Người nghèo sẽ được miễn viện phí

Theo dự thảo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, tới đây, những đối tượng thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội sẽ được Quỹ BHYT chi trả 100% phí khám chữa bệnh.

Theo Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) hiện hành, nhóm người nghèo, người dân tộc thiểu số khi đi khám chữa bệnh BHYT phải cùng chi trả 5% viện phí, nhóm người cận nghèo là 20%... Tuy nhiên, theo dự thảo Luật BHYT đang sửa đổi, những quy định này sẽ được bãi bỏ.

Khốn đốn vì cùng chi trả

Tại Bệnh viện K (Hà Nội), bệnh nhân Lý Thị Thuận (58 tuổi, ở Thái Nguyên) cho biết, dù thuộc hộ nghèo nhưng chi phí mỗi đợt khám chữa bệnh của bà cũng ngốn cả triệu đồng. “Với người khá giả, cùng chi trả vài trăm ngàn đồng sẽ chẳng thấm vào đâu nhưng với dân lao động nghèo, tăng thêm một đồng là thêm một phần túng khó” - bà Thuận than.

Trong khi đó, dù đã được BHYT chi trả tới 95% chi phí khám chữa bệnh nhưng người thân bệnh nhân Phạm Văn Quyến (73 tuổi, ở Sơn La), phẫu thuật tim tại Viện Tim mạch Quốc gia, vẫn chạy đôn chạy đáo vì khoản tiền gần 3 triệu đồng cùng chi trả và một số thuốc không có trong danh mục được Quỹ BHYT thanh toán.

Theo con trai ông Quyến, mỗi lần đưa cha đi chữa bệnh là cả nhà anh “đau đầu vì tiền”. “Lên Hà Nội chữa bệnh cũng đồng nghĩa với các khoản phí ăn ở, đi lại. Trong khi đó, để nhận được khoản hỗ trợ từ quỹ người nghèo ở địa phương thì chẳng biết đến bao giờ. Bác sĩ chỉ định bố tôi phải mổ tim từ năm ngoái nhưng gia đình chần chừ vì không có tiền. Mãi gần đây, bệnh của ông tái phát nặng hơn, buộc gia đình phải vay mượn để ông mổ” - anh cho biết.

Người nghèo sẽ được miễn viện phí - 1

Quyền lợi của bệnh nhân nghèo sẽ được mở rộng khi Luật BHYT sửa đổi đi vào đời sống. Trong ảnh: Bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai

Hộ cận nghèo cũng được lợi

Theo ông Vũ Xuân Bằng - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam - quy định mức cùng chi trả đối với một số nhóm đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số, người cận nghèo... đã làm hạn chế việc tiếp cận dịch vụ y tế của các đối tượng này, nhất là những người mắc bệnh nặng, bệnh mạn tính.

Vì thế, theo dự thảo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, tới đây, những đối tượng thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội sẽ được Quỹ BHYT chi trả 100% phí khám chữa bệnh. Đối tượng thuộc hộ cận nghèo cũng được thanh toán 95% thay vì 80% như hiện nay. Ngoài ra, nếu người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở sẽ được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh.

Giữ nguyên hỗ trợ ở địa phương

Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam - cho biết hiện có 14 triệu người thuộc diện hộ nghèo được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT. Năm 2013, tổng số tiền mà người nghèo phải cùng chi trả chiếm khoảng 100 tỉ đồng. Tuy vậy, việc bãi bỏ cùng chi trả với người nghèo và người cận nghèo chỉ còn phải đóng 5% chi phí khám chữa bệnh sẽ không ảnh hưởng đến việc cân đối Quỹ BHYT.

Ông Nguyễn Nam Liên - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế - cho biết kể cả khi người nghèo được Quỹ BHYT thanh toán 100% phí khám chữa bệnh thì Quỹ 139 tại các địa phương vẫn sẽ hỗ trợ các khoản chi về ăn ở, vận chuyển và một số thuốc, dịch vụ ngoài danh mục được Quỹ BHYT thanh toán. Ngoài ra, nguồn quỹ này cũng sẽ hỗ trợ chi trả cho những đối tượng thuộc hộ cận nghèo không đủ khả năng trả viện phí.

Viện phí tăng khiến người cận nghèo thêm nặng gánh. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng quy định tăng mức thanh toán lên 95% sẽ bảo đảm công bằng trong khám chữa bệnh, đồng thời khuyến khích người dân tham gia BHYT.

“Hiện nay, khoảng cách của người nghèo và cận nghèo rất hẹp nhưng đối tượng cận nghèo vẫn phải chi 30% để mua thẻ BHYT, nếu đi khám chữa bệnh lại tiếp tục phải cùng chi trả 20% viện phí như người bình thường là chưa công bằng. Do đó, việc rút ngắn khoảng cách cùng chi trả sẽ giúp đối tượng này bớt đi gánh nặng viện phí và tránh rơi vào “bẫy nghèo” sau một trận ốm nặng” - một chuyên gia y tế nhận định.

Siết lạm dụng quỹ bằng hậu kiểm

Để tránh tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị Chính phủ cho phép mở rộng phương thức giám định bằng cách hậu kiểm chi phí khám chữa bệnh tại 50% cơ sở y tế trên toàn quốc. Sau khi giám định khoảng 10% hồ sơ này, nếu phát hiện có sai sót bao nhiêu, cơ quan bảo hiểm sẽ quy ra số tiền sai sót của 90% hồ sơ còn lại để xuất toán.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN