'Người rừng' Hồ Văn Lang sau 7 năm trở về làng
Sau hơn 7 năm rời rừng sâu trở về làng, “người rừng” Hồ Văn Lang dường như đã quen với cuộc sống cộng đồng. Có điều, trong giao tiếp với mọi người, anh rất ít khi mở lời. Bù lại, gặp ai anh cũng cười rất tươi, nụ cười ấy chỉ tắt khi có ai đó nhắc đến người cha quá cố của anh.
Rời rừng năm 44 tuổi, năm nay anh Hồ Văn Lang ở đã bước sang tuổi 51. Sau hơn 7 năm từ rừng sâu trở về làng, anh Lang đã quen và hòa nhập với cuộc sống hiện tại. Gặp ai anh cũng cười. Nụ cười thường trực trên môi là cách “người rừng” từng ở trong rừng sâu hơn 40 năm giao tiếp với mọi người.
Sự việc bắt đầu vào năm 1972, hoảng sợ sau một trận bom dội xuống làng ông Hồ Văn Thanh (SN 1932) dẫn theo con trai lớn là Hồ Văn Lang (SN 1969, trú xã Trà Phong, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) chưa tròn 3 tuổi bỏ vào rừng sâu trú ẩn, sống tách biệt với cộng đồng. Ảnh: Q.N
Hơn 40 năm sống tách biệt trong rừng sâu, 2 cha con “người rừng” chỉ biết bầu bạn với chim muông, cỏ cây và thú rừng. Họ ở trong một ngôi nhà giống như tổ chim trên thân cây cổ lớn, dùng vỏ cây khô, lá cây để làm vật che thân, ăn trái cây, củ mì, bắp, rau rừng để sống. Ảnh: Q.N
Năm 2013 người dân địa phương phát hiện hai cha con “người rừng” nên báo với chính quyền địa phương tổ chức tìm kiếm và đưa họ về sống hòa nhập với cộng đồng. Câu chuyện về cuộc giải cứu 2 “người rừng” vào tại Quảng Ngãi từng gây chấn động báo chí trong nước và quốc tế. Ảnh: Q.N
Khi được đưa từ rừng sâu về làng, mọi thứ đều rất lạ lẫm đối với cha con “người rừng”. Mọi người trong gia đình phải tập cho anh Lang dần làm quen với những sinh hoạt hàng ngày, thay đổi cách sống hồn nhiên như trong rừng. Ảnh: Q.N
Hiện tại anh đang sống cùng với gia đình em trai của mình trong căn nhà được các nhà hảo tâm xây tặng. Hàng ngày, anh Lang lên rẫy trồng lúa, trồng chuối, thu hoạch sản vật từ rừng. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Nhà cách rẫy chừng 4km đường rừng. Hằng ngày trời bắt đầu tờ mờ sáng anh Lang đã mang gùi lên rẫy như một thói quen, đến gần trưa thì anh bắt đầu trở về nhà và không quên đem theo những nải chuối do chính tay mình trồng về làng bán cho thương lái. Dù rằng, quãng đường đi và về phải mất hơn 3 giờ đồng hồ đi bộ. Những người trong làng bảo là do anh Lang nhớ rừng. Ảnh: Nguyễn Ngọc
“Khác với mọi người ở trong làng, anh Lang không uống rượu, không hút thuốc. Anh chỉ ‘nghiện’ trầu”, anh Hồ Văn Tri, em trai anh Lang cho biết. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Sau 7 năm trở về làng sống hòa nhập với cộng đồng, giờ đây anh Lang đã trở nên quen thuộc với mọi thứ, anh đã biết “làm ăn” kiếm tiền sinh sống, biết tự chăm sóc cho bản thân, tự nấu ăn cho mình mỗi ngày. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Anh Hồ Văn Tri cho biết, sau 4 năm rời rừng sâu cha anh đã qua đời. Từ lúc đó, anh Lang trở nên trầm lặng hơn. Dù đang vui nhưng có ai nhắc đến cha là nụ cười anh Lang vụt tắt. Những lúc ấy anh Lang thường đi ra sau nhà nhìn về phía những cánh rừng xa xôi. Chắc những lúc đó anh Lang nhớ lại thời gian được sống cùng cha ở trong rừng. Ảnh: Nguyễn Ngọc
“Hơn 40 năm gắn bó với cha trong rừng sâu nên anh Lang thương cha nhất, hễ đi đâu một tí là lại đòi về gặp cha. Sống quá lâu với cha giữa rừng sâu tách biệt nên thói quen bên cạnh cha của anh Lang không thể thay đổi. Lúc cha mất, anh Lang buồn rầu suốt cả tháng trời. Anh ấy là người sống rất tình cảm”, anh Tri bộc bạch. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Bữa cơm tuy đơn sơ mà ấm cúng giữa anh Lang và anh Tri trong căn bếp nhỏ. Điều đặc biệt, những món ăn trong bữa cơm đều do chính tay anh Lang nấu. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Anh Hồ Văn Lang vui mừng trước số tiền vừa kiếm được từ những buồng chuối do chính tay mình trồng. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Nguồn: [Link nguồn]
“Ở làng vui hơn. Sẽ không bỏ làng vào rừng sống nữa” – Lang đối đáp lại người em trai Hồ Văn Tri của mình bằng...