Người Hà Nội rầm rập rời Thủ đô năm ấy

Sau đợt bom đầu tiên mở màn cao điểm 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc, khoảng 8h tối 18/12, loạt bom thứ hai đã nhằm vào xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh, HN).

Mặc dù đã đoán trước, nhưng người dân Uy Nỗ vẫn không khỏi thảng thốt khi chứng kiến mức độ công phá của các loại vũ khí tối tân. Hàng ngàn người của xã này ngay lập tức phải rời nhà cửa ngay trong đêm.

Người Hà Nội rầm rập rời Thủ đô năm ấy - 1

Phụ nữ và trẻ em đi sơ tán vào những ngày cuối tháng 12/1972 - Ảnh: tư liệu của NXB Kim Đồng

Chuyến sơ tán trong đêm

Ngay trong đêm đó, trong khi máy bay Mỹ vẫn tiếp tục oanh tạc, người dân Uy Nỗ đã lũ lượt kéo nhau đi sơ tán. Ai có xe bò, xe đạp thì chất cả gia đình lên, ai không có thì chạy bộ băng đồng sang các địa bàn lân cận.

Bà Nguyễn Thị Chút (73 tuổi) ở thôn Đản Dị, xã Uy Nỗ (Đông Anh) nhớ lại: “Đêm ấy một tay tôi bế thằng Đào Văn Đức (người con nhỏ nhất) phía trước ngực, đầu cúi gập xuống để che bom đạn cho nó, tay còn lại dắt đứa con kế chạy bổ về hướng Tráng Việt (Mê Linh). Bốn đứa con còn lại tán loạn nhập theo dòng người chạy đạn. Bị lạc mất bốn đứa con, hỏi thăm tôi mới biết chúng chạy về xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh) nhưng không thể đi đón được, đành nhắn người quen nhờ cho ăn uống, chăm sóc hộ”.

Từ tháng 6/1966, Nhà máy cơ khí Hà Nội đã di chuyển an toàn gần 1.500 tấn phương tiện, thiết bị đến 16 địa điểm, trại trẻ của nhà máy lên Hà Bắc; Nhà máy dệt 8/3 với hơn 7.000 công nhân đã phân tán ra nhiều địa điểm nhưng vẫn duy trì sản xuất liên tục. Các đơn vị sản xuất trọng điểm khác như Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Nhà máy gỗ Cầu Đuống, Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Xí nghiệp dược phẩm 1,2, Nhà máy in Tiến Bộ... Hàng chục nghìn công nhân viên chức cùng người thân được sơ tán ra khỏi nội thành.

Để duy trì sản xuất, Hà Nội cũng chuyển hướng công nghiệp sang thời chiến, với 17 xí nghiệp địa phương, gần 200 hợp tác xã thủ công và 128 tổ sản xuất được đưa ra khỏi thành phố. Mạng lưới thương nghiệp cũng được mở rộng ra ngoại thành và các tỉnh lân cận với gần 500 điểm bán hàng mới.

Nhưng điều bà Chút lo lắng nhất trong cái đêm “chạy giặc” đáng nhớ ấy là sự an nguy của chồng.

“Đêm ấy trời rét đậm nhưng người tôi ướt đẫm mồ hôi, vì vừa chạy vừa trông lên đầu thấy bom đạn đan nhau sáng rực một góc trời. Mà đâu chỉ một lần, cả đêm ấy có tới ba đợt máy bay ném bom quanh trụ sở ủy ban xã Uy Nỗ, nơi ông nhà tôi đang làm nhiệm vụ. Chừng được tin chồng bình an vô sự, tôi đã bật khóc cảm ơn trời” - bà Chút nhớ lại.

Chỉ riêng trong đêm 18/12 thôi, khoảng 4.000 dân trên địa bàn xã Uy Nỗ đã ra khỏi nhà. Cả trâu bò, lợn gà cũng được đưa đi hoặc cho xuống hầm trú ẩn.

“Đó là cuộc sơ tán vô tiền khoáng hậu. Uy Nỗ gần như trở thành xã trắng, chỉ còn lại trên dưới 100 người làm nhiệm vụ chiến đấu trong những căn hầm, giao thông hào. Nhờ vậy đã tránh được nguy cơ thiệt hại về người và của trong những đợt oanh kích tiếp sau đó” - ông Đào Văn Đạc (76 tuổi), nguyên phó chủ tịch kiêm trưởng Công an xã Uy Nỗ, hồi tưởng.

Nhà văn Tô Hoài, khi đó là cán bộ tổ dân phố, trực tiếp đốc thúc, tuyên truyền cho người dân đi sơ tán, nhớ lại: “Trong suốt gần chục năm Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, người Hà Nội có lẽ đã quen với bom đạn. Thế nhưng sau đêm 18-12 thì dù có quen với tiếng bom nổ đến bao nhiêu người Hà Nội cũng cảm thấy bất an. Vậy là ai nấy kéo nhau đi mà không phải vận động như trước nữa”.

Ông Nguyễn Văn Viễn (67 tuổi, ở phố Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm), một cư dân phố cổ chính cống, hồ hởi nhớ lại thời trai trẻ: “Phía bên kia Chợ Gạo là bến sông, bà con đi sơ tán nhiều lắm nhưng tôi thì không đi. Gồng gánh, tay xách nách mang hối hả vượt sông Hồng. Hồi ấy tôi được giao nhiệm vụ trực chiến. Nhưng nhiều người trong phố không có nhiệm vụ ở lại cũng chẳng đi sơ tán. Họ nói đâu đâu cũng có hầm, chết sao được. Những người nào đi rồi gửi chìa khóa nhà lại cho hàng xóm để trông hộ. Người ta cứ đi vài hôm lại về nhà để lấy thêm đồ đạc, gạo củi mắm muối. Nên dù là thành phố thời chiến nhưng không hề vắng bóng người. Nó vẫn là một thành phố sống với đủ mọi hoạt động ngày thường: sản xuất, sinh hoạt và các lực lượng tự vệ, tự quản, quân đội cùng phối hợp nhịp nhàng để bắn máy bay Mỹ”.

Người Hà Nội rầm rập rời Thủ đô năm ấy - 2

Sơ tán khỏi Hà Nội bằng tất cả phương tiện có được - Ảnh tư liệu

Đi để trở về

Để cuộc sơ tán được tiến hành nhanh chóng, Hà Nội đã huy động hàng trăm phương tiện, từ tàu điện, xe ca, xe tải, cả xe khách của các tỉnh lân cận về đậu sẵn ở các đầu phố đón người đi sơ tán không thu cước phí. Khắp nơi vang lên tiếng loa vận động, kêu gọi người dân tạm rời trung tâm Hà Nội để tránh thương vong.

“Xe ca đón ở đầu phố từ ngày 21/12 trở đi. Đây là những người đi theo tổ dân phố thôi chứ mọi nhà có quê thì về quê, hoặc đi theo cơ quan, chỉ còn những người nào không có cơ quan mới đi theo tổ dân phố. Ôtô lúc ấy thì ít, nhưng được huy động từ các tỉnh Hà Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phú... đều là xe chở khách cả. Từng đoàn xe rầm rập rời thành phố, hối hả nhưng vẫn bình thản, trật tự. Họ biết đi rồi sẽ trở về, bởi tin rằng chúng ta sẽ thắng” - nhà văn Tô Hoài nhớ lại.

Hướng đi, địa bàn sơ tán đối với dân cư ở từng khu phố đã được chính quyền sắp xếp, liên hệ sẵn, mọi người chỉ việc bước lên xe là đi, không cần phải mang theo nhiều tài sản. “Cán bộ bảo là đi tạm thôi, sẽ có tiếp tế, tiếp viện, có thương nghiệp đi theo phục vụ nên ai cũng an tâm” - ông Trần Văn Tâm ở khu Trung Tự (Q.Đống Đa) kể.

“Sau gần một đêm hết xuống rồi lên khỏi hầm trú ẩn theo còi báo động, báo an, khoảng 5g sáng hôm sau (19/12), tôi cột túi gạo, dưa cà, mắm muối vào hai bên ghiđông chiếc

xe đạp Thống Nhất, đặt con trai đầu 11 tuổi lên yên phía trước, thằng con kế lên yên sau, rồi tới bà vợ ngồi lên sau cùng, kẹp thằng bé ở giữa, cứ thế theo đường 6 mải miết đạp về Lương Sơn (Hòa Bình), quê vợ. Dọc đường đi lúc nào mệt thì dừng lại, trải tấm cao su cho cả nhà nằm nghỉ, lấy cơm nắm ăn rồi đi tiếp. Mọi người đi sơ tán ai cũng làm thế mà” - ông Lê Minh Sơn, nhà ở phố Hàng Cót, P.Hàng Mã, Q.Hoàn Kiếm, kể.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường (Hà Nội) cũng là thành viên trong đoàn người đi sơ tán ngày ấy. Ông kể: “Đầu năm 1972 Hà Nội đã rục rịch đi sơ tán rồi vì ta biết trước thể nào địch cũng đánh Hà Nội. Trường đại học Mỏ - địa chất, nơi tôi công tác, cũng đã sơ tán khỏi Hà Nội từ trước nên đến tháng 12/1972 tôi mang xe đạp về Hà Nội đón mẹ sang Gia Lâm sơ tán. Khi đi hai mẹ con chỉ mang theo một số đồ dùng và vật dụng cần thiết, còn tài sản gần như để lại hết. Đi sơ tán cả tháng nhưng khi về thì tất cả mọi thứ vẫn còn nguyên xi, chả suy suyển gì”.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng tâm sự trong ký ức của ông tuyệt nhiên không có sự sợ hãi, không có hoảng loạn cho dù bom có nổ ngay trên đầu. Nhiều người dân mà ông có dịp trò chuyện ngay trên đường đi sơ tán cũng tỏ ra bình thản đến lạ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tấn Đức - Hoàng Điệp (Tuổi Trẻ)
Hà Nội - Những tháng ngày sơ tán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN