Người lao động sẽ làm thêm 600 giờ/năm?
Nhiều ý kiến doanh nghiệp đề nghị cần tăng thời gian làm thêm tối đa để đáp ứng nhu cầu của chính doanh nghiệp và một bộ phận không nhỏ người lao động có nguyện vọng tăng thu nhập.
Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động 2012.
Trong đó, đáng chú ý lần sửa đổi này Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng giờ làm thêm đối với người lao động. Điều 106 của Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 30 giờ/tháng và một năm không quá 200 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ.
Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến doanh nghiệp đề nghị cần tăng thời giờ làm thêm tối đa để đáp ứng nhu cầu của chính doanh nghiệp và một bộ phận không nhỏ người lao động có nguyện vọng làm thêm để tăng thu nhập.
Bên cạnh đó tăng số giờ làm thêm sẽ tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực.
Việc tăng thời gian làm thêm giờ gây ra nhiều tranh cãi thời gian qua.
Hiện nay trong mối tương quan so sánh với các quốc gia khu vực thì số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp (Trung Quốc 36 giờ/tháng; Indonesia 56 giờ/tháng; Singapore 72 giờ/tháng; Thailand 36 giờ/tuần; Malaysia 104 giờ/tháng; Lào 45 giờ/tháng; Campuchia và Philippines không khống chế).
Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án tăng giờ làm thêm. Cụ thể, phương án 1, số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong một ngày và không quá năm ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ. Tuy nhiên, tổng số giờ làm thêm của người lao động không được vượt quá 600 giờ trong một năm.
Phương án 2, số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong một ngày và không quá năm ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ.
Được biết tháng 3-2017, Chính phủ sẽ trình Bộ luật Lao động cho cơ quan thẩm tra Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến tháng 4-2017 sẽ trình Quốc hội dự án luật này.