Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ

Video: Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch. Thực hiện: HOÀNG GIANG - NGUYỄN YÊN - NGUYỄN TIẾN

Dạo một vòng quanh Sài Gòn vào thời điểm này, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những điểm phát quà miễn phí, những cây “ATM gạo”, những quán cơm từ thiện mọc lên ngày càng nhiều để giúp đỡ người lao động nghèo giữa mùa dịch Covid-19.

Tấm lòng thơm thảo của người Sài Gòn bắt đầu lan tỏa mạnh mẽ từ ngày cả nước thực hiện Chỉ thị cách ly xã hội. Điều đáng nói, đây là thời điểm người lao động cần lắm sự sẻ chia từ cộng đồng.

15 ngày phải mất việc vì hoạt động bán vé số bị tạm ngưng trên toàn quốc, 15 ngày hạn chế ra đường khiến công việc, cuộc sống của người dân bị đảo lộn, đặc biệt với những người nhặt ve chai, xe ôm, bán vé số… trước vốn đã khó nay lại càng khó khăn hơn.

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 2

Trước số nhà 213 Trần Bình Trọng (quận 5), một tấm biển với nội dung: “Phần ăn cho người khó khăn, hãy đến lấy 1 phần/người. Hãy chừa cho người sau vì họ cũng cần giống bạn” được đặt ngay ngắn trên vỉa hè. Cạnh đó, ba người đang loay hoay sắp xếp từng phần quà để sẵn, chờ người đang thật sự cần chúng đến nhận.

Chị Lê Nguyệt Hương cầm trên tay những gói quà nhỏ, bên trong có một ít mì gói, nước suối. Thấy từ xa một người đàn ông già yếu, tay chống gậy đang bước tới, chị vội chạy đến trao tận tay cho cụ già. “Ông ơi, mai 10 giờ tới đây lấy cơm ăn, ông nhé!” - chị nói thêm.

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 3

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 4

Chị Hương là người đưa ra ý tưởng mở điểm phát quà cho những người gặp khó khăn do dịch bệnh. Chị cho biết kể từ khi có Chỉ thị cách ly xã hội của Thủ tướng, nhận thấy có rất nhiều người già, người tàn tật, những người bán vé số phải tạm ngưng công việc, chị và gia đình đã bắt đầu thực hiện ý tưởng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn này.

Mỗi ngày, chị Hương và các thành viên trong gia đình chuẩn bị 100-130 phần ăn và 150 suất quà, hôm thì chuẩn bị bánh mì thịt, hôm thì bánh bao, hôm thì xôi mặn và còn kèm theo mì gói, nước suối. Với những người nào quá khó khăn thì gửi thêm cho họ 5 kg gạo.

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 5

Vui mừng khi nhận được quà cùng với gạo, bà Huỳnh Thị Châu bày tỏ: “Vui quá chú ơi, mừng lắm, có gạo ăn rồi. Cầm túi gạo trên tay mà tôi thấy lòng nhẹ nhàng hẳn vì không lo thiếu ăn mấy ngày sắp tới. Bình thường tôi đi bán bắp xôi ở Phạm Thế Hiển. Nãy đi ngang qua được các cô chú cho mì gói với nước, rồi giờ lại nhận thêm gạo nữa, có số gạo này chắc tôi ăn được năm ngày”.

Cách đó không xa, quán cơm chay Bình An cũng đang trở thành một địa chỉ quen thuộc với những người nghèo, khó khăn ở Sài Gòn.

Quán nằm ở số 49 Ngô Quyền (phường 6, quận 10), mỗi ngày từng lượt người tìm đến quán để được nhận sự giúp đỡ trong mùa dịch bệnh. Chỉ trong ba ngày thực hiện, hơn 4.000 phần quà đã được trao tận tay cho nhiều mảnh đời còn khó khăn.

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 6

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 7

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 8

Khi tới quán, người dân sẽ được rửa tay sát khuẩn và xếp hàng giữ khoảng cách để phòng tránh lây nhiễm, sau đó từng lượt người sẽ lấy quà rồi ra về nhanh chóng. Những suất quà bao gồm cơm, sữa, mì gói, nước suối, khẩu trang... được chủ quán cơm chay Bình An phối hợp cùng nhóm thiện nguyện Cát Tường thực hiện. Ngoài ra, đối với những cụ già, người khuyết tật không còn sức lao động, nhóm thiện nguyện sẽ tìm đến tận nhà để gửi gạo và mì gói.

Đang ngồi ở vỉa hè ăn cơm được nhận từ quán chay Bình An, bà Quách Thiên Thiên nói: “Thấy mọi người bảo nhau ở đây phát cơm nên tôi cũng tìm đến. Có cơm ăn mừng lắm vì mấy ngày không ăn gì rồi. Để mưu sinh, tôi phải đi bán vé số. Trước còn bán được nhiều, giờ tuổi cao, sức yếu, chân bị đau, mắt không thấy rõ nên không bán được bao nhiêu. May có những suất cơm như thế này, thật ấm lòng biết bao”.

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 9

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 10

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 11

Loay hoay phân chia cơm chay thành từng bịch nhỏ, bà Đoàn Thị Ánh Tuyết (75 tuổi, ngụ quận 10) chia sẻ: “Ý tưởng thực hiện quán cơm là từ khi Chính phủ có lệnh ngưng hoạt động với người bán vé số trong vòng 15 ngày. 15 ngày đó, những anh bán vé số, những người lao động ở lòng lề đường lấy gì họ ăn? Ai giúp họ trong lúc cơ nhỡ này? Vì thế, tôi cùng nhiều người sống gần đây đến quán cơm Bình An để hỗ trợ, giúp chuyển những phần quà đến tay những người đang cần”.

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 12

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 13

Ở số 155 Hùng Vương (phường 4, quận 5), một điểm phát quà cũng được mở từ đầu tháng 4, đã hỗ trợ khoảng 2.000 suất quà cho những người khó khăn trong vòng bốn ngày thực hiện. Đây là điểm phát quà do chị Vương Nguyệt Hân mở ra với hy vọng giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch.

Chị Hân cho biết ngày 31-3 là sinh nhật con gái nhưng bé không tổ chức mà để dành tiền mua quà phát cho người nghèo. Vậy nên chị cùng người nhà chuẩn bị mỗi phần gồm 2 kg gạo, năm gói mì, khẩu trang, hai gói cháo và sữa. “Hôm đó tôi chuẩn bị khoảng 150 phần. Trong ba ngày tôi đã phát đi 2 tấn gạo” - chị Hân nói.

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 14

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 15

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 16

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 17

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 18

Ngoài việc chuẩn bị quà để phát tại số 155 Hùng Vương, gia đình chị Hân cùng nhiều mạnh thường quân khác đã chung tay chia sẻ với một số đơn vị, phường khác thuộc quận Phú Nhuận, quận 10 để phát cho người nghèo, vừa hạn chế việc phát không đúng người và tụ tập đông người.

>Dưới cái nắng gắt giữa trưa, đường phố Sài Gòn vắng lặng khi người dân thực hiện theo Chỉ thị cách ly xã hội. Thế nhưng đâu đó ở nhiều tuyến đường, từng lượt người tay xách nách mang những phần quà thiết thực về sử dụng, gửi lại những lời cảm ơn và nụ cười hạnh phúc.

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 19

Giữa mùa dịch, cuộc sống của người lao động trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Do đó, nhiều chủ nhà trọ tại TP.HCM đã thực hiện giảm giá tiền cho người thuê phòng. Sự sẻ chia ấy dù ít hay nhiều đều khiến người thuê trọ cảm thấy vui mừng.

>“Mọi người, thông báo với các bạn, tháng này đang dịch nên mình bớt tiền mỗi phòng là 1 triệu nha. Mọi người thấy OK không”. Đó là dòng tin nhắn thông báo của một chủ nhà trọ ở phường Linh Đông, quận Thủ Đức gửi cho những người thuê nhà.

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 20

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 21

Dịch bệnh kéo dài khiến nhiều người rơi vào cảnh túng thiếu, việc được chủ nhà thấu hiểu và đồng hành là sự hỗ trợ lớn nhất đối với những người thuê trọ. Chị Thu Thanh (người thuê trọ) vui mừng bày tỏ: “Đọc xong tin nhắn tôi không biết là mình đang tỉnh hay mơ nữa”.

>Chị Thanh chia sẻ, trong thời điểm công việc gặp khó khăn, sự sẻ chia của chủ trọ khiến chị rất vui và hạnh phúc. Anh Trần Minh Thành, sống cùng khu trọ với chị Thanh, tiếp lời: “Bình thường phòng em thuê 3 triệu, nay được anh chủ trọ giảm 1 triệu. Như thế, em có thể tiết kiệm được một khoản tiền để dùng cho những công việc khác”.

Nói về việc làm của mình, anh Nguyễn Văn Thuấn (chủ nhà trọ) tâm sự trước đây anh cũng là công nhân, cũng phải đi thuê trọ nên thấu hiểu hoàn cảnh của người thuê. Trong tình hình hiện nay, thu nhập của mọi người bị ảnh hưởng nên anh quyết định giảm giá thuê phòng.

“Khu trọ có sinh viên, người lao động, mỗi người mỗi cảnh với những nỗi lo khác nhau nên số tiền giảm cũng khác. Tôi cố gắng làm sao để các bạn cảm thấy thoải mái và không quá áp lực về tiền phòng trong mùa dịch. Tôi mong rằng mọi người sẽ cảm thấy nơi đây giống như gia đình thứ hai. Để sau này, khi các bạn không còn sống ở đây nữa vẫn có ấn tượng tốt về nó” - anh Thuấn nói.

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 22

Cùng đồng cảm với người đi thuê trọ như anh Thuấn, ông Bùi Văn Thảo (chủ nhà trọ trên đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú) cũng đã giảm tiền thuê phòng. Không những vậy, từ ngày 7-4, đều đặn mỗi ngày 11 giờ trưa, ông Thảo lại chạy qua quận Phú Nhuận nhận những suất cơm miễn phí về phát cho các thành viên trong khu trọ. Số phần ăn này được ông Thảo vận động và được hỗ trợ thông qua sự phối hợp của Liên đoàn Lao động TP.HCM cùng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao.

Khu nhà trọ của ông Thảo hiện có tổng cộng 62 phòng cho thuê với giá 1,8 triệu đồng/phòng. Để chia sẻ với người thuê trọ, ông Thảo đã chủ động giảm 100.000-200.000 đồng/phòng cho đến khi hết dịch, trường hợp người thuê quá khó khăn còn được ông miễn hẳn tiền phòng.

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 23

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 24

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 25

“Trong mùa dịch bệnh, cuộc sống của những người thuê trọ gặp nhiều khó khăn, công việc bị gián đoạn, có một số anh chị không thể đi làm nên tôi giảm giá thuê. Ngoài ra, tôi còn liên hệ với Liên đoàn Lao động quận Tân Phú hỗ trợ 100 suất cơm/ngày cho mọi người trong khu trọ từ ngày 7-4 đến hết 15-4” - ông Thảo bày tỏ.

Chia sẻ thêm về các biện pháp phòng, chống dịch ở khu trọ, ông Thảo cho biết đã triển khai tuyên truyền đến mọi người, trang bị thêm phòng sát khuẩn, vận động mọi người tổng vệ sinh và phát khẩu trang miễn phí cho mỗi người.

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 26

Bà Phạm Thị Lý (người thuê trọ) cho biết từ khi có Chỉ thị cách ly xã hội, bà phải tạm ngưng nhặt ve chai. Không kiếm ra tiền, bà cùng hai người con đang rất lo lắng thì nhận được hỗ trợ từ chủ nhà trọ. “Ngồi nhà nóng ruột lắm vì trước đi làm còn có đồng ra đồng vào để chăm lo cho tụi nhỏ, nay phải nghỉ không biết sống sao. May mắn là chủ trọ biết hoàn cảnh nên miễn phí tiền phòng, ngày nào cũng được nhận suất cơm miễn phí, tôi vui mừng lắm” - bà Lý chia sẻ.

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 27

Vừa nhận cơm từ chủ phòng trọ về phòng chuẩn bị ăn trưa, chị Trần Thị Thanh Tuyền kể chị cũng được công ty cho nghỉ ở nhà vì dịch bệnh. Cuộc sống chỉ có hai mẹ con đùm bọc lẫn nhau, khi phải nghỉ làm ở nhà, chị lo lắng không biết sẽ lấy gì để xoay sở cho cuộc sống. May mắn được chủ nhà trọ giảm tiền thuê, được hỗ trợ thêm quà gồm gạo, mì tôm, nước tương, cơm...

“Tôi cảm thấy rất vui và biết ơn những người đã quan tâm đến cuộc sống của người lao động nghèo trong tình hình hiện nay. Một miếng khi đói bằng một gói khi no” - chị Tuyền xúc động.

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 28

23 giờ ngày 8-4, trong một con hẻm trên đường Nguyễn Công Hoan (quận Phú Nhuận, TP.HCM), các tình nguyện viên nhóm thiện nguyện Xuân Yêu Thương vẫn đang tất bật chuẩn bị những chiếc mặt nạ ngăn giọt bắn phòng Covid-19 để kịp gửi tặng các y bác sĩ vào sáng sớm hôm sau.

Trong căn phòng diện tích chừng 20 m2 chất đầy nguyên vật liệu để làm mặt nạ, năm người chia nhau năm công đoạn từ dán thông điệp, gắn dây rút, miếng đệm, lau mặt kiếng… để tạo ra những mặt nạ phòng Covid-19 hoàn hảo nhất. Mỗi chiếc mặt nạ được tạo ra bằng sự tỉ mỉ và tâm đắc nhất của cả nhóm thiện nguyện để gửi đến các y bác sĩ.

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 29

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 30

Chị Quách Mỹ Linh (42 tuổi, quận Bình Thạnh), người đưa ra sáng kiến làm những chiếc mặt nạ, cho biết chị tham khảo mẫu mặt nạ chống dịch trên các trang mạng nước ngoài, sẵn kinh nghiệm kinh doanh nón của bản thân, chị đã mày mò tìm mua các nguyên liệu để tự sáng chế, tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh nhất.

“Ban đầu tôi định làm cho người thân dùng, sau đó được các thành viên trong nhóm thiện nguyện Xuân Yêu Thương góp ý cùng nhau làm để tặng cho các y bác sĩ phòng, chống dịch. Trải qua rất nhiều lần, hiện tại những chiếc mặt nạ đã được tinh chỉnh để phù hợp nhất với người sử dụng” - chị Linh chia sẻ.

Theo chị Linh, ưu điểm của những chiếc mặt nạ ngăn giọt bắn phòng Covid-19 là dễ làm, dễ sử dụng, dễ vệ sinh, có thể sử dụng nhiều lần và mức giá sản xuất thấp. Trong khi đó, công năng ngăn giọt bắn để phòng dịch Covid-19 không kém gì các sản phẩm đang được bán trên thị trường với giá cả chênh lệch đến cả trăm ngàn đồng mỗi chiếc. Thậm chí, các tình nguyện viên trong nhóm chị Linh còn thiết kế thêm miếng xốp lót cho mặt nạ để người dùng cảm thấy thoải mái hơn.

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 31

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 32

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 33

Về thông điệp “Chống đại dịch Covid-19. Hãy vững tin vì chúng tôi luôn bên bạn” dán trên mỗi chiếc mặt nạ, anh Trần Ngọc Ân (quận Bình Thạnh), Trưởng nhóm thiện nguyện Xuân Yêu Thương, chia sẻ đây là mong muốn của cả nhóm khi bắt tay vào làm những chiếc mặt nạ chống giọt bắn để gửi tặng y bác sĩ tại các bệnh viện.

Nhóm hy vọng khi các bác sĩ đọc được những dòng chữ trên mặt nạ sẽ cảm thấy vững tin hơn khi làm việc vì những người dân luôn đứng sau ủng hộ họ, trong khi các bệnh nhân nhìn thấy lại cảm giác an tâm hơn khi có các bác sĩ luôn đồng hành.

Kinh phí để thực hiện việc làm ý nghĩa này trong giai đoạn đầu là từ chị Linh và sự vận động của các thành viên trong nhóm Xuân Yêu Thương. Sau khi được nhiều người biết đến, các mạnh thường quân bắt đầu tìm đến góp công sức để nhân rộng thêm. Người bỏ vật chất, người bỏ công, mỗi người một tay, cứ thế họ đã cho ra đời những sản phẩm có ý nghĩa rất thiết thực trong thời gian này.

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 34

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 35

Đến thời điểm hiện tại, nhóm thiện nguyện Xuân Yêu Thương đã trao tặng tổng cộng 1.300 mặt nạ chống giọt bắn cho chín bệnh viện trên địa bàn thành phố, trong đó có các bệnh viện đang ở tuyến đầu chống dịch như BV dã chiến Cần Giờ, Củ Chi, BV Nguyễn Tri Phương…

Theo chị Linh, trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục làm thêm nhiều mặt nạ chống dịch để gửi tặng các y bác sĩ ở tất cả bệnh viện trên địa bàn thành phố. “Nhóm sẽ tiếp tục làm cho đến khi nào có công bố hết dịch” - chị Linh khẳng định.

Cô Phạm Thị Mỹ Lệ (66 tuổi) mỗi ngày chạy xe từ Bình Chánh lên quận Phú Nhuận để phụ mọi người làm mặt nạ tặng y bác sĩ. Cô Lệ bày tỏ: “Tôi muốn góp một phần nhỏ cho các y bác sĩ ở tuyến đầu. Tôi rất vui vì đã giúp đỡ được mọi người, mặc dù đi xa nhưng tôi vẫn muốn được tiếp tục đồng hành”.

Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch - 36

Sáng 9-4, các tình nguyện viên nhóm thiện nguyện Xuân Yêu Thương đã gửi tặng 400 chiếc mặt nạ chống giọt bắn cho hai bệnh viện lớn ở thành phố gồm BV Nhân dân Gia Định và BV Nhi đồng 1. Bên cạnh đó, các tình nguyện viên còn mang theo một số mặt nạ để gửi tặng các bệnh nhân, bảo vệ, người lao công tại các bệnh viện này.

BS Trần Thị Tuyết Mai (Phòng công tác xã hội, BV Nhi đồng 1) đánh giá về chuyên môn, việc sử dụng mặt nạ sẽ giúp hạn chế những giọt bắn khi tiếp xúc với bệnh nhân. Với sản phẩm mặt nạ này, điểm ưu việt nhất là ở thiết kế dây rút để phù hợp với mọi người, hơn hẳn loại dùng dây thun hoặc dùng miếng dán. “Được người dân ủng hộ làm những mặt nạ thế này cho các nhân viên y tế để phòng ngừa dịch bệnh, có sức khỏe để phục vụ bệnh nhân, tôi thấy rất mừng” - BS Mai bày tỏ.

Sự kiện: Tin tức COVID-19
Thứ Hai, ngày 20/04/2020 13:00 PM (GMT+7)
Theo Nhóm PV ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN