Người Hà Nội ngộp thở vì khói rơm rạ
Khói rơm rạ cùng khí hậu nóng bức mấy ngày qua khiến người dân Hà Nội sống trong cảnh ngột ngạt, khó thở, đặc biệt vào chiều tối. Hiện tượng ô nhiễm “mùa vụ” này diễn ra nhiều năm nhưng vẫn chưa có lời giải.
Nhiều năm nay, cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, tại nhiều huyện ngoại thành Hà Nội, một lượng rơm rạ khổng lồ được nông dân đem đốt. Các huyện ngoại thành như Thạch Thất, Hoài Đức, Vân Đình… là điểm nóng về đốt rơm rạ trên đường phố mặc dù chính quyền thành phố đã có lệnh cấm.
Người nông dân thường tập kết và đốt rơm ngay trên quốc lộ
Việc đốt rơm đã gây ra những hậu quả khôn lường. Nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra do khói rơm làm khuất tầm nhìn. Cách đây 3 ngày, chị Nguyễn Thị Nga (Thường Tín, Hà Nội) đã bị bỏng nặng do lao cả xe vào đống rơm đang cháy.
Theo GS. TS Phạm Ngọc Đăng (Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội, nguyên Tổng thư kí Hội đồng Học hàm Nhà nước), khói bụi từ ô tô, xe máy hay rơm rạ… đều chứa các chất độc như CO, CO2, SO, SO2...
Chỉ cần hít thở phải 0,1% CO trong không khí sẽ dẫn tới thương tổn do giảm oxy trong máu
"Tuy nhiên không nên xử phạt để ngăn chặn đốt rơm rạ, mà phải tìm cách biến nó thành nguồn tài nguyên khác." - GS Đăng nói.
Khói rơm rạ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Nó gây hại cho hệ hô hấp, gây ra bệnh viêm xoang, viêm phổi... Mặc dù vậy, đến nay, chưa có cơ quan khoa học nào đầu tư đo đạc, nghiên cứu số liệu cụ thể vì cho rằng khói rơm rạ không nguy hại với môi trường như khí ống xả ô tô, xe máy, hay khói bụi đường phố. |
Còn GS.TS Nguyễn Đình Hòe (Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) cho rằng, khi rơm rạ không cháy hết, sẽ tạo nhiều oxit cacbon (CO) chứ không phải cacbonic (CO2). Khi hít phải, loại khí này sẽ làm ngăn cản sự vận chuyển oxi trong máu. Người nông dân đốt rơm rạ nhiều, sẽ hít phải loại khói này và có sắc mặt xanh. Oxit cacbon đặc biệt độc với phụ nữ mang thai.
"Người trực tiếp đốt không chịu nhiều ảnh hưởng bằng người ở xa phía cuối gió." - TS. Hòe tiết lộ.
Theo ông Hòe, nếu chỉ cảnh báo tác hại nói trên để ngăn chặn đốt rơm rạ là không hiệu quả. Bởi với nông dân, việc đó vẫn có lợi nhất định cho họ. Đốt là cách rẻ nhất để xử lý rơm rạ, ngăn chặn sâu bệnh phát triển vào mùa sau.
Vị tiến sỹ này chia sẻ: "Cần chỉ ra cho người nông dân thấy rằng, rơm rạ có thể tạo ra tiền!"
"Cần chỉ ra cho người nông dân thấy rằng, rơm rạ có thể tạo ra tiền!" - GS.TS Nguyễn Đình Hòe
Ông Hòe cho biết chỉ ở một vài vùng như Đồng bằng sông Cửu Long, người ta mua rơm rạ với giá cao để đan giỏ, làm đồ thủ công hay trồng nấm. Còn hầu hết vẫn để lãng phí. Từ đó, nhà khoa học này cho rằng, kinh nghiệm của nông dân trong miền Nam cần được phổ biến và nhân rộng ra Bắc để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
TS Hòe nhấn mạnh, cần phân biệt rõ khói rơm rạ với hiện tượng mù quang hóa. Khói rơm rạ chỉ có thể bay xa khi có gió, kèm theo đó là các hạt cacbon vụn. Khi có khói và mưa, có thể đo nồng độ PH. Nếu độ PH < 5,5 là khói mù quang hóa. Độ PH trong khói rơm rạ lớn hơn số này.
"Một nhận biết nữa, nếu lá non bị cháy sém, đó là do khói mù quang hóa. Khói rơm rạ không gây ra hiện tượng như thế." - TS Hòe nói.
Theo Tiến sỹ sinh học Lê Văn Tri (chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về công nghệ phân hủy rơm rạ), loại phế phẩm từ cây lúa này có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như làm thức ăn trâu bò, trồng nấm, sản xuất cồn sinh học (Ethanol)... Ngoài ra, rơm rạ còn có thể sử dụng làm phân bón hữu cơ, cải tạo độ tơi xốp của đất, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng… TS. Tri cho biết, ông đã từng nghiên cứu ra một loại “chế phẩm hương liệu men sinh học tổng hợp” nhằm phân hủy rơm rạ thành phân hữu cơ với giá thành rất rẻ. Nhiều nơi như Thanh Hóa, Hải Dương... đã sử dụng loại chế phẩm này, nhưng nông dân tại chính Hà Nội thì lại chưa biết đến. Bởi vậy, toàn thành phố Hà Nội mỗi vụ thu hoạch lúa thải ra khoảng 1,2 triệu tấn rơm rạ. Trong đó, lượng rơm bị đốt khoảng 80%. Số rơm này khi bị đốt cháy sẽ tạo ra các loại khí trong đó có CO2, CH4, N2O... rất độc hại. |
Chùm ảnh: Hà Nội lại bị "hun khói":
Người nông dân đốt rơm rạ để làm phân bón.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thì khi đốt rơm ở nhiệt độ cao các chất hữu cơ sẽ biến thành vô cơ, gây hại cho đồng ruộng.
Người nông dân thường tập kết và đốt rơm ngay trên quốc lộ từ 3h đến 5h chiều- đó cũng là thời điểm lưu lượng giao thông cao nhất trong ngày.
Các cư dân lân cận cũng phải thường xuyên sử dụng khăn bịt mặt để tránh khói, bụi.
Khói từ rơm rạ che kín tầm nhìn của người tham gia giao thông, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông là vô cùng lớn.
Người dân địa phương cho biết cách đây vài năm một chiếc máy bay đã không thể hạ cánh được do lượng bụi và khói do rơm rạ quá dày đặc. Cảnh sát địa phương đã phải vào cuộc nhằm giải cứu chiếc máy bay kể trên.
Khói không thể bốc lên cao do đêm xuống gây hại lớn đến sức khỏe cộng đồng của các cư dân và những người tham gia lưu thông trong khu vực đốt rơm rạ.