“Người Hà Nội giờ đã ít nói tục hơn xưa”

“Hiện nay vẫn còn nhiều người nói tục chửi bậy ở những không gian khác nhau nhưng nói là phổ biến ở Thủ đô thì tôi không tin”, Nhà nghiên cứu Văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ.

Hà Nội đang khảo sát hành vi ứng xử, giao tiếp nơi công cộng, trong đó có nói tục. Sau khi có kết quả, Hà Nội sẽ xin ý kiến các cơ quan chức năng, nhà khoa học, đoàn thể, nhân dân để xem xét áp dụng quy định nhằm hạn chế hành vi tiêu cực nơi công cộng.
Nhân dịp này, phóng viên có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu Văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ (ĐH KHXH&NV – ĐHQGHN) – người sống ở Hà Nội đến nay 42 năm xung quanh vấn đề này.

Là người sống hơn 40 năm ở Thủ đô, ông có nhận xét gì về hành vi ứng xử, giao tiếp nơi công cộng tại Hà Nội hiện nay?

Tôi đã sống ở Hà Nội 42 năm và thấy sau chiến tranh chống Mỹ đến 1990 là thời kì khủng khiếp nhất về văn hoá ứng xử. Bến xe, bến tàu, chợ búa, hàng quán... các kiểu nói tục, chửi bậy, giành giật, ăn cắp vặt... hết sức phổ biến. Nay đã đỡ nhiều.

Hiện nay, đáng lo ngại nhất lại là mức độ tăng nặng của hành vi bạo lực trong xã hội, ở môi trường học đường và ở lứa tuổi vị thành niên còn trong môi trường sinh viên có xu hướng giảm hẳn.

“Người Hà Nội giờ đã ít nói tục hơn xưa” - 1

 Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ.

Nếu muốn chứng kiến ứng xử, giao tiếp tiêu cực như trước kia, tôi phải ra các phố huyện, các vùng ngoại thành đang đô thị hoá mạnh mẽ, ven các trục giao thông vào thành phố, chứ không phải vùng nội thành Hà Nội.
Là người tìm hiểu nhiều trong cuộc sống, tôi thấy điều đáng lo là ở các không gian ngoại vi bắt đầu đô thị hoá.

Có ý kiến cho rằng, không khó để thấy những hành động xấu, những cách ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng, thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng đã tới mức phổ biến, ông nghĩ sao?

Đúng là vẫn còn nhiều tình trạng nói tục chửi bậy ở nhiều không gian khác nhau nhưng nói là phổ biến ở Thủ đô thì tôi không tin. Nó giảm đi rất nhiều rồi so với cái thời hậu chiến khốn khó.

Nhà ga, hè phố vắng bóng con phe, kí túc xá vắng bóng dần các quán rượu, các khu ổ chuột mọc lên nhiều nhưng người ta lo làm ăn và mệt mỏi đến không thèm chửi tục nữa.

Các tụ điểm ăn chơi cũng không còn quá xập xệ để ai đó văng tục thì cả khu đều nghe. Còn những người hay chửi bậy vẫn còn nhưng cũng ít dần đi.

Vì sao người ta có thể vô tư nói tục chửi bậy nơi công cộng?

Việc xã hội vẫn có những người hay chửi bậy thì nó cũng là bình thường thôi. Không thể bắt ai cũng giống ai đồng loạt được. Người ta bức xúc không giải quyết được thì người ta văng ra cho bõ..

Nhưng có những người nói tục thành “câu cửa miệng”, hoặc đệm từ tục trước câu nói, thậm chí Hà Nội có những quán “bún mắng, cháo chửi” thì đâu phải vì bức xúc, thưa ông?

Cái bức xúc của họ không chỉ do ngay lúc đó mà họ nói bậy, mà do bức xúc, bế tắc trong quá khứ, trong cả cuộc sống nên “câu đệm” tục văng ra lâu ngày thành thói quen. Những câu văng tục có thể do thói quen ngôn ngữ nên nhiều người nói ta một cách bộc phát chứ không nhất thiết để bày tỏ thái độ.

Cách nói có “từ đệm” tục trước mỗi câu nói như vậy không chỉ ở Hà Nội là hầu như những nơi tôi đi qua trên cả nước cũng đều thấy cả.

Lại nói đến chuyện “bún mắng, cháo chửi”. Cả Hà Nội có 2 nhà như vậy, rất thiểu số trong số nhiều triệu người ở đây nhưng nhiều người lại nghĩ rằng cả Hà Nội này có văn hóa bán hàng kiểu “mắng chửi” như vậy.

Tôi thấy họ chia sẻ trên báo chí, đó chỉ là cách nói, thói quen chứ bản thân họ không có ý gì. Cũng có thể, đây là cách làm ăn riêng 2 quán đó, chứ không phải văn hóa bán hàng của người Hà Nội.

Lâu nay, người Hà Nội vốn nổi tiếng ăn nói nhã nhặn, thanh lịch nhưng nay lại phải đối phó với nói tục, điều này làm ông có suy nghĩ gì? Phải chăng nét thanh lịch của người Hà Nội đang bị phôi phai?

Với những trải nghiệm trên, tôi cho rằng, việc đối phó với nạn nói tục là mong muốn văn minh hơn nữa, thanh lịch hơn nữa vì việc phấn đấu cho một Thủ đô văn minh lịch sự không bao giờ muộn và không bao giờ thừa.

Để đối phó với nạn chửi tục và xây dựng nơi công cộng thanh lịch, văn minh, thân ái... hiện nay Hà Nội đang xây dựng quy tắc ứng xử nơi công cộng để tuyên truyền (không có quy định phạt), ông có nhận xét gì về giải pháp này?

Qui tắc thì không nhất thiết đi kèm chế tài. Có những vấn đề phong cách, đạo đức, lối nói, hành vi... không thể dùng chế tài được mà nó là quá trình chỉnh sửa, định hướng, khẳng định cái tốt để giảm dần cái tiêu cực.

Các quy tắc đưa ra đều cần thiết cả, nhưng cũng chỉ đạt mục đích nhắc nhở, ghi nhớ giúp người ta sửa mình hơn.

Theo ông, làm sao để ngăn chặn hành vi xấu, nói tục chửi bậy nơi công cộng của Thủ đô?

Việc đưa ra các qui tắc ứng xử nơi công cộng như trên là cần thiết. Nhưng cần thiết hơn là xây dựng được môi trường, hạ tầng dân sinh tốt, cơ sở xã hội tốt.

Trước ga Hàng Cỏ không còn phe vé, bến xe không còn giành khách, vỉa hè không còn bị chiếm dụng, sân bóng cỏ nhân tạo khang trang, chợ giời không nhộn nhạo, phố phường ngăn nắp, ô tô buýt sang trọng, mua gì không còn cảnh xếp hàng chen ngang... thì sẽ đỡ hẳn văng tục chửi bậy.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN