Người Hà Nội “bịt mũi” sống cùng con mương “chết”
Hàng trăm hộ dân ở phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) hằng ngày phải sống và hít thở trong bầu không khí nặng mùi xú uế do mương nước gần đây đang bị ô nhiễm trầm trọng.
Mương Thụy Khuê (đoạn từ dốc La Pho đến cống Đõ, quận Tây Hồ, Hà Nội) đang bị ô nhiễm trầm trọng.
Mương thoát nước Thụy Khuê dài khoảng 3km (kéo dài từ dốc La Pho đến cống Đõ, quận Tây Hồ, Hà Nội). Đây là một nhánh của sông Tô Lịch và là đường thoát nước chính của 2 quận Ba Đình và Tây Hồ.
Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, con mương này đã bị ô nhiễm trầm trọng. Nước dưới lòng mương đen kịt, rác phủ kín mặt nước… và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Hai bên bờ mương cũng không được kè bờ chắc chắn và đang có dấu hiệu sạt lở, lấn chiếm. Nhiều người quen gọi nó là con mương “chết”.
Chỉ tay về phía lòng mương đầy rác thải, bà Nguyễn Thị Thu (tổ dân phố số 11, phường Thụy Khuê) nói: “Chúng tôi ở đây mấy chục năm nay rồi, hằng ngày phải ngửi mùi hôi thối từ mương bốc lên. Ruồi muỗi bay vào kín cả nhà. Càng ngày mức ô nhiễm càng nặng, nhiều hôm ngồi trong nhà đóng kín cửa mà tôi vẫn phải bịt mũi”.
Nước dưới mương có màu đen kịt và bốc mùi xú uế nồng nặc.
Bà Thu cho biết thêm, ngày nắng thì nước bốc hơi đưa mùi hôi thối xộc vào tận mũi. Những hôm mưa to, nước bẩn dềnh lên đầy mặt đường, kéo theo nhiều rác thải tràn cả vào nhà dân. Ngay đến nhà văn hoá của phường nằm kế bên con mương cũng phải kê đồ đạc lên cao để đề phòng nước tràn vào.
Được biết, cuối năm 2012, dự án “Cải thiện môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê” đã được khởi công do UBND quận Tây Hồ làm chủ đầu tư, đơn vị thực hiện dự án là Trung tâm Phát triển quỹ đất và quản lý duy tu hạ tầng đô thị quận Tây Hồ.
Mặt nước phủ kín rác thải do người dân ném xuống.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và quản lý duy tu hạ tầng quận Tây Hồ cho biết, lúc đầu, đơn vị này nhận nhiệm vụ thi công dự án cải tạo mương Thụy Khuê nhưng sau đó đã bàn giao lại cho Ban Quản lý Thoát nước Hà Nội từ tháng 9.2015.
Đại diện Ban Quản lý Thoát nước Hà Nội thì cho biết, dự án gặp khó khăn về vấn đề giải phóng mặt bằng nên không thể thi công tiếp tục.
Trong khi dự án cải tạo mương Thụy Khuê chưa hoàn thành, hàng trăm hộ dân ở đây hằng ngày vẫn phải sống cùng dòng mương đen kịt và ngửi mùi xú uế nồng nặc.
Dự án “Cải thiện môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê” với nhiệm vụ cống hoá mương Thụy Khuê bằng hệ thống cống hộp 2 làn, mặt đường rộng trên 5m, có vỉa hè 2 bên, hệ thống cấp nước, chiếu sáng trên mặt cống. Dự án khởi công từ cuối tháng 12.2012 với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 273,5 tỷ đồng và sẽ hoàn thành sau 17 tháng thi công. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn “án binh bất động” khiến người dân nơi đây phải sống trong bầu không khí ô nhiễm trầm trọng. |
Đủ các thứ rác nổi khiến mặt nước không còn khoảng trống.
Rác phủ kín miệng cống đoạn gần chợ Tam Đa khiến dòng chảy bị tắc nghẽn.
Công ty vệ sinh môi trường đã cho gắn biển nhắc nhở người dân nhưng tình trạng xả rác xuống lòng mương vẫn diễn ra rất phổ biến.
Hằng ngày, các công nhân vệ sinh môi trường phải dọn dẹp rác trên mặt nước.
Không chỉ dọn rác, các công nhân môi trường cũng phải thường xuyên nạo vét lòng mương để khơi thông dòng chảy.
Nguyên nhân của việc ô nhiễm là do ý thức của người dân còn kém, thường xuyên xả rác ra lòng mương. Những chợ cóc, cửa hàng chế biến thực phẩm cũng thường xuyên xả thải trực tiếp xuống mương khiến nó ô nhiễm trầm trọng.
Hầu hết, các hộ dân sống cạnh mương đều không lắp bể phốt, nước thải sinh hoạt xả thẳng xuống mương khiến nó bốc mùi xú uế nồng nặc.
Môi trường ô nhiễm khiến ruồi, muỗi phát triển. Nhiều gia đình phải dùng lưới căng trước cửa nhà để chống ruồi, muỗi.
Trường Tiểu học Chu Văn An mượn tầng 1 của Nhà văn hóa Thụy Khuê làm lớp học. Hằng ngày, các em phải học và vui chơi bên dòng mương bẩn và sặc mùi hôi thối.
Dự án “Cải thiện môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê” vẫn đang “án binh bất động” vì gặp khó khăn vấn đề giải phóng mặt bằng.
Trong khi chờ dự án hoàn thành, người dân nơi đây vẫn hàng ngày phải sống chung với con mương “chết” và hít thở bầu không khí ô nhiễm.