Người lao động ở Bình Dương không tiêm vắc xin sẽ không được vào nhà máy làm việc

Sự kiện: Vắc-xin COVID-19

Thống kê cho thấy, tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 2 và mũi 3 trong công nhân lao động ở Bình Dương ở mức thấp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó yếu tố đóng vai trò quan trọng là chủ doanh nghiệp. Để thực hiện có hiệu quả chiến dịch tiêm chủng, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bình Dương sẽ có những chế tài, trong đó nếu doanh nghiệp không có trách nhiệm sẽ phải tự bỏ tiền mua vắc xin.

Ngày 21/4, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát tốt, số ca mắc COVID-19 giảm sâu trong 2 tuần qua. Hiện nay, Bình Dương có 91/91 xã, phường, thị trấn trở về trạng thái bình thường mới.

Tính đến nay, Bình Dương đã tiêm khoảng 6,5 triệu liều vắc xin cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên và đang lập danh sách để thực hiện tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

Thống kê cho thấy, số người tiêm vắc xin mũi 2, mũi 3 trong công nhân lao động ở Bình Dương ở mức thấp, đây lại là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao. Ngay từ đầu đợt dịch lần thứ 4, khi có nguồn vắc xin phân bổ, để đảm bảo thành công “mục tiêu kép”, Bình Dương đã chú trọng ưu tiên tiêm cho đối tượng là công nhân lao động.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Công thương và các địa phương liên quan là những đơn vị được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bình Dương giao phối hợp triển khai tổ chức tiêm vắc xin cho người lao động trong doanh nghiệp.

Người lao động ở Bình Dương tiêm vắc xin phòng COVID-19

Người lao động ở Bình Dương tiêm vắc xin phòng COVID-19

Tuy vậy, đến nay số người lao động tiêm vắc xin mũi 2 và mũi 3 ở Bình Dương còn thấp. Ngành chức năng tỉnh Bình Dương, cho biết tỉ lệ tiêm vắc xin trong công nhân lao động còn thấp có nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố khách quan và chủ quan của doanh nghiệp, công nhân lao động. Cụ thể, chủ doanh nghiệp chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất để người lao động tiêm vắc xin, trong khi một bộ phận người lao động tỏ ra lơ là, không chủ động đi tiêm mặc dù tại nơi ở có tổ chức điểm tiêm cả ngày và đêm.

“Về phía Liên đoàn, chúng tôi liên tục có chỉ đạo công đoàn cơ sở chủ động tuyên truyền vận động chủ doanh nghiệp có phương án tổ chức cho người lao động được tiêm và vận động công nhân lao động tiêm mũi 3. Trong trường hợp các doanh nghiệp chưa kịp tổ chức tiêm thì người lao động có thể tranh thủ ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, kể cả buổi tối ở các điểm tiêm ở phường, xã để tiêm”, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan cho hay.

Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo công đoàn tuyên truyền vận động thêm đối tượng là con em công nhân lao động thực hiện tiêm vắc xin đầy đủ ở trường học và nơi cư trú.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đã giao ngành y tế chủ trì phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch tiêm vét các mũi vắc xin trong công nhân lao động. Đây là kế hoạch tiêm vét cuối cùng.

Trong trường hợp ngành chức năng nỗ lực tạo điều kiện hết sức nhưng người lao động không tiêm sẽ có những chế tài. Theo đó, đối với người lao động chưa tiêm sẽ không cho vào nhà máy làm việc.

“Hiện nay, chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19 đang miễn phí, nếu người lao động, người dân nào không tận dụng, tới đây sẽ phải bỏ tiền để được tiêm. Dự kiến tới đây doanh nghiệp phải tự trả chi phí mua vắc xin để tiêm cho công nhân nếu không có tinh thần trách nhiệm chung. Trong khi tất cả đang vì mình mà bản thân lại đứng ngoài cuộc thì không thể chấp nhận được”, một đại diện UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Hơn 1,38 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 được phân bổ để tiêm cho trẻ

Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương vừa có quyết định phân bổ vắc-xin phòng COVID-19 đợt 143 gồm 1.382.400 liều vắc-xin Moderna (tính theo liều 0,25ml).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hương Chi ([Tên nguồn])
Vắc-xin COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN