Người phụ nữ mang khối u khổng lồ

Ngồi đối diện với tôi, bà Hiền cúi mặt, hai tay bối rối như muốn giấu bớt những khối u mọc chi chít trên khắp thân thể. Rồi như thấy có cố gắng che đi cũng thừa thãi, bà xoay người, lúng túng kéo tấm vải bạc phếch giăng ngang khe hở trống hoác của mái chòi...

Hơn nửa đời người cô độc

Căn chòi lá của bà Nguyễn Thị Hiền (53 tuổi) nằm hút sâu trong con đường vừa hẹp lại vừa ngoằn ngoèo của xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Gió mưa trái mùa đêm qua khiến tấm vách lá vẫn còn ướt sũng. Cái nền đất trong căn chòi chưa kịp khô nên nhầy nhụa và trơn tuột. Bà cẩn thận nhón từng bước ngay trong “ngôi nhà” của mình, rồi lau chiếc ghế gỗ mời chúng tôi ngồi mà giọng không giấu được vẻ ngại ngùng: “Cô chú thông cảm, đêm qua mưa lớn, “nhà” dột nên cái nền đất nó còn đọng nhiều nước quá”.

Phải khó khăn lắm bà Hiền mới ngồi lên được chiếc phản trải manh chiếu tre cũ kỹ. Bởi mấy hôm nay, cái khối u khổng lồ phía bên hông trái lại trở đau hành hạ bà. Dường như không quen tiếp xúc người lạ nên khi đối diện với tôi, bà Hiền cúi mặt, hai tay bà bối rối như muốn giấu bớt những khối u mọc chi chít trên khắp thân thể bà. Rồi như thấy có cố gắng che đi cũng thừa thãi, bà xoay người, lúng túng kéo tấm vải bạc phếch giăng ngang khe hở trống hoác của mái chòi...

Người phụ nữ mang khối u khổng lồ - 1

Bà Nguyễn Thị Hiền với khối u to trên mặt và bên hông trái

Sinh ra trong một gia đình nghèo, có đến 8 người con, từ thuở ấu thơ bà Hiền chưa từng biết đến ngọt bùi là gì. Mới 5, 6 tuổi, bà Hiền đã tập tành theo mẹ, theo bà đan nón mang ra chợ bán kiếm tiền trang trải gia đình. Tuổi rong chơi cùng chúng bạn tưởng chừng đang trôi đi êm ái, nào ngờ năm lên 8 tuổi, bà đột nhiên mắc một căn bệnh lạ. Thoạt đầu thấy con nổi nhiều mụn đỏ trên lưng và cánh tay, cha mẹ bà Hiền cứ tưởng bà bị phát ban, đậu mùa. Nhưng sau, những cái mụn ấy cứ to dần lên rồi lan ra khắp người bà. Hoảng sợ, cha mẹ bà tìm đủ mọi cách chạy chữa nhưng đều vô vọng. Trong nhà lại chẳng có nhiều tiền của, lại phải lo miếng cơm, manh áo cho 8 mặt con, nên cha mẹ bà Hiền đành phải cắn răng nhìn cảnh con gái mình ngày càng bị biến dạng, bởi hàng trăm nghìn mụn thịt to nhỏ thi nhau nổi lên khắp mặt mũi, chân tay...

Bà Hiền kể, khoảng thời gian đó, bà cứ ngẩn ngơ không hiểu vì sao mình lại trở nên dị thường như thế. Bà hết hỏi mẹ, đến hỏi cha, rồi hỏi tất cả những người thân trong gia đình, nhưng không ai giải đáp được căn bệnh quái ác ấy là gì. Buồn tủi, đớn đau, sợ hãi,... bà khóc như con suối rừng no nước. Bà khóc nhiều đến nỗi hai hốc mắt quầng thâm, trũng sâu như hai cái hố trên khuôn mặt sớm hiện hữu nếp nhăn. Thị lực của bà suy giảm rõ rệt, nhìn thứ gì cũng chỉ thấy lờ mờ. Rồi bà trở nên trầm lặng...Từ nhà bà ra đường chỉ cách một con rạch nhỏ, có chiếc cầu ván bắt qua. Nhưng từ khi cơ thể bị mắc chứng bệnh kỳ dị, bà Hiền chưa một lần dám đặt chân qua cầu...

Mười tám, đôi mươi bà Hiền cũng trở thành thiếu nữ. Bà cũng thèm được túm tụm cùng đám trai thanh, gái tú của làng hẹn hò giữa đêm trăng sáng, hay được xúng xính với chị em đi nghe đám hát đình... Nhưng với mặc cảm bệnh tật, ngày ngày bà chỉ biết trốn trong nhà, rồi nhìn ra phía bên kia con rạch để trông theo tiếng nói cười của những đám người rộn rã ngang qua. Ngần ấy năm cô độc cũng đã quen, nên khi nhắc lại, giọng bà nghèn nghẹn: “Cỡ tuổi đó người ta lấy vợ lấy chồng, còn tui như vầy, dám mong gì...”. Ngập ngừng một chút bà tiếp: “Cũng khoảng cùng năm ấy, tui lại được ba má đưa đi chữa trị. Chắc là thương tui tối ngày lủi thủi như con gà, con vịt sau vườn, nên má tui mới bàn với ba bán con bò duy nhất của cả gia đình để lấy tiền đưa tui lên bệnh viện Chợ Rẫy. Lên trển (trên ấy –PV) người ta nói tui bị bệnh gì mà sao tui hỏi hoài ba má cũng không chịu nói. Nằm viện, uống thuốc đến khi hết tiền vẫn không thấy mụn thịt nó tiêu đi nên bác sĩ biểu đưa về nhà, hẹn ngày tái khám. Nói vậy thôi chớ tiền đâu nữa mà tái khám, từ đó cho đến khi ba má mất tui cũng bỏ luôn, không nghĩ đến chuyện chữa bệnh nữa”.   

Sau khi ba má mất, bà Hiền sống cùng người em trai út trong căn nhà của ông bà để lại. Rồi đứa em trai của bà cũng đến tuổi lấy vợ. Bà sợ ở chung nhà sẽ nảy sinh nhiều điều bất tiện, nên đã năn nỉ người em trai dựng cho cái chòi lá sau vườn để che mưa tránh nắng. Ngót nghét bà cũng đã gắn bó với nó hàng mấy năm trời.

“Họa vô đơn chí”

Từ khi ra ở riêng, bà lại tiếp tục với nghề đan nón rơm, nón lá. Mỗi chiếc nón thành phẩm bà bỏ mối 1.500 đồng/cái. Với điều kiện người ta phải vào tận nhà để mua, còn bà thì chẳng dám ra đường. Bà kể thêm: “Nón này mà đem ra chợ bán mỗi cái cũng được 4.000 đồng. Chợ sát bên đây, nhưng tui như vầy...”, bà buông thõng câu kết, rồi hướng đôi mắt sâu hút vào bàn tay đang mân mê từng cọng lá.

Lúc trước, mỗi ngày bà Hiền có thể đan được 10 chiếc nón, nhưng bây giờ có cố lắm cũng chỉ được phân nửa. Vì khối u lớn ngay mặt bà kéo mi mắt trũng xuống, khiến mắt bà vốn đã kém nay lại càng khó thấy hơn. Số tiền ít ỏi bà kiếm được một phần lo rau cháo, phần còn lại bà Hiền dành khi trái gió trở trời cái khối u khổng lồ bên hông trái lại nhức nhối thì bà đem mua thuốc về để cắt cơn đau.

Cứ thế, bà đơn độc sống lay lắt cho qua ngày đoạn tháng. Nhưng “họa vô đơn chí”, một hôm bà ngồi đan nón trong chòi bỗng nhiên thấy ngực đau dữ dội. Bà đau đến không biết gì miệng chỉ rên lên được vài câu yếu ớt rồi mê man. May sao, con gái của anh Nguyễn Văn Nhớn (em trai bà Hiền) đang chơi trong vườn nghe tiếng rên liền chạy vào kêu cha mẹ. Anh Nhớn cùng vợ hoảng hồn khi thấy bà Hiền nằm bất động tự lúc nào. Ngay lập tức anh Nhớn đưa bà Hiền vào bệnh viện Châu Thành, rồi sau đó chuyển đến bệnh viện lao Trung Lương. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bà Hiền bị ứ nước trong phổi (tràn dịch màng phổi) phải trị ngay và thường xuyên đi tái khám. Vợ chồng anh Nhớn phải chạy vạy khắp nơi mới được một chỉ vàng để lo cho bà Hiền qua được thời khắc nguy hiểm. Còn việc tái khám thường xuyên chính bản thân bà và cả người thân cũng không dám nghĩ tới. Biết vậy nên bà Hiền khuyên em trai đưa mình trở về nhà. Vả lại, trong thâm tâm bà luôn nghĩ: “Tui già rồi, lại bị căn bệnh gớm ghiếc thế này nên có bệnh thêm nữa hay chết đi cũng không còn gì đáng sợ”.

Sau đó, nghe ai chỉ vẽ cho uống lá cải trời sẽ khỏi được bệnh ứ nước trong phổi bà Hiền liền đi hái lá rồi về nấu lên uống thử. Khi được hỏi vậy giờ đã hết bệnh về phổi chưa, bà liền lắc đầu: “Uống thì thấy khỏe hơn chút, bớt khó thở hơn xưa, chứ còn hết bệnh hay không thì tui cũng không biết nữa...”.

Tuy mặc cảm bệnh tật, không dám ra đường nhưng mỗi khi có bà con, hàng xóm hay khách đường xa đến thăm, bà Hiền vẫn rất vui vẻ và cởi mở khi tiếp chuyện. Bà Hiền tâm sự: “Mình như vầy có người quan tâm, đến thăm, nói chuyện là vui lắm rồi. Tui đã lớn tuổi, bệnh tật đeo mang gần hết đời người, có gì đáng buồn phiền nữa đâu mà buồn hoài. Sống với mấy ngàn cục u cho đến lúc chết là xong, không dám trông mong gì nữa. Nên mỗi khi có người đến đây thăm tui, dù là ai tui cũng đều cảm thấy rất vui”.

Anh Nguyễn Hoàng Thái, phó chủ tịch xã Tân Lý Đông cho biết: “Những ngày gần đây cũng có nhiều người đến tìm gặp bà Sáu Hiền. Họ chủ yếu là đến thăm hỏi động viên và gởi bà chút đỉnh để ăn uống cho đủ chất. Thật sự chúng tôi rất cảm kích những tấm lòng hảo tâm đó. Và nếu được, chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm, từ thiện sẽ chung tay giúp đỡ cho bà Sáu Hiền được trị bệnh. Bởi đây là hoàn cảnh khá thương tâm. Bên cạnh đó, UBND xã cũng đã quyết định hỗ trợ cho cuộc sống của bà Sáu Hiền bớt một phần khó khăn với số tiền 300.000 đồng mỗi quý, bắt đầu từ quý 3 năm nay”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Giàu – Mai Phong (Người Đưa Tin)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN