Người kéo cờ tại lễ Tuyên ngôn độc lập

Bà là Lê Thi, năm nay 87 tuổi, người nữ sinh trường Bưởi được tham gia kéo cờ Tổ quốc tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2/9/1945 khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Khóc khi thấy cờ Tổ quốc bay trên cột cờ

 

Bàn tay nhăn nheo, run run, lật giở từng tấm ảnh đã ố vàng, bỗng nhiên khuôn mặt bà chăm chú khi nhìn vào bức ảnh chân dung đen trắng có hình một thiếu nữ khuôn mặt trái xoan, mái tóc xoăn rất điệu, còn khá trẻ. Vén vội mấy sợi tóc bạc xòa dưới vầng trán đầy nếp nhăn, bà thong thả nói: “Đây là bức ảnh tôi chụp hồi mới 19 tuổi, năm 1945, cách đây đã 68 năm rồi”. Ngồi trầm ngâm hồi lâu trong căn phòng nhỏ trên phố Ngô Quyền, Hà Nội, ký ức của 68 năm trước lại ùa về trong tâm trí bà.

Vốn gốc Hà Nội, lại được sinh ra trong một gia đình trí thức có 8 anh chị em, ở 98 Hàng Bông, phụ thân của bà Thi là một nhà giáo nổi tiếng, Hiệu trưởng Trường Bưởi, liệt sỹ Dương Quảng Hàm. Chính sự hy sinh của bố đã khiến bà Thi coi đó là tấm gương về sự kiên trung với cách mạng, Tổ quốc. Tuy nhiên, bà lại có tên Lê Thi, chính vì điều này đã khiến tôi không khỏi băn khoăn.

Người kéo cờ tại lễ Tuyên ngôn độc lập - 1

Bà Lê Thi (áo trắng) và bà Đàm Thị Loan chụp ảnh tại Quảng trường Ba Đình năm 1997

Như đoán được suy nghĩ của tôi, bà liền giảng giải: “Khi học năm cuối Trường Bưởi tôi rất thích họ Lê của vua Lê Lợi nên tôi đã tự lấy họ Lê để đặt cho mình, còn Thi là tên của người bạn thân. Tên thật của tôi trong giấy tờ là Dương Thị Thoa”.

Đầu tháng 8/1945, bà Thi chính thức tham gia cách mạng và được giao nhiệm vụ làm cán bộ Hội phụ nữ Hoàn Kiếm. Ngày 17/8, bà đã vận động hàng trăm phụ nữ Hoàn Kiếm, Hà Nội tham gia lễ mít tinh ủng hộ Việt Minh và yêu cầu Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim làm lễ hạ cờ để treo cờ Việt Minh. Và đến ngày 19/8 lại cùng hàng vạn người dân Thủ đô tham gia giành chính quyền tại Hà Nội.

Bà Thi bảo: “Khi cách ngày 2/9 khoảng hơn 1 tuần, nhận được lệnh của cấp trên đi vận động tất cả phụ nữ Hàng Bông tập hát Quốc ca, đi đều bước, chọn quần áo, trang phục mặc chỉnh tề, nghiêm trang để chờ đến ngày trọng đại, trong khoảng thời gian đó chúng tôi vừa vui mừng vừa hồi hộp”.

Mặc dù, chiều mới đến giờ tập trung, nhưng từ 9 giờ sáng ngày 2/9/1945, bà Thi đã cùng chị em phụ nữ Hoàn Kiếm tập trung đông đủ tại Hàng Bông, khoảng gần 100 người. Sau đó, đi bộ qua Cửa Nam xuống đường Điện Biên Phủ để tiến vào Quảng trường Ba Đình. “Lúc đó, Quảng trường Ba Đình là một bãi cỏ rất rộng, khoảng hơn chục nghìn m2, ở chính giữa đã có một lễ đài cao khoảng 4 m, được làm bằng gỗ, phủ vải bên ngoài. Phụ nữ chúng tôi hôm đó, ăn vận áo dài trắng, quần trắng, riêng tôi cầm trên tay một cây gậy bằng gỗ, trên đường đi vào quảng trường vừa đi vừa hô 1,2...1,2... đi đều bước”, bà Thi nhớ lại.

Đến khoảng 13 giờ 30 phút, khi Quảng trường Ba Đình không còn một chỗ trống, hàng nghìn, hàng vạn người dân của Thủ đô và vùng lân cận đều đổ về đây, ai cũng háo hức chờ đến giờ Bác Hồ xuất hiện.

Trong lúc, mọi người đang chờ đợi giây phút quan trọng thì thấy một đồng chí trong ban tổ chức đi về phía Hội phụ nữ Hoàn Kiếm và yêu cầu đồng chí Thi lên tham gia kéo cờ trên lễ đài.

“Thú thực, lúc đó tôi rất sợ mình không làm nổi, nhỡ có điều gì thì không biết xử lý như thế nào trong một ngày trọng đại như vậy. Khi lên tới lễ đài, tôi đã thấy một chị mặc trang phục dân tộc Tày, hai tay đang nâng lá cờ màu đỏ có hình sao vàng năm cánh đứng nghiêm trang cạnh chiếc cột cờ cao khoảng hơn 10m”, bà Thi thổ lộ.

Thấy vậy, bà Thi vội vàng nói với chị phụ nữ đang nâng cờ: “Chị để em kéo cờ nhé”. Vừa dứt lời, tiếng hát của bài Quốc ca vang lên và lá cờ đỏ sao vàng cũng từ từ được kéo lên trong tiếng Quốc ca của hàng vạn người có mặt tại Quảng trường. Khi bài Quốc ca vừa kết thúc cũng là lúc lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên lễ đài, trong tiếng vỗ tay vang rền của hàng nghìn, hàng vạn người có mặt tại Quảng trường.

“Không hiểu sao, khi thấy lá cờ đã được kéo lên trên chính đỉnh cột cờ, bay phấp phới trong gió, lúc đó nước mắt tôi bỗng ứa ra vì xúc động, xen lẫn niềm tự hào. Trên lễ đài, tôi được nhìn thấy Bác Hồ rõ hơn trong bộ kaki giản dị, khác hẳn với những vị lãnh tụ mà tôi đã được học trong sách vở. Và sau này, mỗi khi đến ngày 2/9, tôi lại nhớ như in câu nói của Bác ngày nào: “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?”. Lúc đó hàng vạn người đồng thanh đáp lại: “Có ạ”, giọng bà Thi nghẹn lại. 

Rồi bà kể tiếp, mãi sau này, khoảng 10 năm sau, bà Thi mới biết tên người tham gia kéo cờ cùng mình hôm đó là bà Đàm Thị Loan, người dân tộc Tày, vợ của Đại tướng Hoàng Văn Thái.

“Mãi đến ngày 2/9/1997, tôi mới được gặp lại chị Loan tại Quảng trường Ba Đình, rồi lại bẵng đi một thời gian hai chị em cũng không gặp nhau. Và đến năm 2009 thì chị Loan mất”, bà Thi vừa nói vừa lau giọt nước mắt chảy dài trên má rồi chỉ vào tấm ảnh, hai chị em được gặp nhau năm 1997 và cùng chụp ảnh kỷ niệm tại Quảng trường Ba Đình.

Muốn làm cán bộ phải học cách làm nông dân

Niềm vui chưa trọn, đất nước lâm nguy. Sau ngày 2/9/1945, phụ thân của bà Thi là thầy giáo Dương Quảng Hàm được Việt Minh giao làm Hiệu trưởng Trường Bưởi. Tuy nhiên, đến 19/12/1946 ông bị Pháp bắt và đem đi tử hình.

“Khi Pháp đàn áp rất ác liệt, cả nhà tôi bảo bố trốn đi, không ở nội thành nữa nhưng ông nhất quyết không đi với lý do chưa nhận được chỉ thị của cấp trên. Bố tôi bị Pháp bắt và đem đi tử hình ở đâu cũng không biết, đến nay gia đình tôi vẫn chưa tìm thấy xác của cụ”, bà Thi buồn rầu nói.

Người kéo cờ tại lễ Tuyên ngôn độc lập - 2

Bà Lê Thi

Theo nghiệp bố, bà Thi một lòng theo cách mạng. Năm 1947, bà Thi được cấp trên giao nhiệm vụ làm Phó Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Vĩnh Yên.

Bà Thi kể, đang là thiếu nữ trường Bưởi Hà Nội, gia đình thuộc tầng lớp trí thức, quen mặc áo dài trắng, quần dài trắng, đi dép, nay được cấp trên giao nhiệm vụ về tỉnh lẻ để tuyên truyền vận động người dân một lòng theo cách mạng đánh đổ thực dân Pháp. Bà Thi phải thay đổi hoàn toàn, muốn tuyên truyền được phải cùng làm, cùng ăn, cùng ở với dân. Thế là bà lại phải tìm cách học quấn khăn mỏ quạ, đi chân trần, quần nâu, áo vải, lội ruộng cùng dân.

“Cái khó nhất là tôi phải học cách cấy lúa, phải học rất nhiều lần, kệ ngứa ghẻ, tôi lăn xả vào bùn đất đồng ruộng, mãi cũng quen. Mới đầu thấy tôi ở Hà Nội về nhiều người không thích nhưng thấy tôi không quản ngại, dám dấn thân cuối cùng ai cũng quý”, bà Thi kể.

Vừa mới quen với vùng đất trung du Vĩnh Yên được hai năm từ 1947 – 1948, đến năm 1949 bà Thi lại được cấp trên điều lên làm Chủ tịch phụ nữ tỉnh Tuyên Quang. Bà lại vội vàng khăn gói lên đường học cách ăn ở, làm việc với bà con dân tộc ở tỉnh miền núi Tuyên Quang.

Bà Thi bảo: “Muốn tuyên truyền hiệu quả thì người cán bộ trước tiên phải gần dân, cùng cấy với dân, cùng cuốc đất, ăn, ngủ cùng dân thì người dân mới tin, mới theo cách mạng được. Chứ làm cán bộ mà đứng chỉ tay 5 ngón thì chẳng ai tin được. Muốn làm cán bộ để dân tin tôi đã phải học cách để mình trở thành một người nông dân giỏi trước đã, lúc đó dân mới tin cán bộ”.

Đến cuối năm 1950, bà Thi được cấp trên điều về công tác bí mật tại nội thành. Và đến ngày 10/10/1954, sau khi Giải phóng Thủ đô, bà được cấp trên cử đi học lớp cao cấp lý luận chính trị, Trường Nguyễn Ái Quốc ngày nay. Và từ đó bà tham gia công tác nghiên cứu, giảng dạy và giữ chức Viện trưởng Viện Triết học Việt Nam suốt 25 năm (từ 1962 – 1987). Đến năm 1987, bà chuyển sang làm Viện trưởng Viện Gia đình và giới, đến năm 2000 thì về hưu ở tuổi 73.

Đang kể, như chợt nhớ ra điều gì, bà vội vàng lục tìm tấm ảnh đen trắng có hình chân dung một thiếu nữ đầu đội chiếc khăn mỏ quạ và cười bảo: “Đây là bức ảnh tôi chụp khi đang học cách làm nông dân tại tỉnh Vĩnh Yên năm 1947 đấy”.

“Muốn làm người cán bộ giỏi thì trước tiên người cán bộ đó phải là người hiểu biết, gần dân, đi sâu sát với dân, làm mẫu cho dân thì người dân mới tin tưởng, rồi sau đó mới tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước như thế người dân mới tin cán bộ chứ”, bà Thi nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Hải (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN