Người gần 40 năm gom xác chết

“Gần 40 năm nay tôi đi gom xác người chết để mai táng, có thể coi đó là một nghề - nghề làm việc cõi âm”, đó là chia sẻ của ông Nhâm Văn Ý ở Tam Điệp - Ninh Bình. Với nghề, người ta làm vì miếng cơm manh áo, nhưng với ông Ý, đó là vì tấm lòng thiện nguyện.

Từng là nghệ sỹ

Khắp thị xã Tam Điệp - Ninh Bình, ai cũng biết ông Nhâm Văn Ý với tấm lòng thiện nguyện, luôn tận tâm giúp đỡ những người gặp nạn, sa cơ lỡ vận, sẵn sàng gom xác người chết để mai táng như người thân trong nhà.

Thực ra, ông Ý không phải là họ Nhâm, càng không phải tên Ý. Ông tên thật là Nguyễn Văn Diễn, sinh năm 1947, quê Thái Bình. Thuở nhỏ, bố mẹ ông bị giặc Pháp giết trong một trận càn lớn.

May mắn thay, cậu bé Diễn mồ côi được một gia đình họ Nhâm nhận nuôi, cho ăn học đàng hoàng. Và từ đó, cậu bé Nguyễn Văn Diễn đổi hẳn tên họ thành Nhâm Văn Ý. Sau này, ông Ý có phục vụ trong đoàn chèo Thái Bình.

Người gần 40 năm gom xác chết - 1

Ông Ý bị mảnh pháo bắn vào đầu thời kỳ chiến tranh

Trong thời gian phục vụ tại đoàn chèo Thái Bình, nghệ sỹ Nhâm Văn Ý có khá nhiều đóng góp trong hoạt động diễn xuất. Chính vì thế, dù đã gần 40 năm không còn diễn chèo nhưng ông Ý vẫn còn nhớ như in những vở diễn truyền kỳ như: Bài ca giữ nước; Đồng tiền vạn lịch; Hoàng Trìu kén vợ…

Từ bỏ con đường diễn xuất, Nhâm Văn Ý lên đường nhập ngũ và chiến đấu trong một thời gian dài cho đến khi ông bị một vết thương khá nặng ở đầu do trúng pháo của địch. Ông phục viên năm 1978, bắt đầu cuộc sống mưu sinh mới với nhiều gian khổ.

Gần 40 năm gom xác

Thực ra, trước năm 1978, tức là thời kỳ ông Ý trong quân ngũ đã là thời gian dài mà người lính kiên cường làm công tác “gom xác” đồng đội. “Sau mỗi trận đánh, tôi và một số đồng đội được phân công đi gom tử thi về mai táng. Khoảng thời gian trong quân đội, giữa những khốc liệt của bom đạn chiến tranh, sự sống và cái chết chỉ trong chớp mắt. Khi những đồng đội đã nằm xuống thì mình phải chu toàn cho thân xác họ được an lòng”, ông Ý cho hay.

Chính khoảng thời gian “gom xác” đồng đội đã khiến ông Ý không quản ngại bất cứ khó khăn nào khi “lập nghiệp” ở Tam Điệp - Ninh Bình. Khu nhà ông nằm cách đường 1 không xa nên khi có tai nạn giao thông mà nạn nhân bị tử vong, cơ quan chức năng đều nhờ ông Ý “gom xác” nạn nhân trong lúc chờ người nhà đến nhận.

Người gần 40 năm gom xác chết - 2

Lên xe sau khi nghe thông tin có nạn nhân tử vong

Một vài lần như thế rồi thành quen. Hễ có thông tin phát hiện thi thể người chết dù ở bất cứ đâu, người ta lại gọi cho ông Ý. Có khi, đang ăn cơm tối với gia đình, ông cũng đành bỏ dở chạy đi “gom xác”. Có những ngày, không phải một thi thể mà vài ba thi thể được phát hiện cũng do một tay ông Ý gom nhặt, khâm liệm, chôn cất.

Thậm chí, những nạn nhân chết trôi sông sau khi được phát hiện, cơ quan chức năng cũng gọi ông Nhâm Văn Ý đến vớt xác. Đối với những nạn nhân chết đuối, một mình ông Ý không đủ sức làm việc nên phải gọi “đồng nghiệp”, là những người làm công tác an toàn giao thông tại thị trấn Tam Điệp.

Có những vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra, hàng chục nạn nhân tử vong bên lề đường, dưới chân ruộng hay dưới gầm ô tô… ông Ý lại hì hụi gom nhặt từng tử thi, tắm rửa cho họ, rồi thắp hương, đắp chiếu. Thậm chí, có những lần ông Ý phải nằm coi hàng chục tử thi trong lúc người nhà nạn nhân chưa đến nhận xác.

Những vụ tai nạn đường bộ đã vậy, tai nạn đường sắt còn kinh hoàng gấp nhiều lần. Những người “gom xác” như ông Ý phải thật bạo gan, thần kinh thép, kiên trì, tỉ mỉ gom nhặt từng mảnh thi thể nạn nhân sao cho đầy đủ (để linh hồn nhanh được siêu thoát).

Thậm chí, có những ngày, ông phải tỉ mỉ khâu xác nạn nhân cho hoàn thiện, tắm rửa thi thể, nhập quan rồi ngồi chờ người nhà đến nhận xác. Nhưng cũng có khi, chờ đến mấy ngày liền chẳng thấy ai đến nhận, ông Ý lại đành chở quan tài đến khu nghĩa trang cách đó vài ba cây số để chôn cất.

Mới đây, một vụ tai nạn đường sắt tại khu cầu Do, lối vào trường Cơ giới Ninh Bình khiến một nạn nhân bị tàu cán đứt đôi người. Mọi người kinh hãi khi thấy cảnh tượng trên, cơ quan công an nhờ ông Ý đến hiện trường gom nhặt và khâu thi thể nạn nhân cho hoàn thiện. Ông Ý nhẩm tính, trong gần 40 năm nghề, ông đã gom tổng cộng gần 5.000 tử thi ở khắp nơi.

“Nếu tham, tôi đã giàu rồi”

Sống cõi dương nhưng toàn làm việc cõi âm, lại làm thường xuyên và liên tục nên không ít người đồn đoán sự giàu có của ông Ý. Tôi đem chuyện này hỏi, ông Ý bảo: “Nếu tham, tôi đã giàu rồi”.

Quả thật, làm việc cõi âm nếu tham thì giàu dễ lắm. Bởi theo lời ông Ý, có lần, ông đi gom xác, lục tìm giấy tờ để xác định danh tính nạn nhân lại phát hiện cả một cơ số vàng trong người. “Nếu tham, tôi sẽ lấy số vàng đó, nhưng không thể làm vậy được, làm nghề gì cũng phải có đạo đức. Người ta đã chết mà mình lại “trấn lột” tiền vàng của họ thì mình còn hơn quỷ dữ”.

Ông Ý cũng chia sẻ, làm công việc gom xác người chết chỉ là công đức chứ không có lương lậu gì cả. Vì vậy, để làm được việc này, ngoài có thần kinh thép, có một tấm lòng thương người thì phải trung thực và không tham lam. Có trường hợp nạn nhân tử vong mà trong người có 17 lượng vàng, ông Ý gom lại rồi chờ người nhà nạn nhân đến trả. Họ trả công, ông không lấy một đồng.

Mấy năm trước, có công dân người Hàn Quốc tử vong tại địa phận tỉnh Ninh Bình, trong người có 7.000USD và một số tiền vàng, ông Ý cũng gom lại rồi lập biên bản trao cho cơ quan chức năng trả lại gia đình nạn nhân.

Việc làm ơn nghĩa ấy của ông Nhâm Văn Ý khắp Ninh Bình ai cũng biết. Các gia đình có nạn nhân được ông Ý gom nhặt, khâm liệm đều không ít thì nhiều gọi là “chút tiền công” nhưng ông Ý không bao giờ nhận. Ông bảo: “Làm việc cõi âm phải có duyên, cái duyên của mình đã vậy rồi thì mình phải làm cho nhiệt tình. Tiền bạc ai cũng cần, nhưng không phải tất cả, nên hãy tích đức trước khi tích tiền để cái tâm mình được thanh thản”.

“Việc làm của ông Nhâm Văn Ý rất cao cả, ai cũng khâm phục những nghĩa cử ấy. Gần 40 năm “gom xác” người chết, ông Ý đã thể hiện rõ tình người, bản lĩnh người lính, trách nhiệm công dân đối với xã hội”, ông Phùng Thế Hào - Chủ tịch UBND phường Trung Sơn - thị xã Tam Điệp - Ninh Bình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kiều Trang (An ninh thủ đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN