Người quay clip dùng nước rửa chân pha trà có thể bị xử phạt thế nào?
Chỉ vì một clip câu like của chủ salon tóc mà quán trà vỉa hè, nơi mưu sinh của bà Lại bỗng bị cộng đồng mạng chỉ trích.
Clip: Dùng nước rửa chân pha trà đá gây xôn xao
Ngày 12/7 vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một cô gái trẻ dùng nước rửa chân pha trà đá bán cho khách trên đường Cầu Giấy (Hà Nội). Sự việc đã khiến nhiều người tỏ ra phẫn nộ, bức xúc, thậm chí kêu gọi tẩy chay quán trà đá vỉa hè trên và tất cả các quán trà đá vỉa hè khác.
Cô gái cho chân vào xô nước trong clip không phải là chủ quán thực sự của quán trà đá
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của PV, đó chỉ là một clip dàn dựng, cắt ghép của chủ tiệm một salon tóc gần đó. Người thò chân vào xô nước và người uống nước đều là nhân viên của salon tóc.
Chủ nhân thực sự của quán trà đá đó là bà Phạm Thị Lại (SN 1965, trú tại phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội). Khi sự việc xảy ra, bà Lại có mặt tại quán nhưng không biết rõ mục đích của việc quay clip, tung lên mạng của những nhân viên salon tóc.
Sau khi sự việc xảy ra, lực lượng chức năng phường Quan Hoa đã vào cuộc xử lý, mời những người liên quan lên làm việc. Quán trà đá của bà Lại cũng đã bị đóng cửa do vi phạm trật tự đô thị.
Sau sự việc, quán trà đá của bà Phạm Thị Lại đã bị công an tịch thu
Như vậy, chỉ vì một clip câu like của chủ salon tóc mà quán trà vỉa hè – nơi mưu sinh của bà Lại bỗng bị cộng đồng mạng hiểu lầm và chỉ trích trên mạng xã hội.
Liên quan đến vụ việc trên, chiều 14/7, luật sư Giang Hồng Thanh - Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Việc dàn dựng clip cô gái dùng nước rửa chân để pha trà cho người khác uống và đưa clip lên mạng xã hội đã xâm phạm đến uy tín, danh dự của những người lao động làm công việc bán trà, nước giải khát”.
Theo luật sư Thanh, hành vi này có thể bị xử phạt quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin.
Cụ thể, luật quy định những vi phạm về cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh. Ảnh NVCC
Luật sư Giang Hồng Thanh cũng cho rằng, không chỉ có quán trà được mượn để dàn dựng clip trở thành nạn nhân của trò câu like, mà còn rất nhiều quán trà khác đã, đang và sẽ bị ảnh hưởng bởi hành vi xấu đó và điều này sẽ kéo theo sự khó khăn đến với cuộc sống của những người, những gia đình chỉ biết trông chờ vào hoạt động bán hàng này.
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cũng cho rằng, hành vi dàn dựng, quay clip dùng nước rửa chân pha trà cho khách khiến dư luận lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo luật sư Thơm, không cần phải có đơn khiếu kiện của người chủ quán trà đá, chỉ cần công an xác minh, làm rõ được clip kia là dàn dựng, không đúng sự thật đưa lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận thì có thể áp dụng khung hình phạt đó.
Về việc xử lý hình sự đối với người quay clip, luật sự Thơm cho rằng: “Tuy có thể nó gây ảnh hưởng đến tâm lí người chủ quán và ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán và gây hoang mang dư luận nhưng để xử phạt hình sự là khó vì nó không có dấu hiệu của tội phạm hình sự”.
Công an phường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) đã tịch thu toàn bộ quán trà đá bị tố dùng nước rửa chân pha trà cho khách.