Người H’Mông lạc sang Pakistan: Tương lai đi về đâu?

Sau khi trở về nước, anh Pó buồn bã kể với chúng tôi về hoàn cảnh của gia đình mình. Sau 2 năm trở về nước, tất cả mọi thứ đều đã khác, ruộng đất đều đã bán để lấy tiền "chuộc” anh...

Vào tháng 12/2013, tờ báo Dawn.com của Pakistan đưa tin một người đàn ông đã bị cảnh sát Pakistan bắt giữ do đi vào lãnh thổ nước này. Phải đến hơn 10 ngày sau, người đàn ông trên mới bắt đầu nói chuyện nhưng bằng một thứ tiếng kỳ lạ khiến cảnh sát ở đây không thể hiểu được.

Với mong muốn giúp người này tìm được gia đình, đồn cảnh sát thị trấn Athmuqam, Pakistan đã đăng tải 1 đoạn clip đặc biệt để anh này nói bằng thứ tiếng của mình. Sau đó, nhân vật bí ẩn đã được xác định là Vừ Già Pó, một người dân tộc H’Mông, ở xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang của Việt Nam.

Trong video, Vừ Già Pó cho biết: Cách đây 2 năm, anh đã rời khỏi địa phương để sang Trung Quốc làm thuê. Sau đó đi lạc sang Pakistan.

Trở về nhà trong vòng tay của người thân, người đàn ông sinh năm 1977 này kể lại câu chuyện đầy ly kỳ về hành trình lưu lạc của mình.

Trong sự nỗ lực từ phía cơ quan chức năng, ngày 12/5, Vừ Già Pó đã được đưa về nước bằng 2 chuyến bay từ Pakistan đến Bangkok rồi mới bay về Việt Nam. Cuộc hành trình dài hơn 2 năm đã để lại trong anh không ít những dư âm mặn chát về cuộc đời, về con người ở nhiều xứ sở. Đó vừa là câu chuyện khiến dư luận thế giới phải cảm phục, nhưng cũng là bài học đắt giá cho đồng bào thiểu số ở vùng cao nguyên đá.

Người H’Mông lạc sang Pakistan: Tương lai đi về đâu? - 1

Pó kể chuyện với Ly Mí Tử (người cùng chạy trốn với Pó, nhưng rồi lạc nhau)

Buồn vui ngày đoàn tụ

Những ngày này, biết Pó trở về, người dân khắp bản đều đến thăm hỏi và trò chuyện cùng anh. Giọt nước mắt đoàn tụ khiến ai cũng xúc động.

Người ta nói rằng, Pó khác xưa rất nhiều, da Pó trắng hơn và cái bụng anh to hơn ngày trước. Hôm trở về đoàn tụ cùng gia đình, Pó dường như đã khóc cạn nước mắt vì vui sướng, nhưng sâu thẳm trong anh vẫn còn nỗi trăn trở, nỗi lo toan về cuộc sống gia đình về sau. Liệu rồi đây, anh còn có thể lo cho vợ con cơm ăn, áo mặc như trước kia khi mọi thứ đã đổi khác rất nhiều.

“Ban đầu tôi cứ nghĩ là mình sẽ phải vĩnh viễn ở bên đó, nhưng giờ được gặp lại gia đình rồi, tôi rất vui sướng. Tôi cảm ơn các cơ quan báo chí đã giúp tôi kết nối với phía Pakistan để tôi có thể trở về với gia đình, với bản làng thân yêu của tôi".

Pó chia sẻ, ban đầu anh còn không nhận ra đứa con gái lớn của anh, bởi nó lớn quá. Anh tỏ ra rất vui mừng vì những đứa con của anh đều trưởng thành, nhưng anh cũng tự trách bản thân mình vì đã khiến cho chúng không được ăn học đến nơi đến chốn, sợ rằng lại có ngày lưu lạc như anh thì thê thảm quá.

Anh Pó cũng chia sẻ những trăn trở của mình: “Giờ về đến nhà vui là vậy, nhưng tôi vẫn buồn quá. Vì số tiền 20 triệu 'chuộc' tôi về mà vợ con đã phải bán hết tài sản và đất đai rồi. Chỉ lo sau này không biết cuộc sống của các con tôi sẽ ra sao nữa, đứa con gái đầu của tôi nữa, giờ bảo nó lấy chồng vì nó có con trong bụng rồi mà vẫn chưa được tổ chức đám cưới, nghĩ mà tôi lo quá”.

Người H’Mông lạc sang Pakistan: Tương lai đi về đâu? - 2

Anh chia sẻ nỗi buồn của mình với mọi người.

Bài học đắt giá

Cũng bởi cuộc sống mồ côi từ nhỏ đã khiến Pó trở nên yêu gia đình mình hơn, bởi thế mà trong câu chuyện với người viết, anh bảo rằng chính gia đình đã thôi thúc anh đi xa đến thế, vì trong đầu anh vẫn cứ nghĩ rằng đi về phía mặt trời lặn sẽ có ngày anh gặp được gia đình.

Câu chuyện phưu lưu của Pó đã đi đến hồi kết, cũng là lúc anh phải bắt đầu lại tất cả mọi thứ. Trong câu chuyện với chúng tôi, Pó nói rằng trong chuyến đi hơn 2 năm, Pó đã nếm trải đủ mùi vị của những vùng khắc nghiệt nhất. Anh còn khuyên: “Nếu ai còn có ý định đi sang Trung Quốc làm thuê thì hãy nhìn vào tôi, nhìn vào gương của Pó mà suy xét lại, không thì sẽ phải hối hận”.

Em Vừ thị Hờ (con gái thứ hai của Pó –PV) nói: “Từ bây giờ em không cho bố đi nữa, bố đi lâu quá, cả nhà ai cũng buồn và lo lắng. Chúng em có thể chịu khổ, chịu đói, nhưng không có bố bên cạnh còn buồn tủi hơn nhiều”.

Pó cũng cho biết, trong 6 người cùng vượt biên ngày đó, còn 2 người nữa mất tích đến giờ không có tin tức. Hoàn cảnh của hai gia đình này cũng rất khó khăn và từng ngày vợ con họ vẫn đang ngóng trông họ về. “Tôi như thế là mừng rồi, giờ chỉ hy vọng có một phép màu giúp 2 người kia quay về với gia đình, mấy anh em chúng tôi lại được ngồi bên nhau uống rượu kể chuyện như xưa”, Pó nói.

Bà Quan Thị Hồng Nhung, Chủ tịch UBND xã Khâu Vai cho biết: “Hiện xã sẽ cố gắng thắt chặt việc vượt biên sang Trung Quốc làm thuê của người dân. Nếu có ai muốn sang đó làm thuê, thì cần làm thủ tục báo với chính quyền xã”.

Rời khỏi bản Lũng Lầu khi những điệu khèn Mông còn văng vẳng ở đâu đó, chúng tôi có cảm giác thoáng buồn về cuộc đời của Pó sau này. Gia đình Pó sẽ sống như thế nào, tương lai của các con anh sẽ ra sao khi mà tài sản trong nhà không còn thứ gì có giá trị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Phan ([Tên nguồn])
Người H’Mông lạc sang Pakistan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN