“Người nhường áo phao” từng cứu 2 em nhỏ
Câu chuyện về tấm gương hy sinh dũng cảm của anh Trần Hữu Hiệp nhường áo phao cứu người trong vụ chìm tàu ở Cần Giờ đã lay động hàng triệu trái tim. Thế nhưng vẫn còn những câu chuyện xúc động về anh mà chúng tôi chưa kể.
Chẳng ngần ngại nước dữ
Hồi ấy Hiệp mới học cấp II trường làng. Một buổi chiều đi học về, Hiệp và chúng bạn đang nhảy chân sáo trên đê sông Bưởi thì nghe thấy tiếng kêu cứu. Không chần chừ, nhóm bạn chạy lại chỗ có tiếng kêu và Hiệp là người đầu tiên lao xuống cứu cả hai em nhỏ đang chới với giữa dòng nước dữ lên bờ. Anh Nguyễn Văn Nguyên - bạn thân của Hiệp, hiện là Bí thư Đoàn xã Thạch Long xúc động nhớ lại, hôm ấy là mùa lũ, nước sông to lắm, mấy đứa đứng trên bờ mà vẫn sợ, nhưng Hiệp chẳng ngần ngại lao thẳng xuống dòng nước. May mắn cứu được hai em nhỏ. Hiệp lại nhắc nhở chúng nó cẩn thận, không được tắm sông rất nguy hiểm. Mới đấy đã hơn chục năm, vậy mà…
Anh Nguyên ngậm ngùi, khi lớn lên, Hiệp đi làm ăn xa, còn tôi lập gia đình ở xã bên nên ít có dịp gặp nhau. Lần gần đây nhất là Tết năm 2011 khi Hiệp về thăm nhà, 2 đứa hàn huyên cả đêm. Đêm đấy Hiệp tâm sự sẽ cố gắng làm việc sau này có chút vốn sẽ về quê làm ăn, có gì còn giúp đỡ bà con chòm xóm. Một người tốt như nó (Hiệp) sao lại ra đi bất ngờ thế được.
Còn anh Trần Văn Điệp - anh trai thứ hai của Hiệp cũng nhớ chiều hôm ấy, mấy đứa bạn cũng kể Hiệp cứu hai em nhỏ khỏi đuối nước. Bố mẹ cũng vui vì em làm được việc nghĩa, nhưng cũng nhắc nhở em phải cẩn thận hơn vì dòng sông Bưởi mùa lũ rất hung dữ.
“Nó ít nói lắm, hiền lành như đất”
Ông Trần Hữu Trọng - bố đẻ của anh Hiệp gạt nước mắt khi nhắc đến đứa con trai út. Ông kể hồi Hiệp còn bé, hai vợ chồng ông phải chạy chợ kiếm miếng ăn. Hiệp là út nên phải nhờ bà ngoại trông. Chiều ấy do có công việc về muộn, lại gặp mưa giông nên phải khuya lắm mới về đến nhà. Bà ngoại bảo lúc trời sấm sét, Hiệp không sợ mà cứ đứng ở cửa gọi “bà ơi đi cứu bố mẹ cháu khỏi ông sấm sét đi”. “Nghe bà kể thế, tôi cứ ôm lấy nó mà khóc” - ông Trọng bùi ngùi - “Từ nhỏ nó đã thương bố mẹ, các anh và người thân lắm. Có việc gì nặng, nó giành phần làm”.
“Phần mình chả bao giờ tính hơn thiệt”
Gặp tôi, anh Trần Văn Điệp - anh trai thứ hai của Hiệp xúc động không nói lên lời. Anh bảo dịp Tết vừa rồi, Hiệp tranh thủ về thăm nhà được mấy ngày từ 28 đến mùng 4 lại vội vàng đi ngay. Trước khi đi em nó dặn, cuối năm nay sẽ gửi ít tiền về để tôi cưới vợ. Vậy mà…! Đấy cũng là lần cuối anh em chúng tôi gặp nhau. Hôm em nó về, trong túi cũng không có nhiều tiền nhưng khoe đã tiết kiệm được hơn 20 triệu định gửi về sửa nhà và để các anh mua chiếc xe máy làm ăn. Thế nhưng cận ngày về, một người bạn làm cùng có công việc gấp để giải quyết việc nhà nên em nó đã cho vay. Tính nó là thế, lúc nào cũng lo cho mọi người, phần mình thì chả bao giờ tính hơn thiệt.
Trần Hữu Hiệp (người đứng thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh chung với bạn học
Trong ngôi nhà tuềnh toàng ở thôn 4, xóm Thạch Long, Thạch Thành chẳng có gì đáng giá ngoài bộ bàn ghế cũ, cái tủ bạc màu sơn ngay cả chiếc ti vi cũng không có. Bên trái là bàn thờ anh Trần Hữu Hiệp. Di ảnh vẫn phảng phất nụ cười ngày nào. Ông Trọng tần ngần nhìn di ảnh đứa con trai mà ứa nước mắt. “Hôm biết tin nó mất, mọi người trong nhà cũng bán tín bán nghi lên mạng xem có tên nó không. Nhưng xem mãi không thấy tên con. Tôi cứ cầu trời khấn Phật là họ nhầm. Đấy có lẽ là sự bấu víu cuối cùng. Hôm có tin đích xác Hiệp tử vong trong vụ tai nạn, tôi suy sụp hoàn toàn. Khi biết con nhường áo phao cho người khác được sống, đau đớn lắm nhưng tôi cảm thấy tự hào về nó” - ông ngậm ngùi.
Mẹ Hiệp là bà Nguyễn Thị Thìn từ hôm biết tin con mất đau đớn vật vã trong gian buồng chật hẹp. Thi thoảng tỉnh dậy lại gào tên con, mọi người phải cắt cử nhau trông nom và động viên bà ăn chút cháo. Hôm tôi đến thăm, bà vẫn yếu lắm, bệnh huyết áp thấp tái phát, nay lại bị thêm cú sốc quá lớn này khiến bà suy sụp hoàn toàn. Anh Trần Hữu Đạt - con trai cả cho biết, gian buồng đấy chính là nơi Hiệp ngủ mỗi khi về nhà. Giờ mẹ nằm đấy chắc đang nhớ em lắm.
Nhìn gian buồng tuềnh toàng chỉ có chiếc giường đơn sơ, cái tủ gỗ đã mọt, nền đất ẩm thấp tôi không khỏi chạnh lòng. Tôi không dám hỏi thăm bà, sợ sẽ chạm vào nỗi đau quá lớn mà bà đang phải gánh chịu.
Nhà có 3 anh em trai, thì chỉ Hiệp được coi là có công ăn việc làm ổn định ở xa. Còn anh cả Trần Hữu Đạt đã lấy vợ và có 2 con, nhưng kinh tế đang rất khó khăn. Anh trai thứ hai là Trần Văn Điệp vừa xin vào làm công nhân của Xí nghiệp Cầu 17 thuộc Cienco 1 được hơn 1 tháng nay nên cũng chưa ổn định. Nhà nghèo, nhưng 3 anh em thương nhau lắm. Anh cả Đạt đã xin nghỉ học từ cấp 2 để nhường phần được đi học tiếp cho 2 em. “Khi Hiệp xin được việc làm ổn định ở Tiền Giang, anh em mừng lắm. Mỗi lần điện thoại về hay dịp Tết được về thăm nhà, anh em lại động viên nhau cố gắng sống tốt, chịu khó làm ăn để bớt khổ” - anh Đạt gạt nước mắt.
Hiện bố Hiệp là ông Trần Hữu Trọng cũng đang bị những cơn đau hành hạ do di chứng của thời tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia và những năm tháng lao động cực nhọc, vất vả. Chứng bệnh đau lưng, nhức đầu hay tái phát mỗi khi trái gió trở giời. Mấy hôm nay ông già đi nhiều, cái chết của con trai út tưởng như ông không thể gượng dậy được, nhưng với bản lĩnh của người lính, ông bảo sẽ cố gắng vượt qua nỗi đau để sống có ích, xứng đáng với con.
Hiệp đã đi mãi, nhưng những người thân sẽ mãi nhớ hình ảnh một thanh niên có nụ cười hiền lành, chịu thương chịu khó, sẵn sàng giúp đỡ người khác.