu về Hà Nội nữa. May mà bà vợ Đinh Rầu cương quyết, nếu không Đinh Rầu có thêm vợ mới. Còn thuật hấp hơi bí truyền của Đinh Rầu có một sức mạnh vô địch, chỉ cần niệm một câu thần chú, trong vòng bán kính 3m xung quanh người của ông như có một luồng điện, chỉ cần chạm phải là bị đánh bật ra”. Thực hư chả biết thế nào, bởi như nhiều người kể thì mỗi người có một sự cảm nhận khác nhau tùy thuộc cơ địa từng người.
Đinh Rầu cười thẹn thùng sau câu chuyện của ông Sỹ. Đúng như lời ông Sỹ, bàn tay sần sùi, chai sạn của Đinh Rầu thật đặc biệt, không chỉ mình tôi mà cả hai đồng nghiệp đi cùng đều cảm nhận có sự khác lạ khi bàn tay ông sờ vào bất cứ ở đâu trên người. Bàn tay ông chạm đến cứ như có một luồng điện chạy vào sâu tận xương tủy. Ông nói, đang truyền thêm sinh lực để chúng tôi tiếp tục lên đường.
Chạm đến vùng đất thiêng
Thật lạ, càng vào sâu rừng càng hiểm trở, những người A Rem đi cùng cứ thoăn thoắt, nhanh nhẹn đến lạ thường. Như già làng Đinh Rầu đã hơn 70 tuổi nhưng bước chân ông vẫn hoạt bát, uyển chuyển trên những mỏm đá tai mèo nhọn hoắt. Ông Sỹ phải năm lần bảy lượt gọi giật giọng để họ chờ anh em báo chí chúng tôi. “Người A Rem lạ lắm, về bản là họ khờ khạo, chậm chạp nhưng chỉ chạm đến cửa rừng là họ nhanh nhẹn như con thú hoang. Hình như bản năng sinh tồn giữa rừng thiêng, nước độc từ ngàn xưa vẫn ăn sâu trong huyết quản của họ. Cứ vào rừng là vui vẻ, cởi mở, linh hoạt hơn hẳn, như đứa con lâu ngày đi xa về với quê hương, bản quán của họ vậy” - ông Sỹ nói.
Đoạn suối trước khi đổ vào 3 cửa hang, chỉ duy nhất già làng của người A Rem mới được tắm
Con đường vào vùng đất thiêng của người A Rem hiểm trở nhưng đẹp đến mê hồn. Có đoạn thoai thoải, có đoạn dựng đứng, có đoạn bên lối mòn là vực sâu hun hút thác đổ ầm ào. Cứ thế, chúng tôi len lỏi giữa những rừng luồng xanh mướt, vạt chuối lút tầm mắt, hay những khu rừng già cây to cả chục người ôm, tán lá xum xuê không thấy ánh mặt trời... Trên những ngọn cây cổ thụ cao ngất là bầy linh trưởng mặt đỏ chuyền cành hú hét khi thấy người lạ xâm nhập lãnh địa. Ở tầm thấp hơn là những chú chà vá ngũ sắc im lặng, rón rén bẻ cành che mặt như xấu hổ.
Thấy chúng tôi ngạc nhiên, già làng Đinh Rầu giải thích: Chà vá là loài dại nhất trong các loài linh trưởng. Chúng gặp người không bỏ chạy mà bẻ cành để che mình. Chúng tưởng không nhìn thấy người thì người cũng không thấy chúng và cứ ngồi yên trên cây. Nếu có gặp thợ săn, súng nổ đùng đoàng, đồng loại trúng đạn rơi lụp bụp xung quanh nhưng chúng vẫn thản nhiên, không chạy. Nên nhiều lúc các tay thợ săn hạ gục cả bầy chà vá, không một con nào thoát là vậy.
Một đồng nghiệp thưởng thức thứ nước mát từ dây rừng do già làng Đinh Rầu lấy từ hai bên lối đi
Đến được Rục Cà Roòng là đến được trung tâm không gian sinh tồn của người A Rem xưa, nơi hội tụ khí thiêng trời đất. Khu vực Rục Cà Roòng có nhiều sản vật mà người A Rem xem là của riêng mình, từ rau quả để ăn, hay cây lá chữa bệnh... Xung quanh khu vực Rục Cà Roòng có hàng trăm hang động lớn nhỏ, nơi đó là “nhà” của người A Rem xưa.