Người Nga đang trả giá cho "cuộc phiêu lưu" của Putin?
Cuộc khủng hoảng tại Ukraine không còn là điều xa lạ với đất nước Nga khi mà chỉ vài tuần trước, hậu quả của nó bắt đầu tác động trực tiếp tới người dân xứ sở bạch dương.
Người Nga đã phải tự đặt câu hỏi, hay đúng hơn là họ buộc phải tự hỏi mình, liệu họ có đang hy sinh vì lợi ích chính sách của họ tại Ukraine.
Tất nhiên cho tới nay, họ không có nhiều sự lựa chọn cho vấn đề này. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã áp dụng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của phương Tây vào ngày 6/8 vừa qua, nhằm phản ứng lại với các đòn trừng phạt của phương Tây vào Nga vì những gì đã làm ở Ukraine.
Lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm chỉ đơn giản được áp đặt bởi một sắc lệnh của Kremlin “nhằm bảo vệ an ninh nước Nga” và kết quả có thể dự đoán được là giá cả thực phẩm tại các siêu thị ở Moscow và các thành phố khác tăng đột biến.
Đây không phải là biện pháp đầu tiên để thử độ kiên nhẫn của công chúng về vấn đề Ukraine. Cần rót tiền để phát triển Crimea, chính phủ Nga đã phải sử dụng tới quỹ hưu trí quốc gia, điều này có nghĩa những gì mà người dân đóng góp trong năm nay và năm sau sẽ được đổ về Crimea.
Bộ trưởng Tài chính Nga cho biết: “Không ai có ý định mang số tiền này trở lại vì nó đã được gửi tới Crimea.” (Trước đó, Thứ trưởng Tài chính Nga đã nhanh chóng bị sa thải sau khi ông thú nhận trên trang cá nhân Facebook vào ngày 5/8 rằng ông cảm thấy xấu hổ cho việc sung công này).
Người dân Nga đang phải trả giá cho cuộc phiêu lưu của ông Putin ở Ukraine
Vào đầu tháng 8 này, khoảng 27.000 hành khách của Nga đã bị mắc kẹt tại các sân bay, sau khi một công ty du lịch của Nga phải hứng chịu lệnh trừng phạt của phương Tây. Người phát ngôn Cơ quan Du lịch Liên bang Nga nói: “Chúng tôi lo lắng rằng điều này chỉ là sự khởi đầu và sẽ có một hiệu ứng domino.”
Thực sự khả năng ấy là có thể. Khi các lệnh trừng phạt leo thang, nó sẽ tiếp tục bào mòn tăng trưởng kinh tế của Nga – và, người dân Nga sẽ buộc phải đặt câu hỏi liệu họ đang phải trả tiền cho cuộc phiêu lưu của ông Putin ở nước ngoài?
Trong một cuộc khảo sát của Trung tâm thăm dò dư luận Levada kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu vào tháng 3, tỷ lệ ủng hộ ông Putin đã tăng hơn 20% lên 87% vào cuối tháng trước. Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó.
Chỉ ngay sau khi người Nga vừa chúc mừng cho sự thành công của ông Putin tại Ukraine, họ đã nhanh chóng đổ lỗi cho ông vì tất cả những hậu quả của hành động này. 2/3 dân số đã đặt tất cả trách nhiệm về cuộc khủng hoảng lên vai Tổng thống Putin. Chỉ có khoảng 12% cho biết họ sẽ hy sinh lợi ích cá nhân vì những chính sách của Nga tại Ukraine.
Trong năm nay, Nga sẽ phải đối mặt với thực tế là lạm phát của họ đã tăng lên 9%. Trong khi đó Bộ Tài chính đã phải đề xuất một loại thuế bán hàng 3% để bù đắp cho những lỗ hổng trong ngân sách liên bang mà phần lớn đó là hậu quả của cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Còn đối với những người dân Nga, đặc biệt là những người bị bệnh tiểu đường, những vận động viên chuyên nghiệp, những người phải có một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, họ đang phải vật lộn để tìm những thực phẩm thay thế cho những thực phẩm phương Tây mà họ vốn dùng.
Nga cấm nhập khẩu thực phẩm từ Mỹ và EU
Ông Arkady Dvorkovich, trưởng cố vấn kinh tế của chính phủ, người đang cố gắng trấn an dân chúng trong phát biểu vào ngày 13/8 khẳng định: “Không ai muốn giá cả tăng lên cả. Không ai muốn tích trữ. Không ai muốn thâm hụt ngân sách.”
Và đó là những điều mà người dân Nga đang mong đợi khi họ bị đặt vào một tình thế đã rồi.
Trong bài phát biểu tại Crimea vào ngày 14/8, Tổng thống Putin khẳng định lệnh cấm thực phẩm của châu Âu chỉ là phương tiện “hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước.”
Đây trở thành đề tài được ưa thích của các hãng tin vào ngày hôm sau. Họ cho rằng người Nga đang có một chế độ ăn uống đầy tính yêu nước, họ tuyên bố đây là “cơ hội có một không hai” của ngành công nghiệp thực phẩm trong nước nhằm thay thế việc nhập khẩu của phương Tây. Tuy nhiên điều này chưa hẳn đã tốt.
Trong chương trình phát thanh của điện Kremlin vào ngày 10/8, Vladimir Solovyov, một trong những nhân vật truyền hình nổi tiếng tại Nga và là một trong những sứ giả được ưa thích của điện Kremlin đã gọi lệnh cấm thực phẩm nhập khẩu của ông Putin “là một thảm họa”.
Ông này nói: “Tôi muốn có sự lựa chọn của riêng tôi, chứ không phải sự lựa chọn của chính phủ cho tôi. Tôi muốn mình ăn và uống thứ mình thích, và nếu nói rằng tôi không có quyền làm điều này, thì tôi muốn được thuyết phục rằng chấp nhận điều không hề thoải mái này với một lí do chính đáng.”
Tuy nhiên liệu cuộc xung đột ở Ukraine đã phải là một lý do chính đáng để từ bỏ “chiếc kính vạn hoa” của phương Tây tại các siêu thị ở Nga? Đây không phải là một câu hỏi dễ dàng gì, và nó sẽ không thể thay đổi hành trình của ông Putin.
Ông Lev Gudkov, một trong những chuyên gia xã hội học hàng đầu của Nga, Giám đốc trung tâm thăm dò ý kiến Levada khẳng định: “Không ai ủng hộ chính sách kiểu cô lập như thời kỳ trước đây. Nó rất khó khăn cho người dân, cảm giác như đang hướng tới một ngõ cụt. Nhưng không ai hỏi ý kiến công chúng rằng liệu họ có muốn hay không. Họ chỉ đơn giản là phải trả giá cho những quyết định của người lãnh đạo. Và sau đó, không ai cho họ nhiều sự lựa chọn”.