Người phát ngôn lên tiếng về thông tin tàu hải cảnh Trung Quốc di chuyển về vùng biển Việt Nam

Sự kiện: Thời sự

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam sẽ xác minh thông tin tàu hải cảnh Trung Quốc đang di chuyển về vùng biển Việt Nam, đồng thời khẳng định rằng các lực lượng chức năng Việt Nam luôn giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 9-1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời một số câu hỏi của báo chí liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo chiều 9-1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo chiều 9-1

Phóng viên đề nghị xác minh thông tin sau khi động chạm với tàu Indonesia, tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 đang di chuyển về phía thềm lục địa phía nam của Việt Nam?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết phía Việt Nam sẽ xác minh thông tin. "Phải khẳng định rằng các lực lượng chức năng Việt Nam luôn giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam được xác định bởi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam đều phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam cũng như UNCLOS 1982" - bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.

Về diễn biến căng thẳng quanh khu vực quần đảo Natuna (Indonesia) do các tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc đi vào khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia và không chịu rời đi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: "Chúng tôi cho rằng mọi hoạt động trên biển cần tuân thủ quy định của UNCLOS, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng biển được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982, không làm phức tạp tình hình, có các biện pháp tích cực, phù hợp, tích cực thúc đẩy việc duy trì hoà bình, ổn định và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước khu vực".

Trước đó, không quân Indonesia ngày 7-1 triển khai 4 chiếc máy bay chiến đấu F-16 ra khu vực quần đảo Natuna gần Biển Đông, giữa lúc Jakarta tố Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Người phát ngôn không quân Indonesia Fajar Adriyanto khẳng định những chiếc máy bay này đang thực hiện các cuộc tuần tra để bảo vệ chủ quyền chứ không phải bắt đầu một cuộc chiến tranh với Trung Quốc.

Về thông tin tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc Sơn Đông sẽ hoạt động ở khu vực biển Đông, bà Hằng khẳng định: Tự do hàng hải ở biển Đông là quyền của các quốc gia được quy định trong UNCLOS 1982. Việc duy trì hoà bình, ổn định, thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán như quy định trong UNCLOS 1982 là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế. Mọi hoạt động của các bên cần đóng góp vào mục tiêu chung này.

Về phản ứng của Việt Nam trước việc Malaysia nộp lên Uỷ ban thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc Báo cáo xác định ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

"Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Việt Nam được hưởng đầy đủ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với UNCLOS. Đồng thời, Việt Nam cũng bảo lưu quyền chủ quyền đối với thềm lục địa mở rộng bên ngoài 200 hải lý khu vực giữa Biển Đông như đã nêu tại Công hàm gửi Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa năm 2009".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D.Ngọc ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN