Người Hong Kong sẵn sàng cho biểu tình lâu dài
Hôm 30/9, hàng chục ngàn người biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong đã phong tỏa các đường phố lớn, tích trữ hàng hóa và lắp đặt các rào chắn tạm thời trước lo ngại cảnh sát sẽ hành động mạnh tay hơn nhằm đập tan cuộc biểu tình trước ngày Quốc khánh Trung Quốc.
Cảnh sát chống bạo động Hong Kong đã phải sử dụng súng bắn hơi cay và đạn cao su để đàn áp, nhưng những người biểu tình đòi dân chủ quyết không khuất phục. Một ngày trước lễ Quốc khánh Trung Quốc 1/10, những người biểu tình đã đổ tới quận tài chính Trung tâm Hồng Kông, nơi dự kiến diễn ra lễ kỷ niệm, và “đóng quân” tại đây. Họ cho biết đã chuẩn bị tinh thần trước một cuộc đàn áp mạnh tay hơn của cảnh sát.
Cảnh sát sử dụng súng bắn hơi cay để đàn áp nhưng "không ăn thua"
Sui-ying Cheng, 18 tuổi, một sinh viên của Trường Đại học Hong Kong cho hay: “Nhiều quan chức lớn từ đại lục sẽ tới Hong Kong. Chính quyền Hong Kong sẽ không muốn họ chứng kiến cảnh tượng này, vì vậy chắc chắn cảnh sát sẽ làm gì đó. Chúng tôi không sợ hãi. Chúng tôi sẽ ở lại đây đêm nay. Đêm nay vô cùng quan trọng”.
Trước đó, lực lượng biểu tình đã đưa ra tối hậu thư cho nhà lãnh đạo Hong Kong Leung Chun-ying, yêu cầu ông từ chức và đáp ứng các quyền dân chủ, hạn cuối cùng là ngày 1/10, nếu không họ sẽ tiến hành kế hoạch chống đối mới. Tuy nhiên chính quyền Hong Kong khẳng định sẽ không khoan nhượng.
Một trạm chắn tạm thời do những người biểu tình dựng nên để làm chậm bước tiến của cảnh sát
Những người biểu tình đang gấp rút tích trữ thêm nước đóng chai, hoa quả, bánh quy, áo mưa, khăn giấy, kính, khẩu trang và lều, lập thêm các trạm cung cấp hàng hóa để chuẩn bị cho một chiến dịch lâu dài.
Một số trạm chắn tạm thời được lập nên để cố gắng làm chậm bước tiến của cảnh sát. Tại nhiều khu vực, các xe tải lớn nhỏ được đỗ thành hàng nhằm phong tỏa tuyến đường.
Một chiếc xe buýt 2 tầng được người biểu tình trưng dụng làm biển thông báo và dán các thông điệp
Tại ngã tư Mong Kok, sáu chiếc xe buýt hai tầng đã được sử dụng làm biển thông báo cho đoàn biểu tình với các thông điệp như: “Xin đừng bỏ cuộc” hay “Hãy từ chức đi, ông Lueng”. Nhiều đám đông reo hò, cổ vũ khi có đoàn sinh viên mang chơi đàn ghi-ta hoặc trống để cổ vũ tinh thần cho nhau.
John Choi, một thiếu niên 16 tuổi trong đoàn biểu tình nói: “Mặc dù có thể bị bắt nhưng tôi quyết ở lại đến cùng. Chúng tôi đang đấu tranh cho chính tương lai của chúng tôi”.
Những người lãnh đạo cuộc biểu tình kêu gọi người dân đeo ruy băng vàng, biểu tượng của những cuộc bãi khóa, và mang theo ô cũng như kính đen để chống hơi cay từ cảnh sát.
Người biểu tình được khuyến khích sử dụng áo mưa, ô, kính mát để chống lại hơi cay từ phía cảnh sát bắn ra
Người lãnh đạo cuộc biểu tình cũng cho hay, hiện có khoảng 80.000 người đã đổ ra các tuyến phố khi chiến dịch biểu tình bùng phát đêm 26/9, nhiều người trong số đó đã ngủ lại qua đêm trên chính những con đường cao tốc ở Hong Kong. Thế nhưng, cho tới nay vẫn chưa có con số thống kê độc lập nào về việc này.
Đoàn biểu tình đã tập trung ở ít nhất 4 khu vực sầm uất nhất của Hong Kong, bao gồm Admiralty, nơi đặt trụ sở chính quyền, quận Trung tâm, Vịnh Causeway và quận Mong Kok ở Cửu Long.
Alex Chow, người đứng đầu Liên đoàn Sinh viên Hong Kong cho biết, ban đầu “Chiếm Trung tâm” chỉ là phong trào riêng của sinh viên, nhưng tới nay nó đã mở rộng hơn và trở thành phong trào chung của tất cả các tầng lớp xã hội.
Một vài người trong đoàn biểu tình tranh thủ nghỉ ngơi ngay trên đường cao tốc
Chow khẳng định: “Nó đã phát triển thành phong trào toàn dân. Chúng tôi có thể nhìn thấy phía Bắc Kinh và chính phủ Hong Kong đã cảm thấy áp lực, vì thế, phong trào Chiếm Trung tâm càng phải tiếp tục”.
Có thể nói đây là làn sóng biểu tình dữ dội nhất ở Hong Kong kể từ khi được trả về Trung Quốc năm 1997. Phong trào này cũng đã trở thành một trong những thách thức chính trị lớn nhất của Trung Quốc kể từ năm 1989 đến nay.