Người mắc sốt xuất huyết ồ ạt nhập viện, hội trường thành phòng bệnh

Ngày 7/8, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương dùng tất cả những chỗ trống (hành lang, phòng bác sĩ, hội trường) để điều trị do bệnh nhân sốt xuất huyết.

Người mắc sốt xuất huyết ồ ạt nhập viện, hội trường thành phòng bệnh - 1

Bệnh nhân bị sốt xuất huyết quá tải, bệnh viện phải dùng hội trường làm phòng bệnh

Mỗi ngày tiếp nhận từ 900 - 1.000 bệnh nhân

Trước tình hình bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng 4-5 lần so với bình thường, ngày 7/8, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương dùng tất cả những chỗ trống (hành lang, phòng bác sĩ, hội trường) để điều trị do bệnh nhân sốt xuất huyết.

Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, sở dĩ bệnh viện phải thành lập thêm khu điều trị này là do nhu cầu bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết quá cao.

Mỗi ngày, bệnh viện đều tiếp nhận từ 900 - 1.000 bệnh nhân có biểu hiện SXH tới khám trong khi đó bình thường chỉ khoảng 200 trường hợp.

Do áp lực quá tải, bệnh viện chỉ có thể tiếp nhận vài chục bệnh nhân trong số đó vào điều trị nội trú, còn lại bệnh nhân được chuyển tuyến hoặc căn cứ vào tình trạng bệnh để tư vấn cho bệnh nhân theo dõi tại nhà.

Nhiều bệnh nhân khi không được vào viện đều trị, họ về nhà và tự ý truyền dịch, sau đó dẫn đến các biến chứng nặng nề, điển hình là sốc sốt xuất huyết. Khi bị sốc, họ lại đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.

Vì thế Ban phòng chống dịch bệnh của bệnh viện đã quyết định dọn toàn bộ hội trường lớn của bệnh viện để thành lập khu điều trị cho các bệnh nhân.

TS.BS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dịch sốt xuất huyết hiện đang rất căng thẳng. Trung bình từ ngày 20/7 đến nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân vào điều trị nội trú. Các phòng bệnh cũng trong tình trạng quá tải, số bệnh nhân nội trú tăng lên tới 2-3 người/giường.

Người mắc sốt xuất huyết ồ ạt nhập viện, hội trường thành phòng bệnh - 2

Bệnh nhân sốt xuất huyết nằm chen chúc tại BV Bạch Mai

BS Đỗ Duy Cường cho biết, về cơ bản, nhân lực của Khoa cũng cố gắng phân công, bố trí sắp xếp một cách khoa học để vẫn đảm bảo công tác chuyên môn thường quy, tái khám và điều trị các mặt bệnh khác vừa làm tốt công tác khám điều trị SXH ngoại trú vừa nội trú.

PGS.TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc bệnh viện dự kiến sẽ bố trí một số buồng bệnh để luân chuyển bệnh nhân từ khoa Truyền nhiễm về điều trị; các chuyên khoa chủ động giảm tải cho Khoa Truyền nhiễm tập trung tiếp nhận, cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân SXH Dengue; không để tình trạng bệnh nhân đến không có giường cấp cứu…

Người mắc sốt xuất huyết ồ ạt nhập viện, hội trường thành phòng bệnh - 3

Người mắc sốt xuất huyết ồ ạt nhập viện, hội trường thành phòng bệnh - 4

Các bác sĩ phải căng mình khám và điều trị vì bệnh nhân sốt xuất huyết quá tải.

Sốt xuất huyết thường diễn biến qua 3 giai đoạn

ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, sốt xuất huyết thường diễn biến qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn sốt cao, thường trong 3 ngày đầu. Bệnh nhân sốt cao liên tục, đau đầu, nhức vùng hốc mắt, đau mỏi các cơ khớp, đau tức thắt lưng.

Giai đoạn diễn biến nặng, thường từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh. Bệnh nhân lui sốt dần nhưng lại có thể xuất hiện các biến chứng nặng: Biến chứng tăng tính thấm thành mạch, gây thoát dịch khỏi mạch máu, làm máu trong lòng mạch cô đặc lại. Nếu không được bù dịch kịp thời sẽ làm thiếu thể tích trong lòng mạch, gây tụt huyết áp và sốc. Những trường hợp sốc nếu không được xử trí kịp thời có thể tử vong trong vòng một vài giờ.

Biến chứng hạ tiểu cầu trong máu. Nếu nặng có thể gây các chảy máu bất thường như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, hoặc các xuất huyết nội tạng nguy hiểm như: Chảy máu tiêu hóa, xuất huyết não, xuất huyết trong ổ bụng hay băng kinh và có thể dẫn đến tử vong nếu không được truyền tiểu cầu, cầm máu kịp thời.

Ngoài hai biến chứng thường gặp trên, người bệnh có thể có các biến chứng hiếm gặp hơn như: Viêm não, viêm cơ tim, hạ bạch cầu máu và giảm miễn dịch gây bội nhiễm vi khuẩn…

Giai đoạn hồi phục: Thường sau giai đoạn thoát dịch 24-48h: Bệnh nhân hết sốt, phần dịch thoát ra khỏi lòng mạch lại tái hấp thu lại làm gia tăng lượng dịch trong lòng mạch. Giai đoạn này cần hạn chế truyền dịch để tránh nguy cơ quá tải dịch.

Người bệnh cũng cần lưu ý, khi xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo sau phải đến cơ sở y tế ngay:

- Sau 3-4 ngày vẫn sốt cao liên tục

- Mệt lả

- Nôn, buồn nôn nhiều

- Vật vã hoặc li bì

- Đau bụng nhiều, đau tức vùng gan

- Tiểu ít

- Có các chảy máu bất thường: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, kinh nguyệt bất thường, nôn ra máu hay đi ngoài phân đen...

Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 71.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 19 người tử vong. Số bệnh nhân vẫn tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Nam (chiếm 59%). Tại khu vực phía Bắc, lượng bệnh nhân tăng cao tại TP Hà Nội, gần 74% khu vực.

Bác sĩ mách cách cực hay phân biệt sốt/sốt virus/sốt xuất huyết

Nhiều người không biết phân biệt thế nào là sốt/sốt virus/sốt xuất huyết nên tự ý điều trị, để lại biến chứng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Dịch sốt xuất huyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN