Người lao động: "Chúng tôi không cần tăng lương"
“Tăng lương lên 3,1 triệu đồng với thời buổi kinh tế thị trường hiện nay cũng không đủ. Thấy lương công nhân được tăng, tất cả những thứ phục vụ cho công nhân cũng tăng lên”, độc giả Ngô Duy Phương cho biết.
Ngày 6/8 vừa qua, Hội đồng tiền lương quốc gia đã thống nhất phương án tăng lương tối thiểu khối doanh nghiệp lên 15,1% so với năm 2014 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo đó, lương tối thiểu tại vùng 1 sẽ tăng 400.000 đồng so với năm 2014 lên 3,1 triệu đồng/tháng, các vùng khác, mức lương tăng từ 300.000 - 350.000 đồng.
“Chúng tôi không cần tăng lương”
Đây là ý kiến của không ít người lao động khi được hỏi về vấn đề tăng lương.
“Tăng lương lên 3,1 triệu đồng với thời buổi kinh tế thị trường hiện nay cũng không đủ. Thấy lương công nhân được tăng, tất cả những thứ phục vụ cho công nhân cũng tăng lên”, độc giả Ngô Duy Phương, (...phuong.kttc@gmail.com) cho biết.
Độc giả này dẫn chứng, năm ngoái doanh nghiệp tăng cho anh được 50.000 đồng thì tất cả các thứ phục vụ cũng đều tăng cao như: tiền nhà trọ tăng 50.000 đồng, tiền thức ăn cũng tăng mỗi mặt hàng tối thiểu là 2.000 đồng, tiền rác thải, tiền điện, tiền nước gấp 3 lần so với nhà chủ nộp..... đó còn chưa kể nhưng thứ khác tăng kéo theo cuộc sống của công nhân khốn khổ hơn nữa.
Đồng quan điểm, độc giả Trần Lương Nam (...namht85@gmail.com) cho biết, nghe tăng lương nhưng thật sự có được mấy người công nhân mừng đâu, tăng lương là tăng giá cả đủ thứ chứ không phải là tăng thu nhập, thậm chí thu nhập có khi còn bị giảm vì người sử dụng lao động lại chuyển những phụ cấp không đóng thuế sang tiền lương căn bản.
“Chúng tôi không cần tăng lương nếu nhà nước có các biện pháp hữu hiệu ngăn cản được giá cả thị trường bùng phát. Đã từ lâu rồi, bao giờ việc tăng lương cũng dẫn đến tăng giá hầu hết các mặt hàng, chênh lệch cao hơn so với lương tăng, càng làm cho đời sống chúng tôi khó khăn hơn”, độc giả Thanh (...thanh@gmail.com) cho biết.
Độc giả Thanh cho rằng, điều chỉnh tăng lương như một sự điều chỉnh theo giá cả thị trường mà cấp quản lý đã nhìn thấy trước. Nếu tăng lương mà giá cả vẫn ổn định thì đó là niềm mong ước của những người sống bằng lương. Nhưng với tình trạng giá cả leo thang, thì lo hơn là mừng.
Nhiều độc giả cho rằng, tăng lương lên 3,1 triệu đồng với thời buổi kinh tế thị trường hiện nay cũng không đủ. (Ảnh minh họa: Tiền Phong)
Tăng lương tối thiểu chỉ là tăng chi phí bảo hiểm
Về phía doanh nghiệp, nhiều độc giả cho rằng, việc tăng lương không khiến cho công nhân bớt khổ mà chỉ làm cho doanh nghiệp và công nhân chịu thêm chi phí.
Anh Lương Viết Hải (...hai@gmail.com), chủ một doanh nghiệp chia sẻ, lương của người lao động hoạt động trong các lĩnh vực hiện nay đa số doanh nghiệp trả đều cao hơn mức lương tối thiểu vùng quy định.
Theo anh Hải, việc tăng lương chủ yếu là áp dụng cho giới công chức, đa số doanh nghiệp xây dựng quỹ lương đều dựa vào sản lượng, năng suất lao động hoặc trên đầu sản phẩm.
Đối với doanh nghiệp như anh Hải, việc tăng lương tối thiểu chỉ là tăng chi phí bảo hiểm. Để đưa con thuyền doanh nghiệp vượt qua “cơn bão” khó khăn đi vào quỹ đạo phát triển đã quá sức của nhiều chủ doanh nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nho (...1311011@gmail.com) bày tỏ mối lo ngại, nhà nước tăng lương tối thiểu để tăng mức đóng bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, vẫn giữ mức lương cơ bản là: 1.150.000đ để nhân với hệ số lương bằng cấp. Rồi cứ một năm lại tăng mức đóng bảo hiểm thêm 2%, trong khi các doanh nghiệp vẫn giữ mức lương không đổi theo hệ số bằng cấp và chấp nhận đóng bảo hiểm thêm cho người lao động ở mức thấp nhất. Vậy thử hỏi người lao động không được tăng lương, mà lại trừ bảo hiểm cao hơn vào thu nhập. Như vậy, người lao động sẽ mãi mãi nghèo khổ.
Ông Phillip Hazelton, chuyên gia về Quan hệ lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam cho biết, một trong những kết quả sau các phiên thảo luận của Hội đồng Tiền lương Quốc gia là cả ba bên, bao gồm cả đại diện người sử dụng lao động, đều đồng ý rằng tiền lương phải đảm bảo cho người lao động Việt Nam có mức sống cơ bản, kể cả người lao động hưởng lương thấp nhất. Tuy nhiên, theo ông Phillip Hazelton, điều kiện kinh tế ở Việt Nam hiện nay không cho phép tăng lương tối thiểu đáp ứng 100% nhu cầu sống tối thiểu ngay lập tức. Vì vậy, ông Phillip Hazelton cho rằng, Hội đồng Tiền lương đã đưa ra một lộ trình tăng lương tối thiểu để người sử dụng lao động có thời gian điều chỉnh và người lao động cũng hiểu rằng trong tương lai gần, tiền lương tối thiểu sẽ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Theo ông Phillip Hazelton, Hội đồng Tiền lương Quốc gia thật sự đã phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn. Họ không chỉ phải cân nhắc nhu cầu của người lao động và gia đình, mà còn phải tính đến yếu tố kinh tế của tiền lương tối thiểu, bao gồm cả tác động đến năng suất lao động, sức cạnh tranh, đầu tư và việc làm. Ông Phillip Hazelton phân tích, sau các cuộc họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Hội đồng đã đồng ý sẽ đưa ra một lộ trình tăng tiền lương tối thiểu bằng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Lộ trình này sẽ dần dần nâng những mức lương thấp nhất lên ngang bằng với mức sống tối thiểu và cho người sử dụng lao động đủ thời gian điều chỉnh với mức tăng từ từ của tiền lương tối thiểu. |