Người mắc "quái bệnh" có muốn cắt chân tay người khác?

Sự kiện: Tin nóng

Đó là câu hỏi nhiều người đặt ra sau sự việc nhân viên y tế ở BV Đa khoa Cái Răng tự cắt lìa chân của mình.

Người mắc "quái bệnh" có muốn cắt chân tay người khác? - 1

Bệnh viện nơi nhân viên y tế tự cắt cụt chân đang điều trị 

Sau vụ việc P.D.K (27 tuổi, kỹ thuật viên Đông y, công tác tại Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng) mắc bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (BIID) đã tự cắt lìa chân mình, BS CKII. Lâm Hiếu Minh, chuyên khoa Tâm thần - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã giải đáp thắc mắc xung quanh căn bệnh kỳ quái này?

Mới đây nhân viên y tế tự cắt chân của mình? Xin bác sĩ cho biết quan điểm của mình về trường hợp này?

Có nhiều nguyên nhân thúc đẩy một người tự cắt cụt chi hoặc một bộ phận trên cơ thể mình, trong đó có các nguyên nhân của bệnh lý tâm thần.

Nguyên nhân bệnh lý tâm thần thường gặp nhất là do bệnh tâm thần phân liệt, các rối loạn loạn thần. Trong lúc có hoang tưởng và ảo giác, người bệnh có thể có suy nghĩ và hành vi cắt cụt chi (có trường hợp tự cắt bộ phận sinh dục, hoặc các cơ quan giác quan) vì nghĩ nó không thuộc về mình hoặc do ảo thanh sai khiến.

Ngoài ra, có thể do các bệnh lý tâm thần khác trong đó có rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể.

Bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (BIID) là gì? Trên thế giới đã từng có những trường hợp như thế nào?

Rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể BIID (Body integrity identity disorder) với thuật ngữ y học là Xenomelia. Tuy nhiên, đây là bệnh lý còn nhiều tranh cãi trong giới y học, trong sách phân loại bệnh tật quốc tế ICD 10 của tổ chức y tế thế giới không ghi nhận rối loạn này như là một bệnh lý riêng biệt.

Trong bệnh lý này, một người có suy nghĩ cưỡng bức là một hay nhiều chi trên cơ thể không thuộc về mình, đau khổ thường trực với ý nghĩ đó và tìm cách để tự cắt bỏ chi. Đây là bệnh tâm thần hiếm gặp, trên thế giới cũng đã ghi nhận vài trường hợp, người bệnh có thể tự làm tổn thương để bác sĩ cắt cụt chi cho mình.

Vì sao người bệnh có thể tự cắt tay chân của mình một cách dễ dàng như vậy, người bệnh có cảm thấy đau đớn khi thực hiện điều này, thưa bác sĩ?

Thường người bệnh sẽ tự làm tổn thương, hủy hoại chi của mình sau đó đến cơ sở y tế nhờ bác sĩ can thiệp, người bệnh vẫn đau đớn khi tự gây tổn thương

Việc này có tiếp tục lặp lại với người bệnh đó nữa ko? Có thông tin cho rằng những người bệnh này cũng có ám ảnh muốn cắt chi của người bên cạnh, điều này có đúng hay không?

Bệnh lý quái dị này có thể tiếp tục lặp lại với người bệnh này, họ có thể gây tổn thương tiếp theo. Họ không có ám ảnh muốn cắt chi của người khác. Họ chỉ có khao khát được cắt một phần cơ thể của chính họ.

Dấu hiệu nào để nhận biết sớm loại bệnh quái dị này, thưa bác sĩ? Bác sĩ có lời khuyên gì đối với cộng đồng?

Những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện từ tuổi dậy thì và tồn tại dai dẳng. Dù có tinh thần bình thường nhưng những người mắc hội chứng kì quái này luôn khao khát “được” tàn phế. Họ luôn có cảm giác một phần cơ thể của họ, như tay hay chân là thừa.

Người bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể luôn cảm thấy lạ lẫm và ghê tởm với chính một phần cơ thể của mình và muốn cắt đi.

Nếu người bệnh có triệu chứng bất thường thì khám và tư vấn tại phòng khám có bác sĩ chuyên khoa tâm thần để phát hiện và điều trị bệnh sớm nhất.

Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), với trường hợp nhân viên y tế ở BV Đa khoa Cái Răng, rõ ràng đã biết bệnh, luôn cảm thấy khó chịu, bí bách với bộ phận thừa của cơ thể và chịu đựng nó bao nhiêu năm. Nay đến cao trào không chịu đựng được nên mới làm vậy…

TS. Quang cũng khuyến cáo, bệnh lý này cho đến nay không có phương pháp điều trị triệt để nhưng nếu người bệnh biết bệnh, hợp tác trị liệu, điều chỉnh được nhận thức, hành vi thì có thể tránh được hiểm họa xấu cho mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu (thực hiện) ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN