Người giữ “bí kíp” làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội

“Trước tiên phải xé giấy thật nhỏ, sau đó, lót một lớp giấy trắng vào khuôn xi măng đúc sẵn. Lớp trước được dán chồng lên lớp sau, kết dính bằng một loại hồ đun chín từ bột sắn. Khoảng 5, 6 lớp giấy vụn sẽ làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi…”, ông Hòa chia sẻ kinh nghiệm làm mặt nạ giấy bồi truyền thống.

Mặt nạ giấy bồi là một thứ đồ chơi Trung thu lâu năm của người Hà Nội. Trước đây, mỗi dịp Trung thu, món đồ chơi này rất phổ biến và thu hút trẻ em Thủ đô. Tuy nhiên đến nay, không còn mấy người gắn bó với nghề này.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa (62 tuổi) và bà Đặng Hương Lan (57 tuổi) ở phố Hàng Than (quận Ba Đình) là một trong những gia đình nghệ nhân cuối cùng còn gắn bó và giữ được “bí kíp” làm nghề mặt nạ giấy bồi truyền thống. Những ngày trung thu cận kề, 2 ông bà đang miệt mài sản xuất những chiếc mặt nạ để giao cho khách.

Người giữ “bí kíp” làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội - 1

Hai vợ chồng ông Hòa và bà Lan miệt mài làm mặt nạ giấy bồi để bán ra đợt tết Trung thu này.

Ông Hòa cho biết, nghề làm mặt nạ giấy bồi là nghề truyền thống của gia đình vợ. Gia đình bà Lan có 7 anh chị em nhưng không có ai theo nghề của các cụ. Năm 1979, khi 2 ông bà lấy nhau, bố vợ đã truyền nghề cho ông.

Theo ông Hòa, để làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi truyền thống phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ. Đầu tiên phải xé giấy báo thật nhỏ. Sau đó, lót một lớp giấy trắng vào khuôn xi măng đúc sẵn các khuôn mặt rồi bắt đầu dán. Khoảng 5, 6 lớp giấy vụn dán chồng lên nhau sẽ thành hình một chiếc mặt nạ giấy bồi. Mỗi lớp giấy được kết dính với nhau bằng một loại hồ đun chín từ bột sắn.

Những chiếc khuôn làm bằng xi măng do chính tay ông Hòa làm lên với những hình khuôn mặt truyền thống như Chí Phèo, Thị Nở, chú Tễu, trâu, lợn… Năm nay, ông Hòa còn sáng tạo thêm khuôn hình các nhân vật truyện tranh nước ngoài như Batman, Người nhện… để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Những chiếc mặt nạ sau khi dán xong sẽ được phơi khô. Theo ông Hòa, mặt nạ phải phơi khô tự nhiên mới giữ được hình dáng ban đầu. Nếu dùng máy sấy khô, mặt nạ sẽ bị biến dạng, cong vênh, khó đeo. Vì thế, chỉ những ngày nắng, ông bà mới sản xuất còn ngày mưa thì tạm nghỉ.

Tô màu là một trong những khâu quan trọng nhất bởi nó sẽ quyết định phần “hồn” của chiếc mặt nạ. “Mỗi lần tô chỉ được tô một màu. Màu này khô thì tô tiếp màu mới. Mặt nạ nhiều màu thì phải tô nhiều lần để đảm bảo màu sắc luôn được đẹp, không bị lấm lem”, bà Lan chia sẻ.

Năm nay, vợ chồng ông Hòa, bà Lan đã xuất bán được hơn 2.000 chiếc mặt nạ các loại. Giá bán dao động từ 25.000 – 35.000 đồng/chiếc, tùy vào từng loại và kích cỡ, màu sắc.

Đã có lúc tưởng chừng phải bỏ nghề vì sự xâm lấn của đồ chơi Trung Quốc nhưng bằng lòng say mê, 2 ông bà vẫn bám trụ lấy nghề. Điều mà ông Hòa, bà Lan băn khoăn nhất hiện nay đó chính là nguy cơ mai một của nghề vì hai ông bà đã là những người thợ cuối cùng làm nghề ở Hà Nội. Ngay cả những người con của ông bà hiện nay cũng không theo nghề của bố mẹ.

Bà Lan trầm ngâm: “Nghề này tuy không vất vả nhưng mang tính thời vụ nên thu nhập không cao. Chúng tôi cũng chỉ biết ngày nào còn sức thì ngày đó còn theo nghề. Mong rằng sẽ có ai đó yêu thích và lưu giữ lấy nghề này để mỗi dịp trung thu đến, mọi người vẫn nhìn thấy mặt nạ giấy bồi truyền thống”.

Người giữ “bí kíp” làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội - 2

Học nghề từ bố vợ, đến nay, ông Hòa đã có 36 năm gắn bó với nghề làm mặt nạ giấy bồi.

Người giữ “bí kíp” làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội - 3

 Ông Hòa là người làm khuôn, dán giấy để tạo ra những chiếc mặt nạ giấy bồi.

Người giữ “bí kíp” làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội - 4

Bà Lan là người “thổi hồn” vào những chiếc mặt nạ ấy qua những nét vẽ.

Người giữ “bí kíp” làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội - 5

“Mỗi lần chỉ được tô một màu, sau đó phơi khô mới tô màu tiếp theo”, bà Lan chia sẻ.

Người giữ “bí kíp” làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội - 6

 Những chiếc mặt nạ sau khi tô vẽ xong trở nên sinh động và bắt mắt hơn.

Người giữ “bí kíp” làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội - 7

Hiện gia đình ông Hòa, bà Lan đã bán được hơn 2.000 chiếc mặt nạ với giá dao động từ 25.000 – 35.000 đồng/chiếc.

Người giữ “bí kíp” làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội - 8

Ngoài những mặt nạ truyền thống hình Chí Phèo, Thị Nở, chú Tễu… năm nay, ông Hòa còn sản xuất thêm những chiếc mặt nạ hình siêu nhân như Batman, Người nhện… để phục vụ khách hàng.

Người giữ “bí kíp” làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội - 9

 Những chiếc khuôn âm bản do chính tay ông Hòa tạo hình và đổ từ xi măng. Hiện ông đang có 21 chiếc khuôn với 21 hình dạng khuôn mặt khác nhau.

Người giữ “bí kíp” làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội - 10

 Mặt nạ phải được phơi khô tự nhiên, nếu dùng máy sấy khô sẽ làm biến đổi hình dạng ban đầu. Vì thế, ngày nắng thì ông bà sản xuất còn mưa thì nghỉ.

Người giữ “bí kíp” làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội - 11

11. Gần đến Trung thu, khách hàng tìm đến với mặt nạ giấy bồi của ông bà cũng đông hơn.

Người giữ “bí kíp” làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội - 12

Những đơn đặt hàng với số lượng lớn khiến ông bà vừa mừng vừa lo.  “Mừng vì có khách hàng tin dùng nhưng lo vì sợ thời tiết không thuận lợi nên không kịp giao hàng cho khách đúng hẹn”, bà Lan chia sẻ.

Người giữ “bí kíp” làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội - 13

Những chiếc mặt nạ giấy bồi là món đồ chơi không thể thiếu của trẻ em Hà Nội mỗi dịp Trung thu. Tuy nhiên, nó đang đứng trước nguy cơ mai một do không còn nhiều người mặn mà với nghề này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN