Người hàng xóm 10 năm bền bỉ minh oan cho ông Chấn

Giúp ông Nguyễn Thanh Chấn được minh oan sau gần 4 nghìn ngày sống trong cay đắng có công rất lớn của một người phụ nữ là Thân Thị Hải.

Niềm tin tuyệt đối

Từ quan hệ làng xóm, sau này có quan hệ thông gia nhưng bà Hải – vốn là một cán bộ trong ngành công an đã tìm mọi cách để khiến công lý phải được thực thi. Trong khoảng 10 năm tìm bằng chứng để minh oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn, bà Hải đã phải vay tiền ngân hàng, bán đất và thậm chí chịu điều tiếng.

Bà Thân Thị Hải kể: “Đời người ngắn tựa gang tay, mỗi người được mấy lần cái 10 năm? Dù có sống được 10 lần cái 10 năm ấy nhưng nếu phải chịu cái tiếng oan cay nghiệt là kẻ trộm tình, kẻ giết người thì sống còn nhục nhã, cay đắng hơn cả cái chết gấp trăm lần. Lần nào chúng tôi vào trại thăm, chú Chấn cứ khóc bảo “em bị oan, em không giết cô Hoan, em không làm cái điều đê tiện, mất hết nhân tính con người ấy chị ạ. Em thà chết còn hơn phải chịu tiếng oan nhơ nhuốc, nhục nhã như vậy”. Sợ chú ấy nghĩ quẩn, lần nào tôi cũng động viên em phải cố gắng, kiên trì không được bỏ cuộc. Mình không giết người, không làm điều ác nhân thì không có gì phải sợ cả. Lẽ phải luôn chiến thắng, pháp luật luôn công bằng, ác giả thì ác báo”.

Có lẽ cũng chính vì tin vào những điều mình nói với ông Chấn nên gần chục năm trời, người phụ nữ không có quan hệ máu mủ đã bền bỉ đi minh oan cho người hàng xóm của mình vì sa vào vòng lao lí mà gia đình tan nát, người vợ hiền đến phát bệnh tâm thần.

Nhà bà Hải và “chú” Chấn (như cách gọi của bà Hải – PV) đều ở làng Me nên hai chị em chẳng lạ gì nhau. Cho đến ngày đi lấy chồng xa thì trong ký ức của bà Hải, chú Chấn là người hiền lành, ít nói và rất phóng khoáng, tốt bụng. Sau này, ông Thân Văn Hoạt, em trai của bà Hải lấy chị gái của ông Chấn nên hai gia đình cũng thường xuyên đi lại thân thiết với nhau. Mọi công to việc lớn trong gia đình nhà em trai bà, ông Chấn đều giúp đỡ nhiệt tình.

vu an nguyen than chan

Bà Hải kể chuyện với PV. Ảnh: T.G

Tối 15/8/2003, vụ án mạng kinh hoàng xảy ra tại làng Me khiến dư luận xôn xao thì cả mấy chị em đều biết. Ai cũng căm giận không biết kẻ táng tận lương tâm nào lại sát hại dã man người phụ nữ đơn thân nuôi con vừa gánh trên vai trách nhiệm chăm sóc cho hai cha mẹ già yếu. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, máu chảy và mất máu cấp dẫn đến tử vong.

Ngày 17/8/2003, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án “Giết người” để tiến hành điều tra. Từ một số thông tin ban đầu, ngày 30/8/2003, cơ quan điều tra đã mời ông Chấn đến trụ sở làm việc và lấy lời khai. Khi đó bà Hải đang công tác ở phòng Chính trị hậu cần của Công an tỉnh Bắc Giang và luôn quan tâm theo dõi vụ án mạng xảy ra ở quê mình. “Lúc đó cô Chiến (vợ ông Chấn) tìm đến tôi, chưa kịp nói gì thì đã nước mắt ngắn dài, hoang mang hỏi: “Công an mời chồng em với 30 người trong làng ra trụ sở làm việc, 29 người về hết nhưng đã 5 ngày trôi qua chồng em chưa thấy về”. Tôi khuyên chị cứ bình tĩnh, có thể cơ quan chức năng đang điều tra vụ án nên cần chú ấy phối hợp giúp đỡ thôi”, bà Hải nhớ lại.

Tuy nhiên, bà Hải tìm hiểu thì bất ngờ biết thông tin ngày 28/9/2003, cơ quan điều tra đã ra lệnh tạm giữ đối với ông Chấn. Bà Hải kể: “Công an đến nhà chú Chấn đưa mỗi lệnh khám nhà rồi cũng không giải thích gì thêm. Đến ngày 29/9/2003, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với chú Chấn về tội danh giết người. Khi nghe được thông tin chú ấy khởi tố về tội giết người cả tôi và gia đình vô cùng bất ngờ, mọi người đều không tin chú ấy lại là người máu lạnh, tanh lòng có gan làm điều đó. Vợ con chú ấy đều khẳng định, khoảng thời gian hung thủ ra tay sát hại chị Hoan, chú ấy có mặt ở nhà”.

Quanh năm gắn bó với đồng ruộng, chẳng mấy khi ra khỏi lũy tre làng trong khi các con còn nhỏ nay chồng thành hung thủ giết người nên bà Chiến đành thêm lần nữa bà sang nhờ bà Hải. “Nhờ mối quan hệ, tôi xin cho người nhà được gặp chú ấy trong trại tạm giam.

Qua song sắt vừa nhìn thấy vợ con, chú ấy đã khóc rồi bảo: “Mình ơi, tôi không giết cô Hoan, tôi bị ép cung bắt nhận tội. Xin mình và con hãy tin tôi”. Là người công tác trong ngành, đứng bên ngoài tôi thấy trạng thái tôi thấy trạng thái, cảm xúc mà chú Chấn biểu hiện, trực giác mách bảo tôi chú ấy không phải là kẻ thủ ác”, bà Hải nhớ lại.

Nhưng trong lòng bà Hải vẫn còn có gì đó mờ ám thì cơ quan chức năng không thể bắt và khởi tố. “Để làm sáng tỏ linh cảm của mình, tôi xin gặp chú Chẩn trong trại giam. Gặp tôi, chú ấy nhất mực khẳng định, không giết người. Để thử chú ấy, tôi gắt lên: “Chú không giết người thì người ta bắt chú làm gì? Đừng có chối cãi nữa, tự thú, thừa nhận tội ác chú sẽ được hưởng khoan hồng của pháp luật”. Tôi vừa nói xong, chú ấy quỳ đập đầu xuống đất tứa máu bảo: “Em không làm chuyện đấy, chị thà giết chết em còn hơn”.

Sau nhiều lần thử, bà Hải mới hoàn toàn tin rằng ông Chấn bị oan. Nhưng động lực chính khiến bà đã bỏ cả 10 năm trời đi minh oan cho ông Chấn là do lời căn dặn từ người mẹ của mình. “Từ lúc nghe chú Chấn bị bắt vì tội giết người, mẹ tôi đã lo lắng bất an đến ốm liệt giường.

Có lần tưởng như không qua khỏi, bà gọi hai chị em chúng tôi vào giường bảo: “Người già không nhìn nhầm người đâu con. Cái thằng cắt tiết con gà không chết ấy thì làm gì làm gì có gan cầm dao giết người được chứ. Thằng Chấn nó bị oan đấy, hai con hãy giúp nó”. Nghe những lời tâm sự của mẹ, hai chị em bà Hải xúc động đến ứa nước mắt. “Vậy là hơn 10 năm trời tôi cùng em trai tìm kiếm thu thập chứng cứ, vác đơn đi tất cả các cơ quan chức năng từ thấp tới cao để minh oan cho chú ấy. Đơn thư, tài liệu gửi đi có khi xếp hết mấy ô tô tải mà kết quả cũng không khả quan là mấy. Lúc ấy nhớ tới những lời căn dặn của mẹ tôi lại càng quyết tâm hơn. Hơn nữa tôi luôn tin vào sự công bằng nghiêm minh của pháp luật. Người phạm tội thì phải bị trừng trị thích đáng, người oan sai sẽ được trả lại công bằng”.

Hành trình 10 năm bao cay đắng

Thời gian đầu, để giúp bà Chiến kêu oan cho chồng, bà Hải tìm cách nhân chứng giúp ông Chấn có chứng cứ ngoại phạm nhưng tất cả đều vô vọng. Ngày 3/12/2003, cơ quan điều tra đã ra bản kết luận điều tra vụ án và chuyển hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người. Từ phiên tòa sơ thẩm đến phiên tòa phúc thẩm ông Chấn đều kêu oan nhưng tòa vẫn tuyên án tù chung thân. Dù án đã tuyên nhưng gia đình ông Chấn và bà Hải không tâm phục khẩu phục.

minh oan cho ong nguyen thanh chan

Ông Thân Văn Hoạt, vay mượn tiền và bán đất để lấy kinh phí đi minh oan cho em vợ. Ảnh: T.G

Trong trại tạm giam ông Chấn không ngừng viết đơn kêu oan, bên ngoài bà Hải cũng tìm đến các cơ quan năng trung ương, báo đài để chứng minh ông Chấn bị oan. Bà Hải cho biết: “Có rất nhiều tình tiết vô lý, chưa đủ căn cú, còn nhiều mâu thuẫn, cơ quan chức năng kết luận anh Chấn hung thủ là quá vội vàng. Thứ nhất, thời gian xảy ra sự việc thì chú Chấn đang ở cửa hàng và có nhân chứng. Thứ hai, cơ quan điều tra lại kết luận chú Chấn có dấu chân gần giống với dấu chân thu được tại hiện trường, ngoài ra không đưa ra được thêm tình tiết nào đáng chú ý”.

Vậy nhưng trong tám năm đầu bà Hải mang các bằng chứng kèm đơn thư đến các cơ quan có thẩm quyền nhưng tất cả đều chưa có kết quả. “Cứ mỗi lần hy vọng nhen nhóm lên lại vụt tắt. Có đúng một lần duy nhất vào năm 2005 có một cơ quan báo chí về điều tra phản ảnh sự viêc. Sau đó bên cơ quan chức năng có trả lời đơn thư chúng tôi nhưng kết quả thì vẫn vậy”, bà Hải nhớ lại những lần gõ cửa các cơ quan công quyền để minh oan cho ông Chấn. Tám năm đằng đẵng không có kết quả, vợ ông Chấn vì thế mà phát bệnh tâm thần, lúc tỉnh lúc mê phải vào bệnh viện điều trị liên tục. Nhưng bà Hải và ông Hoạt vẫn kiên nhẫn, thay mặt vợ ông Chấn đi tìm lẽ phải.

“Những lần đến các cơ quan nhờ vả xin xỏ dù bị nói gì thì hai chị em chúng tôi vẫn nhẫn nhịn, chỉ cần minh oan được cho chú ấy. Mười năm hay lâu hơn chúng tôi vẫn theo đến cùng”, bà Hải tâm sự.

Sau 8 năm kêu oan không có kết quả, lúc ấy bà Hải đã suy nghĩ rất nhiều. Bà Hải ngồi bàn lại với em trai, suy tính tìm ra nguyên nhân của vấn đề tại sao mình có nhân chứng, chứng cứ đầy đủ mà bao năm không có kết quả. “Là người trong ngành công an thật nhưng tôi công tác bên hậu cần nên không phải điều gì mình cũng am tường. Lúc đấy tôi bỏ ra mấy tháng nghiên cứu lại các vụ án oan sai từ trước tới nay. Sau đó tôi mang đơn, cùng tất cả các tài liệu gửi thẳng lên Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao. Nếu muốn chứng minh chú Chấn bị tù oan thì chỉ còn cách duy nhất là tìm ra hung thủ thật sự”, bà Hải nói. Nhưng để tìm ra hung thủ thật sự đâu có đơn giản, đặc biệt khi vụ án đã xảy ra 8 năm.

Nhưng bà Hải đã thử áp dụng nghiệp vụ trong ngành mà mình đã được học để tìm tên sát nhân thật sự. “Tôi rà soát lại toàn bộ những đối tượng tình nghi và theo dõi. Hôm 24/12/2012, có Chiến đang đứng trước cửa nhà thì thấy cụ Nguyễn Văn Hiền (75 tuổi) đi sang và bảo: “Chị Chiến ơi, anh Chấn oan quá! Hôm nay tôi buột miệng nói ra nhưng lâu quá rồi…”.

Sau đó ngày 18/5/2013, cụ Nguyễn Văn Hiền lại ra quán nhà bà Chiến và nói: “Sự việc này tôi khó nói vì thằng kia không nhận. Lâu quá rồi, lấy đâu chứng cứ”. Sau lần đó, chúng tôi tập chung xoáy vào những chi tiết mà ông Hiền đã “lỡ” nói ra, một cuộc điều tra nhanh chóng được sắp xếp. Trong quá tình điều tra, chúng tôi đã rơi nước mắt khi manh mối thực sự của vấn đề gần như được hé mở. Chúng tôi mừng rỡ khi anh trai của ông Hiền là ông Nguyễn Văn Khánh cho biết hung thủ thạt sự là Lý Nguyễn Chung, con riêng của con rể ông Hiền”, bà Hải xúc động nhớ lại.

Từ những thông tin bà Hải cung cấp, VKND Tối cao đã phối hợp với cơ quan chức năng triển khai các biện pháp điều tra, xác minh, vận động đối tượng ra tự thú. Ngày 25/10/2013, đối tượng Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Hoan để cướp tài sản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hiên – Khoát – Đạt (Đời sống & Hôn nhân)
Vụ án oan 10 năm ở Bắc Giang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN