Người giàu nhất nước Nga hiến tài sản “cứu” nền kinh tế
Tỷ phú Alisher Usmanov - người giàu nhất nước Nga vừa quyết định chuyển quyền quản lý hai công ty lớn thuộc sở hữu của tập đoàn USM Holdings cho chính phủ, theo lời kêu gọi của Tổng thống Vladimir Putin nhằm "cứu" nền kinh tế Nga.
Cụ thể, tập đoàn USM Holdings thuộc sở hữu của tỷ phú Nga đã chuyển cổ phiếu của công ty Megafon và Metalloinvest cho công ty nhà nước do Moscow nắm quyền kiểm soát Telekom Holding và USM Metalloinvest. Megafon là công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn thứ hai ở Nga với hơn 71 triệu khách hàng trong khi Metalloinvest là công ty khai thác quặng lớn nhất nước này, theo Forbes.
Hiện khâu chuyển giao đã được hoàn tất.
Tuyên bố cũng cho hay, động thái trên được thực hiện theo các chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tập đoàn USM Holdings được thành lập vào năm 2012 nhằm giúp tỷ phú Usmanov gộp các công ty mà ông sở hữu về một mối, bao gồm Mail.Ru Group; tập đoàn truyền thông UTV (sở hữu các kênh Disney, Muz-TV và U của Nga); nhà xuất bản Kommersant; công ty Megafon và Metalloinvest.
Động thái hiến tài sản cho chính phủ của tỷ phú Usmanov diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang lao đao, đồng Rúp của nước này đã mất giá khoảng 45% so với đồng USD từ đầu năm đến nay - hậu quả đến từ các biện pháp trừng phạt hà khắc của phương Tây nhắm vào Nga do vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cho hay, các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể sẽ được duy trì “trong một thời gian rất dài”, và Nga đã không thể thực hiện các cải cách về cơ cấu thành công. Ông Ulyukayev thừa nhận, Nga đang ở trong một “cơn bão hoàn hảo”.
Tuy nhiên, tại một cuộc báo chí thường niên diễn ra hôm 18.12 ở thủ đô Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng, nền kinh tế Nga sẽ hồi phục và đồng Rúp sẽ ổn định chậm nhất là sau 2 năm.
"Tình hình kinh tế có thể cải thiện trong 2 năm. Chính phủ và Ngân hàng trung ương đang hành động “một cách chính xác và phù hợp”. Có lẽ họ đã phải hành động nhanh hơn "nửa bước", ông chủ điện Kremlin nhấn mạnh.
Tổng thống Putin cho rằng, tình trạng khủng hoảng kinh tế Nga có thể kéo dài nhiều nhất là 2 năm.
Theo ông Putin, tình hình kinh tế hiện nay của Nga là do các yếu tố bên ngoài tác động, song nền kinh tế nước này có thể phục hồi nhanh hơn nếu các yếu tố bên ngoài biến đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
Ông nhấn mạnh tuy có một số hành động hơi chậm trễ, song Chính phủ Nga và Ngân hàng Trung ương nước này nhìn chung đang hành động đúng hướng nhằm xử lý những khó khăn kinh tế hiện nay.
Tổng thống Putin cũng khẳng định Nga có đủ dự trữ ngoại tệ để giữ ổn định nền kinh tế, song khuyến cáo Ngân hàng Trung ương không nên "đốt" nguồn dự trữ ngoại tệ, hiện ở mức 419 tỷ USD, một cách tùy tiện.
Nhà lãnh đạo Nga dẫn số liệu thống kê cho biết, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 10 tháng đầu năm nay đạt 0,6-0,7%, đồng thời khẳng định bất chấp việc các thị trường tài chính đang bị hỗn loạn, song tổng thu của Nga sẽ cao hơn mức chi tiêu.
Trong một động thái liên quan, ngày 20.11, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng kêu gọi các cơ quan an ninh nước này nâng cao năng lực để đối phó với “những thách thức và đe dọa hiện nay trong trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây đang căng thẳng liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Nhà lãnh đạo nước Nga nhấn mạnh rằng những mối đe dọa và thách thức hiện nay, cùng những yếu tố gây bất ổn mới nổi lên đòi hỏi cần phải nâng cao năng lực của toàn hệ thống các cơ quan an ninh trong nước.
Ông cho biết những nhiệm vụ chính của các đặc vụ Nga là phải chiến đấu chống lại “mọi âm mưu của các cơ quan mật vụ nước ngoài nhằm phá hoại các lợi ích chính trị và kinh tế của Nga".