Người phát ngôn nói về thông tin tàu Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam

Sự kiện: Thời sự

Ngày 15-4, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin một nhóm tàu Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở Biển Đông.

"Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông" - Người phát ngôn nêu rõ.

Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc - Ảnh: Schottel

Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc - Ảnh: Schottel

Hãng Reuters hôm 14-4, dẫn dữ liệu theo dõi tàu thuyền Marine Traffic cho thấy, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc đã quay trở lại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Con tàu này được nhìn thấy cách bờ biển Việt Nam khoảng 158km, đi kèm nó là ít nhất một tàu hải cảnh làm nhiệm vụ bảo vệ.

Trước đó, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tông chìm một tàu cá Việt Nam, vi phạm chủ quyền và đe dọa mạng sống của ngư dân Việt Nam ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích việc tàu Trung Quốc làm chìm tàu cá Việt Nam nêu trên. Washington thúc giục Bắc Kinh nên tập trung vào các nỗ lực chống Covid-19 trên toàn cầu.

Philippines cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc và ủng hộ Việt Nam trong vụ tàu cá bị đánh chìm. Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh, điều quan trọng là phải tránh những sự cố tương tự, đồng thời giải quyết sự khác biệt bằng cách tăng cường đối thoại và tin tưởng lẫn nhau. Cơ quan này còn bày tỏ tình đoàn kết với Việt Nam, đề cập tới vụ tàu cá F/B Gem-Ver của Philippines bị lực lượng Trung Quốc đâm chìm hồi năm ngoái, sau đó thủy thủ đoàn được tàu Việt Nam giải cứu.

Đầu tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc đã điều nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Nam Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng sau đó nhiều lần nêu rõ, Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục các hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán Việt Nam trên vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

"Việt Nam đã nêu quan điểm về những ảnh hưởng tiêu cực do hoạt động vi phạm của nhóm tàu Hải Dương 8 đối với quan hệ giữa hai nước, hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông cũng như của khu vực. Vì những lý do đó, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động vi phạm nghiêm trọng này và rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam"- Người phát ngôn cho biết.

Vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam rộng đến đâu theo Công ước UNCLOS 1982?

Việt Nam luôn đi đầu và không ngừng nỗ lực trong việc thực hiện Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D.Ngọc ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN