Người làm không công cho ngư dân Lý Sơn
Anh lôi ra một xấp giấy tờ dày cộp, thở dài: “Ngày nào cũng chạy long tóc gáy, đêm thì thức tận gần sáng. Khổ, số tui vận vào ngư dân rồi, dứt không ra được”.
Cả đời lênh đênh, từng tự hứa bỏ biển về sửa điện tử nuôi vợ con, nhưng rồi anh Lê Khuân vẫn quay lại với nghiệp biển với cái chức Phó Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh (Lý Sơn - Quảng Ngãi).
Anh Lê Khuân đêm nào cũng phải trực ICOM. Ảnh: Nam Cường.
Một đời sóng gió
Ngư phủ xứ đảo Lý Sơn, gọi tên ngẫu nhiên bất kỳ một ai đó cũng thấy ngay đó là một tay thiện nghệ. Nhưng Lê Khuân (sinh năm 1965) vẫn được liệt vào một trong những tay có máu mặt trong nghề đi biển. “Bí quyết gì đâu, sống lâu lên lão làng, liều và mê biển quá thôi” - anh cười ha hả, liên tiếp mời tôi 3 cốc rượu.
Như bao ngư dân khác ở Lý Sơn, 15 tuổi, anh Khuân xa rời sách vở lên tàu ra Hoàng Sa. Từ đó đến năm 2011, đúng 28 năm lênh đênh trên đại dương. Bắt đầu từ đi bạn, tích trữ tiền sau mỗi chuyến biển, rồi góp 25% vốn cho con tàu đầu tiên. Năm 2011, sau bao sóng gió cùng những chuyến biển lỗ, anh quyết định trở về nhà chuyên sửa chữa điện tử. “Ngày thường, lúc rỗi, tui vẫn hay sửa đài, tivi cho mấy nhà trong xóm. Ai cũng khen”.
Kiểm tra lại danh sách ngư dân.
Anh Khuân kể, 28 năm, mỗi năm trên dưới 10 chuyến ra khơi Hoàng Sa, hầu như lần nào cũng đụng độ với ngư dân hoặc tàu hải giám Trung Quốc nhưng chưa bao giờ anh bị phạt tiền: “Đó cũng là một điều may mắn. Không bị phạt tiền không có nghĩa lành lặn trở về đâu”. Hàng trăm lần đụng mặt kiểm ngư Trung Quốc, có tới 8 lần tàu anh Khuân phải chịu nhục. “Nhiều lần thoát nạn, nhưng tui nhớ nhất 8 lần bị tịch thu hết ngư cụ, hải sản, họ chỉ để đủ dầu chạy về tới cảng Sa Kỳ. Sau mỗi lần trắng tay, vợ lại càm ràm, làm biển chi cho cực. Nhưng những người như mình mà chán biển thì còn ai làm?”.
Năm 2007, tôi có lần được tiếp xúc với tài liệu về ngư dân ở phòng Kinh tế huyện Lý Sơn, mới hay những xấp giấy A4 dày cộp liệt kê hàng trăm vụ ngư dân bị đánh đập, đẩy đuổi, cướp bóc trắng trợn ở Hoàng Sa là minh chứng cho những trần ai mà ngư dân Lý Sơn nói riêng và Quảng Ngãi nói chung bị đày đọa ở Hoàng Sa.
Buồn thay, đó chỉ là con số liệt kê những “vụ lớn”, có đánh đập, cướp bóc, còn “vụ cỏn con”, lấy hết tài sản rồi cho về kiểu như anh Lê Khuân thì không giấy mực nào ghi hết được. Anh Khuân nhớ nhất 2 vụ năm 1999 và 2005. Năm 1999 cũng là lần đầu tiên anh bị tịch thu hải sản, ngư cụ sau nhiều lần chạm mặt kiểm ngư Trung Quốc.
“Cứ như họ thuộc lòng đường đi nước bước của mình. Lúc mới xuất bến, ra tận cửa ngõ Hoàng Sa, tui chạm mặt một tàu lớn có ghi chữ Trung Quốc, họ làm ngơ cho đi. Nhưng 15 ngày sau, lúc tàu gần no cá, anh em hồ hởi chuẩn bị nhổ neo quay về thì bất thần tàu này ập đến. Họ bắt anh em quỳ trên mạn tàu. Mấy người nhảy sang, lục lọi đồ đạc, lấy hết trơn, chỉ để lại đúng mấy lít dầu, đủ quay về bờ”.
“Nghe qua cái chức danh, oai thế nhưng đang làm không công đấy. Máu nghề quá, ngày nào vợ cũng nhăn như bị. Tui chẳng cần gì nhiều, mong trợ cấp xăng xe là đủ rồi.” Anh Lê Khuân |
Sau lần đó, đến năm 2005, lúc này anh Khuân đã bán tàu của mình chung vốn với em trai là Lê Phước đóng con tàu lớn QNg 96416. Chuyến biển thứ 2 của con tàu mới, hai anh em lại bị tịch thu. Lần này phía Trung Quốc làm “rất bài bản”: quay phim, chụp ảnh, lưu lại số tàu, tên thuyền trưởng. “Coi như bị liệt vào sổ đen, buồn buồn họ chặn ngang tàu, lấy hết cá, ngư cụ rồi cho về, không quên kèm lời đe dọa, về nhà bán tàu làm nghề khác. Bọn tui không sợ” - anh Khuân kể. Sau 28 năm, gần như tất cả các hòn đảo ở quần đảo Hoàng Sa anh Lê Khuân đều đã ghé thăm.
Ngư trường Hoàng Sa nhiều bất trắc, năm 2008, anh Khuân cùng con trai Lê Hữu Phúc quyết định tạm chia tay với tàu anh Lê Phước, khăn gói sang Malaysia đánh cá thuê. Những tưởng đổi đời sau chuyến đi, nhưng anh và con trai cùng 13 ngư dân ở Lý Sơn bị lừa, nằm chơi 4 tháng ở Malaysia, vừa mất tiền, vừa liên tục bị cảnh sát nước bạn hỏi thăm.
“Theo kế hoạch, ngư dân Lý Sơn được một doanh nghiệp thủy hải sản ở TPHCM hợp đồng sang đánh bắt cho một chủ ở Malaysia, nhưng khi đã sang bên kia rồi, phía DN ở Việt Nam mãi vẫn không chịu gửi tiền và hợp đồng qua. Mà không có hợp đồng, khác nào làm chui. Phía chủ Malaysia không chịu, thành ra mấy chục người nằm chờ. Đói rã họng, đành cuốn gói bơ phờ ra về. Lỗ không bao nhiêu, cha con mất chừng 20 triệu tiền ăn uống sinh hoạt, nhưng đau cái là 4 tháng trời gia đình mất thu nhập” - anh Khuân nhớ lại.
Không đâu bằng biển đảo của mình. Ở nhà có khó khăn đôi chút nhưng dẫu sao mình vẫn làm chủ. Anh rút ra điều đó sau mấy tháng đói rét ở Malaysia và tiếp tục ra Hoàng Sa…
Ngày 3 buổi “vác tù và”
Ngư dân ra Hoàng Sa vững tin vì đã có nghiệp đoàn.
Trở về từ Malaysia, đến năm 2011, sau mấy chuyến biển thất bát, anh Khuân quyết định “giải nghệ”, lui về hậu trường, chuyên tâm nghề sửa chữa điện tử. “Làm được lắm, trung bình tháng kiếm được 3 - 4 triệu, cộng với mấy sào tỏi. Tạm ổn qua ngày”. Vợ anh đứng kế bên, tiếp lời: “Nói vậy thôi, ổng ở nhà mà lúc nào cũng nhấp nhổm”.
Tháng 7/2012, nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh được thành lập và ngoảnh đi ngoảnh lại, chỉ mình Lê Khuân mới đảm trách được chức vụ… Phó Chủ tịch. Cái chức nghe vừa kêu vừa oai, nhưng thực ra, anh Khuân làm hết mọi công việc vặt của nghiệp đoàn. “Mỗi tuần 7 ngày, mỗi ngày 3 buổi, lúc nào cũng chạy long tóc gáy” - anh tâm sự.
Từ một thuyền trưởng quen với sóng gió, anh Khuân phải tập làm quen với giấy tờ, máy vi tính, internet, Micorosoft Word. Sử dụng ICOM thì đúng nghề, nhưng tay quen cầm lưới, bẻ vô lăng tàu, nay phải lạch cạch đánh chữ. Anh buộc phải đi học. Sau khóa học cấp tốc, đến nay, mọi công việc điều hành nghiệp đoàn đối với anh đã trơn tru.
UBND xã An Vĩnh dành cho nghiệp đoàn một cái phòng nhỏ để ICOM và máy vi tính. Ngày ngày anh mở cửa, xong lại xuống với ngư dân. Nghe tâm tư nguyện vọng, nghe những khúc mắc hay thậm chí một chuyến lỗ tổn của tàu nào đó, anh đều quan tâm giúp đỡ, kiến nghị đề xuất.
6 giờ tối, anh lại mở ICOM trực chiến, làm sợi dây liên lạc với đội tàu cá An Vĩnh ở Hoàng Sa, Trường Sa. “Ngày nào cũng có chuyện. Cả vui lẫn buồn. Năm nay, ngoài thuyền trưởng Nguyễn Gia Viên, số còn lại làm ăn không được lắm. Lỗ tổn nhiều hơn năm ngoái”. Ở đất liền, anh Khuân là đầu mối nhận, cung cấp thông tin từ tai nạn, tàu chết máy, hỏng hóc cho đến bị uy hiếp đẩy đuổi. Có những tài công, đang đêm buồn, hứng lên chơi hẳn một bài hát qua ICOM. Niềm vui trộn lẫn chiến quả trong đêm lạnh.
Ở đầu này ICOM, anh Khuân hiểu hết. “Như hồi đêm chẳng hạn, thời điểm này riêng An Vĩnh có 3 tàu đang đánh bắt ở Hoàng Sa, là Nguyễn Văn Lộc, Lê Trúc và Võ Minh Vương. Lộc kéo đươc mẻ cá gần chục tấn, vui quá gọi về, cười ha hả trong ICOM. Chỉ chừng đó thôi, mình quên hết mệt nhọc đêm hôm lạnh lẽo canh cái đài này”.
Anh Khuân thoáng chút băn khoăn: Nói ra đây chẳng phải đòi hỏi gì, nhưng cả 2 năm rồi, giữ cái chức Phó Chủ tịch nghiệp đoàn, kiêm luôn cả việc của chủ tịch, chẳng thấy đả động gì lương thưởng. Tui chỉ ước nhà nước trả cho ít để đổ xăng, có cái mà đi lại giúp đỡ ngư dân thôi”. Anh Lê Văn Châu - Bí thư Đảng ủy xã, đỡ lời: Xã cũng băn khoăn lắm. Có phụ cấp một ít cho anh Khuân mà chẳng ăn thua. Chúng tôi cũng đã đề nghị lên trên rồi.
7 giờ tối, Lý Sơn theo giờ lại sáng bừng ánh điện, anh Khuân bật ICOM, tiếp tục công việc thầm lặng. Đầu dây bên kia, Võ Minh Vương thông báo hoan hỷ chuyến biển thắng lợi: Đang nhổ neo vô đây anh, chuẩn bị uống rượu nhé!
Bí thư Đảng ủy xã An Vĩnh Lê Văn Châu cho biết: Từ khi có nghiệp đoàn, ngư dân tự tin hơn hẳn, hoạn nạn có nhau, cùng ra khơi đánh bắt. Những thành công bước đầu có đóng góp rất lớn của anh Lê Khuân. |