Người H'Mông lạc sang Pakistan: Địa ngục trần gian
Sau một thời gian bị tra hỏi bằng cách dùng vũ lực ở nhà tù quân đội, Vừ Già Pó được chuyển giao về đồn cảnh sát khu vực. Trong gần 1 năm tại đây, những ngày mà người ta trông thấy Pó ăn cơm tù ngày càng thưa đi, rồi thậm chí nếu không phát hiện kịp thời, Pó đã không có cơ hội trở về Việt Nam kể chuyện “phượt” nữa.
Vào tháng 12/2013, tờ báo Dawn.com của Pakistan đưa tin một người đàn ông đã bị cảnh sát Pakistan bắt giữ do đi vào lãnh thổ nước này. Phải đến hơn 10 ngày sau, người đàn ông trên mới bắt đầu nói chuyện nhưng bằng một thứ tiếng kỳ lạ khiến cảnh sát ở đây không thể hiểu được. Với mong muốn giúp người này tìm được gia đình, đồn cảnh sát thị trấn Athmuqam, Pakistan đã đăng tải 1 đoạn clip đặc biệt để anh này nói bằng thứ tiếng của mình. Sau đó, nhân vật bí ẩn đã được xác định là Vừ Già Pó, một người dân tộc H’Mông, ở xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang của Việt Nam. Trong video, Vừ Già Pó cho biết: Cách đây 2 năm, anh đã rời khỏi địa phương để sang Trung Quốc làm thuê. Sau đó đi lạc sang Pakistan. Trở về nhà trong vòng tay của người thân, người đàn ông sinh năm 1977 này kể lại câu chuyện đầy ly kỳ về hành trình lưu lạc của mình. |
Trong ký ức mập mờ đứt đoạn, Vừ Già Pó nhớ nhất là thời gian anh xuống tinh thần đến nỗi 2 lần đã suýt tự kết liễu cuộc đời. Nhắc đến chuyện ngày đó, anh Pó hề hà đem so sánh nỗi đau về thể xác ở nhà tù quân đội vẫn không nhằm nhò gì so với lúc xuống tinh thần đến việc tự mình lại muốn “hại” mình những mong giải thoát khỏi trần thế hỗn mang.
Buồn bã đến… nhịn ăn
Loa phóng thanh ở một nơi mà nhà cửa phần lớn đổ nát cứ ì èo báo, sau đó những tên râu ria với nước da ngăm đen cứ bình bịch bước đến rồi kéo lết Pó và nói gì đó như bảo anh rằng chúng sẽ đưa anh đến một địa điểm khác. Đúng như dự đoán của Vừ Già Pó, 1 xe thùng và 1 xe chở quân đội đã có mặt sẵn ở trước cổng nhà tù để đưa Pó lên đường.
Rất nhiều người tập trung đến để gặp trực tiếp anh Pó
Kí ức khi đó của Pó cứ mập mờ bởi anh không hề biết những tên to cao, ăn mặc kỳ quái ấy định đưa anh về xứ nào. Ý nghĩ trốn chạy cứ quẩn quanh trong đầu anh, nhưng sức lực thì kiệt quệ, đến đứng dậy còn khó, nói gì đến việc chạy thoát khỏi một đoàn người mà ai nấy đều khỏe hơn hẳn những người leo treo vách đá giỏi nơi quê nhà.
Đoàn xe chở Pó không hề dừng lại một phút nào cho đến khi đặt chân đến một địa điểm giam cầm khác. Pó kể rằng tù binh ở đó trông chẳng khác gì đám người Kinh ở xuôi lên lúc anh còn ở nhà thấy ở chợ Khâu Vai. Nhưng tại đó thì người ta không cho để râu dài xồm xoàm như thế, chỉ có 2-3 ngày sau là cả lũ người ở phòng anh đều bị cảnh sát cạo sạch bong.
Thực ra, anh cũng chẳng buồn để ý đến những kẻ ngoại lai ở cùng phòng giam, bởi khi đó trong đầu anh chỉ có ý nghĩ duy nhất là gia đình. Còn việc tranh giành, thậm chí những hành động muốn thể hiện bản lĩnh đối với người khác của những người tù kia anh cũng mặc kệ. Mỗi đêm trôi qua là những cơn ác mộng về hình ảnh gia đình anh bị nước lũ cuốn phăng lại kéo về, khiến cái gối anh nằm luôn đẫm nước mắt. Đau buồn đến tận cùng, Pó không buồn ăn, anh sống lặng lẽ như một đứa trẻ người H’ Mông chưa đến tuổi biết nói biết nghĩ, anh chỉ ngủ, ngày nào cũng như ngày nào.
2 lần tự tử không thành
Trước lúc được đưa vào phòng giam, Vừ Già Pó cũng đã kịp quan sát qua loa khung cảnh nhà tù. “Nơi ấy không có những ngôi nhà cao tầng như những nơi mà tôi từng đi qua, duy chỉ có vài cái nhà khiến tôi gợi nhớ về trụ sở UBND xã Khâu Vai ngay bên trên chợ mà hằng tuần trước đó tôi vẫn đuổi lợn lên đó bán. Hầu như xung quanh nơi ấy không một bóng người dân sinh sống, bao quanh là những hàng rào thép kiên cố”. Pó nhớ lại.
Ngày Pó về, chính quyền xã cũng đến thăm hỏi.
Thời gian tại đây, Pó buồn đến tái tê, anh càng hy vọng bao nhiêu thì lại càng tuyệt vọng khổ đau bấy nhiêu. Trong suốt 2 năm, trong đầu anh chỉ có ý nghĩ duy nhất là về nhà. Rất nhiều lần anh đã có ý định bỏ trốn, nhưng nghĩ lại địa hình nhà tù, anh đành chịu.
Trong ngục tối, hết chán ăn anh lại nghĩ đến việc tìm đến cái chết để giải thoát. Phần là vì cũng đã gần 2 năm tìm đường về mà không chút hy vọng, phần lại nghĩ rằng người vợ ở quê nhà ngóng trông lâu quá lại tìm một mối khác nên càng khiến anh buồn rầu. Anh muốn tìm cái chết. Nghĩ là làm, anh ra hiệu với một người bạn tù xin tìm thuốc độc và cuối cùng anh bạn ngoại quốc đó đã đáp ứng.
Buổi sáng trước bữa cơm tù, Vừ Già Pó mở nắp lọ và định dốc hết vào miệng thì bị người bạn tù kia giữ lại. Hóa ra trong câu chuyện bằng cách ra hiệu bằng hành động của 2 người, anh bạn tù của Pó chỉ tưởng rằng anh sử dụng thuốc độc để đánh bả lũ chuột đêm nào cũng chạy lông nhông trong phòng giam.
Sau lần ấy, suy nghĩ của Pó đã được cải thiện hơn, người bạn tù mà anh không hề biết đến tên vì bất đồng ngôn ngữ lại càng giúp tình bạn giữa 2 người được thắt chặt. Nhưng cũng chỉ sau đó một thời gian ngắn, anh bạn thân ngoại quốc của Pó được thả ra. Một mình Pó buồn bã ngồi trong góc phòng tối tăm không người hiểu thấu nỗi niềm, Pó lại tính đến chuyện tự vẫn.
“Cái ngày ấy trong đầu tôi cứ suy nghĩ vẩn vơ. Chán nản với cuộc sống, tôi tháo thắt lưng ra rồi dùng hai tay thắt chặt cổ mình để được giải thoát khỏi sự khổ đau. Nhưng ngay lập tức có một tiếng hét lớn, sau đó một vị cách sát đã mở cửa, giật lấy thắt lưng của tôi và dùng rùi cui đánh liên tiếp vào người tôi”. Pó ngược dòng thời gian kể.
____________________________
Mời độc giả đón đọc kỳ tiếp theo "Người H'Mông lạc sang Pakistan: Người cảnh sát tốt bụng" vào 10h00 Chủ nhật, 18/5/2014.
Con đường gập ghềnh đã đưa cuộc phiêu lưu kỳ thú của Vừ Già Pó dần đi đến hồi kết, tại đồn cảnh sát ở Pakistan. Tại đó, anh đã nhận được tình cảm vô cùng chân thành của một người cảnh sát mà ngay cả anh cũng không hề biết tên. Tuy nhiên, cho đến thời điểm trở về, Vừ Già Pó vẫn còn nhắc mãi con người ấy.