“Người rừng” HN sắp được đưa vào TT bảo trợ
Ông Nguyễn Lê Hoàng – Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc cho biết, UBND đang hoàn thành hồ sơ để đưa “người rừng” Trương Ngọc Tuất vào Trung tâm bảo trợ xã hội.
4 năm ròng sống cảnh “màn trời chiếu đất”
Như báo Đời sống & Pháp luật đã đưa tin tức trước đó, mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao khi phát hiện ra cuộc sống như thời nguyên thủy của 3 người đàn ông ngay giữa lòng thù đô. Một trong số đó là ông Trương Ngọc Tuất – người cũng có một gia đình đầy đủ, có vợ, có con và có cháu. Thế nhưng do hoàn cảnh gia đình, các con của ông không đủ điều kiện để đón bố về phụng dưỡng, nên mấy năm ròng rã, ông phải sống ở trong một túp lều rách nát, tạm bợ ven sông Tô Lịch, làm nghề nhặt nhạch phế liệu sống qua ngày.
Ông Trương Ngọc Tuất có một gia cảnh khiến nhiều người thương xót.
Nơi ông ở, nếu không để ý kỹ thì khó có thể nhận ra đó là nơi ở dành cho một con người. Bằng những tấm vải rách, bạt rách, những miếng gỗ vụn, họ dùng dây thừng hay bất cứ loại dây nào có thể buộc được, để níu túp lều xiêu vẹo vào thân cây cho chắc chắn. Đồ dùng hay vật dụng sinh hoạt thì thiếu thốn đủ bề, không có bất cứ thứ gì gọi là tươm tất, bởi hầu hết các thứ quần áo, chăn màn, xoong nồi.. đều là do ông nhặt nhạnh những thứ người khác bỏ đi để đem về dùng. Trời nắng ấm, khô ráo còn đỡ khổ, chứ những hôm trời mưa rét, gió lùa vào từng ngóc ngách của túp lều lụp xụp, thì khó có thể tả hết nỗi khổ của những người như ông Tuất. Giá rét là thế, nhưng trong cả túp lều không có lấy một tấm chăn ấm, hay một cái đệm nguyên vẹn để giúp ông chống chọi với cái lạnh.
Ông Tuất cho biết: “Tôi là lính Trường Sơn, gian khổ quen rồi, nên gió rét vẫn chịu được. Còn ăn thì bữa đói bữa no, bữa nào nhặt phế liệu bán được ít tiền thì mu cái gì về nấu ăn, có hôm không bán được đồng nhịn, nhưng thi thoảng, vẫn có những người đi đường tốt bụng ghé vào cho tôi túi xôi, hay gói mì”.
Khi báo chí thông tin về những hoàn cảnh sống quá đỗi khó khăn như ông Tuất, rất nhiều người đã mang chăn ấm, mang quần áo mới, mang thực phẩm đến để giúp đỡ cho ông, bởi khi tận mắt chứng kiến cuộc sống thiếu thốn đủ bề ấy, không ai có thể cầm lòng.
Vào Trung tâm bảo trở xã hội sẽ tốt hơn cho “người rừng”
Chiều 30/12, trong buổi làm việc với báo chí, ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc (nơi ông Tuất đã từng sinh sống) đã đưa ra hướng giải quyết về trường hợp của ông, là dân cư của phường đang phải sống lang thang.
Ông Hoàng cho biết sáng ngày 28/12, UBND phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP. Hà Nội phối hợp cùng UBND phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, HN đã có buổi làm việc với ông Trương Văn Tuất (sinh năm 1946) và đại diện gia đình ông là vợ ông, bà Vũ Thị Lý về việc hướng giải quyết đưa Tuất vào Trung tâm Bảo trợ xã hội để an dưỡng tuổi già.
Sắp tới, "người rừng" sẽ không còn phải sống trong những túp lều lụp xụp như thế này.
Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc cho biết: “Qua thực tế gia đình ông Tuất không có đủ khả năng, điều kiện để đón ông Tuất về chăm sóc, nuôi dưỡng. Để ông Tuất không còn phải lang thang, UBND phường Vĩnh Phúc căn cứ vào nguyện vọng của ông và gia đình đề nghị UBND phường Nghĩa Đô làm thủ tục đưa ông Tuất vào trung tâm Bảo trợ xã hội của Thành phố theo quy định”.
Có mặt tại buổi làm việc tại lán ông Tuất, bà Vũ Thị Lý và ông Trương Văn Tuất đã ký biên bản đồng ý đề xuất đó.
Hiện nay, UBND phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) đang tiến hành làm hồ sơ cho ông Trương Văn Tuất, sau khoảng 2- 3 ngày sẽ chuyển ông Tuất lên Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 (Đông Anh, Hà Nội) hoặc Trung tâm bảo trợ XH 2 (Ba Vì, TP. Hà Nội).
“Ông sống ở ngoài lán, ngoài đường, đi nhặt chai lọ để kiếm sống khổ hơn nhiều, việc vào trung tâm xã hội sẽ tốt hơn, ông được Nhà nước và các đoàn thể quan tâm, chăm sóc chu đáo hơn”, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc nói.
Trước đó, bà Lý, vợ “người rừng” cũng bày tỏ nguyện vọng muốn chồng mình là ông Trương Ngọc Tuất được đưa vào trại dưỡng lão hoặc các trung tâm bảo trợ để khi tuổi già, ông không còn phải lang thang sống trong cảnh màn trời chiếu đất.