Người Sài Gòn đổ xô về phố ông đồ tìm không khí Tết xưa
Hàng trăm người dân đổ ra phố Ông đồ ngay giữa lòng Sài Gòn để thưởng lãm những câu đối, bức thư pháp và tìm một chút kỷ niệm của Tết Việt xưa.
Những ngày cuối tháng Chạp, giữa lòng TP.HCM hiện đại, nhộn nhịp, nhiều người bắt gặp hình ảnh Tết Việt xưa được khắc họa khá sinh động tại phố Ông đồ trước Nhà Văn hóa TP.HCM.
Bất chấp sự tất bật của những ngày cuối năm, không ít người vẫn dành chút thời gian để tìm về với không khí của Tết xưa, với hình ảnh trong câu thơ: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già…”.
Nhiều người đến với phố Ông đồ với mong muốn tìm lại chút không khí Tết Việt những năm của nhiều thập kỷ trước. “Cũng có nhiều cái hay và thú vị khi đến đây. Có nhiều câu đối được viết rất hay, bút pháp điêu luyện lắm. Tôi mua vài bức để treo ở nhà và làm quà tặng người thân ở quê”, anh Đặng Văn Giang (quê Phú Thọ) chia sẻ.
Nhiều du khách nước ngoài thích khi xem các ông đồ, bà đồ viết thư pháp. Trong ảnh là bà đồ Thủy Tiên đang cho chữ người đến thưởng lãm. Những chữ: Cha, Mẹ, chữ Hiếu, Nghĩa…được người dân xin chữ nhiều nhất.
Qua bàn tay của các ông đồ, bà đồ, nhiều bức thư pháp như “Rồng bay, Phượng múa”. Những nét thanh, nét đậm cho đến nét xổ đều rất uyển chuyển, dứt khoát, hút hồn người xem.
Đến phố ông đồ những ngày cuối năm, người ta còn nhìn thấy những cây bút lông công, loại bút thường dùng để viết mực Tàu, tạo nên những nét chữ bay lượn. Những ông đồ của thời hiện đại không còn là những người già, mà thay vào đó là những bạn trẻ mê “vẽ chữ”.
Nhiều cô gái trong trang phục áo dài truyền thống đến phố Ông đồ xin chữ. Theo các ông, bà đồ tại đây, người đến xin chữ thường đề nghị viết chữ “Hiếu”, một trong những câu được yêu cầu nhiều nhất là “Đi suốt cuộc đời không ai tốt bằng mẹ/ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”.
Người đi xin chữ cũng đa phần là các bạn trẻ, muốn vương vấn chút gì đó của không khí Tết xưa. Người đến xin chữ vui khi được sở hữu những bức thư pháp đẹp, thỏa mãn được niềm đam mê thư pháp của mình. Đối với các ông đồ, việc cho chữ vừa có thêm thu nhập, vừa thể hiện được cái tài, cái tâm của mình qua những nét bút tinh tế, chất chứa tâm hồn của tuổi trẻ, cũng là một cách tiếp nối bản sắc, hồn Dân tộc.
Tại phố Ông đồ, hàng nghìn bông mai giả được gắn tỉ mỉ trên những nhánh nhỏ của các thân cây rồi cố định ở vị trí mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch và trong khuôn viên Nhà Văn hóa Thanh niên đã mang Tết đến rất gần.
Các cô gái trong tà áo dài e thẹn bên sắc xuân giữa trung tâm Sài Gòn.
Hình ảnh Tết xưa giữa lòng Sài Gòn với nhành mai, tràng pháo đỏ, giấy gói mứt… báo hiệu Tết đã đến rất gần.
Những ngày giáp Tết, phố ông đồ Sài Gòn thu hút đông đảo du khách đến dạo chơi, xin chữ và chụp ảnh.