Người phụ nữ 20 năm làm “nghề đẻ thuê"

Theo lời rủ rê của đám bạn chơi, Huyền về đầu quân cho một cửa hàng tẩm quất trá hình ở ngoại thành Hà Nội. Cô bắt đầu "đi" khách theo sự điều động của ông chủ, và chấp nhận làm "gái bao" cho những gã choai muốn chơi trội.

Con đường đưa đẩy  bước chân đến với "nghề"

Tôi gặp Huyền, người phụ nữ có thâm niên 20 năm trong nghề "đẻ mướn" và hiện đã giải nghệ, thật sự không thể ngờ được "bà mẹ" đã ngoài 40 tuổi này lại có thân hình trẻ trung tràn sức sống như thế.

Huyền kể về cuộc đời 20 năm làm "người mẹ trên danh nghĩa” của mình. Chị có cái tên đầy đủ khá mỹ miều Nguyễn Ngọc Trang Huyền, quê ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, ra Hà Nội lập nghiệp từ năm 17 tuổi, và bước chân đưa đẩy đến với "nghề" cũng đong đầy nước mắt, đau thương.

Được sự giới thiệu của một người quen, Huyền được nhận vào làm tạp vụ cho một khách sạn lớn trên quận Tây Hồ. Mặc dù là gái quê, nhưng Huyền lại có nhan sắc mặn mà, sắc sảo, khiến nhiều vị khách đến thuê phòng phải động lòng yêu mến. Chính môi trường làm việc phức tạp, lại được nhiều chàng trai thị thành ngỏ những lời có cánh, Huyền đã nhanh chóng thay đổi. Cô bắt đầu học theo lối sống hưởng thụ của những chân dài được đại gia "bao bọc".

Và để được thụ hưởng cuộc sống thượng lưu lâu dài, Huyền sẵn sàng chấp nhận làm "tình nhân" một đại gia đã có gia đình và hơn mình vài chục tuổi. Có tiền, Huyền chính thức rũ bỏ cuộc sống của một thôn nữ quê mùa, cô thường xuyên cùng người tình tham gia vào những cuộc thác loạn ở vũ trường, quán bar.

Chưa dừng lại ở đó, để tìm cảm giác mạnh và làm vui lòng "người tình", Huyền bắt đầu "học" cách đập đá, tham gia đóng sex cho những bộ phim rẻ tiền. Có lẽ chính Huyền cũng không thể ngờ, cuộc sống sa đọa mà cô lựa chọn đã giết chết dần tương lai, ước mơ, thậm chí là hạnh phúc của một đời con gái.

Sau những tháng ngày sống buông thả, Huyền đã phải trả giá. Khi biết Huyền có thai, gã "người tình" đại gia đã yêu cầu chấm dứt mối quan hệ giữa hai người. Mặc cho Huyền ra sức níu kéo, dọa dẫm, hắn vẫn cương quyết "vứt" bỏ cô không thương xót. Sau khi bị "người tình" phụ bạc, Huyền sống như một người điên, không chỉ tiếp tục dấn sâu vào những cuộc ăn chơi sa đọa, mà cô còn sa chân vào con đường lầm lỡ.

Theo lời rủ rê của đám bạn chơi, Huyền về đầu quân cho một cửa hàng tẩm quất trá hình ở ngoại thành Hà Nội. Cô bắt đầu "đi" khách theo sự điều động của ông chủ, và chấp nhận làm "gái bao" cho những gã choai muốn chơi trội.

Thế nhưng, công việc của Huyền cũng chỉ kéo dài thêm ba tháng, sau khi cái thai được 5 tháng tuổi, gã chủ "chứa", "đuổi’’ cô ra khỏi quán, hắn sợ cái "xui" của bà bầu sẽ "ám" vào con đường làm ăn đang lên như diều gặp gió của hắn. Mất việc, chốn nương thân cuối cùng không còn, Huyền không dám trở về quê, cũng không đủ dũng cảm gọi điện thoại về nhà. Cô sợ những lời đàm tiếu, sẽ không để cô có được cuộc sống bình yên.

Không thể tiếp tục trở lại con đường kiếm sống bằng "thân xác", Huyền chấp nhận xin vào phục vụ cho một quán ăn nhỏ. Thương cảm hoàn cảnh của cô gái trẻ, bà chủ nhà tốt bụng đã cho Huyền ở trọ miễn phí trong nhà của mình.

Mang nặng đẻ đau đủ ngày, đủ tháng thì Huyền sinh con, năm đó cô vừa tròn 20 tuổi. Không đủ điều kiện nuôi dạy đứa trẻ, Huyền quyết định cho đi đứa con dứt ruột đẻ ra, nhờ người "dắt mối" Huyền tìm được gia đình có điều kiện nhận nuôi đứa trẻ. Sau khi kí "cam kết" dứt bỏ mối quan hệ máu mủ với đứa trẻ, chị được gia đình này "hậu tạ" bằng một số tiền.

Cầm trên tay những xấp tiền hào phóng, Huyền bỗng nảy sinh ra ý nghĩ sẽ  làm cái "nghề", không nhọc công tốn sức, lại kiếm tiền dễ dàng này. Thế là cô gái trẻ quyết định "tận dụng" thân xác của mình để dấn thân vào nghề "đẻ thuê".

Chấp nhận làm công việc này, bản thân Huyền hiểu rõ, dưới con mắt xã hội, đây là một nghề trái với đạo đức lương tâm. Chẳng thế mà những phụ nữ hành "nghề" đẻ thuê như chị đã không còn quê để về, không còn nhà để nhớ và cũng chẳng còn người thân để nhận.

Hơn 20 năm với "nghề", Huyền không nhớ mình đã trải qua những phút giây sinh tử như thế nào. Chỉ biết rằng mang nặng đẻ đau hàng năm trời, nhưng những xấp tiền dày trao đổi đã phủ nhận quyền làm mẹ của người phụ nữ này.

Người phụ nữ 20 năm làm “nghề đẻ thuê" - 1

Huyền không quên mỗi khi nghĩ về những năm tháng hành nghề đẻ thuê của mình

20 năm thâm niên đẻ thuê

Theo những điều khoản được kí kết trong hợp đồng, Huyền chấp nhận để người ta cấy trứng đã được thụ tinh vào cơ thể. Sau đó để đảm bảo đứa trẻ được ra đời khỏe mạnh và thông minh, Huyền phải chấp nhận cuộc sống theo yêu cầu của “đối tác". Cô không được phép giữ mối quan hệ với bên ngoài, cắt đứt hoàn toàn liên lạc với người quen. Phần lớn khoảng thời gian mang thai, Huyền phải nghe nhạc, tập yoga để đảm bảo tinh thần mẹ thoải mái thì con mới khỏe mạnh. Huyền chỉ được ra ngoài trong những lần khám thai định kỳ.

Cũng theo lời của Huyền mỗi hợp đồng "đẻ thuê" đạt chất lượng, nghĩa là đứa trẻ được ra đời khỏe mạnh bình thường, cô sẽ được "đối tác" trả từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Huyền là một 'bà mẹ" hoạt động độc lập, ít qua các "bà mối" nên tiền công cô không phải trích phần trăm cho ai. Tuy vậy, cũng theo Huyền, số tiền công đó không phải là quá cao, bởi lẽ sau khi sinh xong, Huyền phải nghỉ ít nhất là hai đến ba năm. Đó là chưa kể đến những đợt sinh "con" xong, cô còn bị "hậu sản", phải thuốc thang chạy chữa và ăn uống kiêng khem rất khổ sở. Vì vậy, dù đã lao động trong nghề 20 năm, nhưng cuộc sống của Huyền cũng chẳng dư dật gì.

Đối tác kí kết "hợp đồng" với Huyền cũng rất phong phú, không chỉ có những cặp vợ chồng hiếm muộn, mà ngay cả những đôi vợ chồng trẻ có sức khỏe, khả năng "sinh đẻ", nhưng vì lí do "làm đẹp', "giữ dáng"… mà không muốn mang nặng đẻ đau đứa con của mình. Họ tìm đến những "bà mẹ" mang danh nghĩa như Huyền như một lựa chọn giải pháp. Bất kể là đối tượng nào, chỉ cần có tiền là có thể nắm trong tay một bản hợp đồng "đẻ thuê" có hiệu lực.

Mặc dù không được làm "mẹ" theo đúng nghĩa, thế nhưng trong tâm trí người "mẹ" bất đắc dĩ ấy, hình ảnh những đứa con, những kỉ niệm về tháng ngày mang thai, sinh đẻ đều không thể nào quên được.  Huyền còn nhớ như in bản hợp đồng "đẻ thuê" đầu tiên mà cô kí kết. Năm đó do chưa có kinh nghiệm và cũng không có đường dây "đẻ thuê" hoạt động chuyên nghiệp như bây giờ, nên Huyền đành phơi mặt vào các BV tìm "khách hàng".

Sau những ngày lân la, móc nối với nhiều "bà mối", Huyền đã tìm được một "đối tác" làm ăn. Sau khi tìm hiểu và đạt được thỏa thuận "hợp tác", Huyền được "nhà chủ" thuê cho một căn phòng sạch sẽ để dưỡng thai chờ ngày sinh nở. Theo như lời Huyền, đây là gia đình có điều kiện, nhưng do người vợ bị bệnh tim bẩm sinh không thể sinh nở được nên phải "thuê" người về để mang thai hộ.

Rồi đứa trẻ ra đời, không kịp để Huyền kịp nhìn mặt "con", gia đình nhà chủ vội quăng xấp tiền dày kèm theo điều khoản chấm dứt mối quan hệ ruột thịt. Dẫu biết rằng, đó là nỗi đau nhưng đã chấp nhận dấn thân với "nghề" thì bản thân cô hiểu rõ và phải đối mặt.

Hành nghề 20 năm, có được 5 đứa con mà chính bản thân mang nặng đẻ đau, thế nhưng chưa một lần, Huyền bị "mất" đi một giọt sữa cho con bú, đứa bé vừa kịp chào đời, gia đình "nhà chủ" đã vội đưa đi mất. Đã nhiều lần cô tỏ ý muốn được nuôi đứa trẻ "miễn phí" trong tháng ở cữ, thế nhưng gia đình "nhà chủ" không đồng ý, có lẽ họ sợ tình mẫu tử nổi lên, cô sẽ gây rắc rối cho đứa "con" của họ,

Theo Huyền, công việc của một bà mẹ "đẻ thuê" cũng vất vả không kém gì những công việc lao động khác ngoài xã hội. Đừng tưởng được gia đình "nhà chủ" tạo điều kiện cho việc ở an dưỡng thai là sung sướng. Thực chất đó là những ngày tháng chẳng khác gì một tù nhân bị giam lỏng. Không những sống tách biệt với thế giới bên ngoài, bản thân "người mẹ" còn phải từ bỏ những thói quen, sở thích của mình, để sống theo một "sơ đồ tuyến" mà nhà chủ đặt ra.

Trong con mắt những người có tiền, Huyền là một phụ nữ không có giáo dục, kém hiểu biết nên mặc dù là người mang thai con cái của họ, nhưng người ta cũng không muốn đứa trẻ bị "nhiễm" những tật xấu của một phụ nữ quê mùa.

Phần lớn những hợp đồng đẻ thuê nếu qua trung gian, đều bị ăn chia 50/50, "người lao động" phải tự bỏ tiền chi phí bồi bổ sau khi "sinh". Chấp nhận dấn thân vào "nghề" cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận đánh mất đi thiên chức làm mẹ thiêng liêng. Vì dù có mang nặng đẻ đau, nhưng những đứa trẻ mà họ sinh ra mãi mãi không phải là "con" của mình. Họ chấp nhận đánh đổi niềm hạnh phúc lớn lao của đời người bằng những xấp tiền giấy dày cộp. Có lẽ những "bà mẹ" như Huyền không hiểu được, chính mình đang đánh mất những đứa con -  "món quà" vô giá của cuộc sống.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hoàng (Pháp luật & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN