Người “duyên nghiệp” với... tử thi TNGT
Cứ có TNGT chết người, lực lượng chức năng lại gọi anh Đại đến để giúp thu dọn tử thi nạn nhân. Hơn 10 năm qua, anh Đại không thể nhớ đã bao lần làm công việc “có một không hai” này, dù chưa có cơ quan chức năng hay người nhà nạn nhân nào trả tiền cho anh.
Anh Đại kiểm tra lại thông tin các vụ thu dọn tử thi mà mình đã thực hiện
Từ duyên đến nghiệp
Sau nhiều năm bươn bả với đủ nghề để mưu sinh, năm 2004, anh Nguyễn Văn Đại (SN 1969, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) quyết định dồn hết tiền tích cóp, vay mượn mua một chiếc xe Hyundai 12 chỗ để kinh doanh du lịch theo hợp đồng. “Bố mẹ tôi mất sớm, thời điểm đó nhà tôi nghèo nhất nhì thôn Du Nội, nên chiếc ô tô là tài sản lớn lắm. Thế mà chuyến chở khách đầu tiên về, tôi gặp một vụ TNGT, nạn nhân máu chảy lênh láng, đã tử vong. Người lái xe sợ quá đã bỏ đi, người đi đường chỉ thờ ơ đứng xem. Phần vì tò mò, phần vì không có đường đi, tôi liền dừng xe, thấy lực lượng công an sau khi khám nghiệm xong gọi mãi không được xe cứu hộ đến đưa xác nạn nhân đi, tôi liền đề xuất đưa giúp vào nhà xác bệnh viện để còn nhanh thông đường về nhà. Vợ tôi nghe chuyện lo lắm, sợ xui xẻo. Nhưng tôi bảo làm phúc thì không sợ và tôi thấy thanh thản”, anh Đại kể.
Những chuyến xe của anh Đại đi, về rất hay gặp những vụ tai nạn thương tâm trên tuyến QL3 qua Đông Anh, Sóc Sơn. Khi tai nạn có người chết, việc chờ xe cứu hộ đến thu dọn hiện trường khá nan giải vì khu vực này xa trung tâm. “Nhìn những tử thi hầu hết không còn nguyên vẹn, rồi ách tắc giao thông, tôi thường nói cơ quan chức năng sẽ chở giúp tử thi đến nhà xác bệnh viện. Sau vài vụ như vậy, lực lượng chức năng Đông Anh và các huyện lân cận như: Sóc Sơn, Gia Lâm, Long Biên… thường gọi tôi đến thu dọn, đưa tử thi nạn nhân TNGT, chết đuối, đâm chém... đến bệnh viện. Chỉ trong hai năm, chiếc xe tôi mua để chở khách hợp đồng đã đưa 23 tử thi đến bệnh viện, trong đó đa phần là nạn nhân TNGT”, anh Đại nhớ lại.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề và nghiệp thu dọn tử thi nạn nhân TNGT, anh Đại chỉ ao ước chính quyền cho mượn một khoảng đất trống để xây dựng một cây hương thờ chung các nạn nhân TNGT vô thừa nhận, để mỗi lần anh em đi thu dọn xác về có thể xuống thắp nén hương cho ấm lòng. Bởi hơn chục năm nay, anh đã phải đi xin đất của huyện Đông Anh, chôn cất cho hàng trăm nạn nhân TNGT không người thân thích đến nhận.
Tháng 4/2005, có vụ TNGT gây chết người trên cao tốc Thăng Long - Nội Bài. Xác chết kẹp dưới gầm xe, anh Đại đang chui trong gầm để xử lý thì bất ngờ bị một toán người rất đông cầm tuýp sắt, gậy gộc chọc đánh. Thì ra, họ tưởng anh gây ra tai nạn cho người thân của họ nên đến “xử”. Các cán bộ CSGT đang kiểm tra hiện trường ở phía xa phải chạy vội đến giải thích. Ấm ức, anh Đại quyết định từ bỏ công việc này.
Nhưng rồi phía công an liên tục điện nhờ, bản thân anh cũng cảm thấy bất an khi nghĩ đến cảnh xác nạn nhân nằm chơ vơ trên đường, nên anh Đại đã nghĩ: Cần hợp pháp hóa công việc thiện nguyện này. Nghĩ là làm, năm 2006, anh Đại xin giấy phép thành lập Trung tâm Cứu nạn Mai Lâm, chuyên hỗ trợ giải quyết, cứu nạn các vụ việc liên quan đến người chết. Anh mua bốn chiếc xe Hyundai loại 12 chỗ ngồi, tìm thêm một số anh em có tấm lòng thiện nguyện cùng chung sức.
Anh Khiêm, nhân viên đã bốn năm gắn bó với Trung tâm Cứu nạn Mai Lâm chia sẻ, anh em phải rất linh động khi xử lý tình huống. Bởi nạn nhân TNGT phần nhiều tử thi không nguyên vẹn, anh em phải dùng găng tay bốc, nhặt đưa về; Có nạn nhân mắc kẹt thì phải gọi xe cẩu, dùng kích nâng gầm để moi ra. “Như có trường hợp nạn nhân đi xe máy tốc độ cao đâm vào phía sau một xe tải chở nặng đất đá, bị kẹp cứng giữa gầm xe tải và yên xe máy, phải xì hơi hết hai lốp xe máy, rồi dùng chân tay đẩy, đạp cho tử thi rơi ra mà vẫn đảm bảo không thay đổi hiện trường để phục vụ công tác điều tra khám nghiệm”, anh Khiêm cho hay.
Anh Đại cho biết, không thể nhớ nổi trong 11 năm qua, anh đã thu dọn, đưa về nhà xác được bao nhiêu tử thi. “Chỉ nhớ, ngày nhiều nhất chúng tôi thu dọn 7 tử thi. Năm 2013 là năm có nhiều TNGT nhất, năm đó trung tâm điều 700 chuyến xe đi thu dọn tử thi. Hai năm gần đây, trung bình mỗi ngày chúng tôi thu dọn hai tử thi, chứng tỏ TNGT đã giảm rất nhiều”, anh Đại nói.
Sẵn sàng lên đường thu dọn tử thi khi nhận được thông tin
Lấy “nghề” nuôi “nghiệp”
Hơn chục năm làm công việc thu dọn tử thi, anh Đại khẳng định, anh chưa được cơ quan chức năng lẫn người nhà nạn nhân trả chút kinh phí nào. Bởi người nhà nạn nhân khi nhận được thông tin tai nạn, thường đến làm việc thẳng với cơ quan cảnh sát điều tra rồi vội vã tới nhà xác nhận người thân đưa về nhà an táng. Không ai hỏi, không ai nhớ đến những người lặng lẽ thu dọn xác nạn nhân như anh Đại.
“Chỉ có những vụ, người nhà nạn nhân đến kịp hiện trường, nhờ chúng tôi đưa xác về nhà, thì họ bồi dưỡng tùy tâm. Như vụ TNGT của một bà cụ ở thôn Đản Mỗ, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh sau khi nhặt bã mía xong, ngồi nghỉ trước đầu chiếc xe buýt ở khu vực cổng Nhà văn hóa huyện Đông Anh. Lái xe buýt không để ý, nổ máy chạy xe đi, nên cả bánh trước, bánh sau xe đè nát người bà cụ, chỉ còn đôi chân là nguyên vẹn. Người nhà cụ kịp đến hiện trường, nhưng không ai dám bốc dọn tử thi. Tôi đã tự tay nhặt từng bộ phận thi thể, đưa về nhà và sắp xếp lại các vị trí để gia đình làm lễ an táng”, anh Đại kể.
Hay một vụ việc thương tâm khác mà anh Đại nhớ được bồi dưỡng 800 nghìn đồng, đó là vụ giết người ở thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh. Hai vợ chồng anh Hội, chị Hồng quê ở Vĩnh Phúc thuê bãi đất gần chợ Cổ Điển để thu mua sắt vụn. Buổi sáng mùa đông năm 2006, cháu bé 5 tuổi con của anh Hội, chị Hồng ngủ dậy thấy mẹ nằm dưới đất trong vũng máu, bèn chạy sang nói chuyện với người bán phở hàng xóm là mẹ bị chảy máu cam. Người bán phở chạy sang hô hoán mọi người và báo công an. Khi được gọi đến hỗ trợ đưa tử thi chị Hồng đi, mọi người bỗng nhìn thấy đôi chân nấp sau bao tải sắt vụn ở cửa nhà, lật ra thì phát hiện xác anh Hội. “Hình ảnh bé con ngơ ngác trong sáng mùa đông ấy ám ảnh tôi đến bây giờ”, anh Đại nói.
Anh Đại coi việc thu dọn tử thi như duyên nghiệp đời mình. Để duy trì được “nghiệp” ấy, anh mở xưởng sửa chữa, buôn bán ô tô cũ. Nhân viên Trung tâm Cứu nạn Mai Lâm vừa là thợ sửa ô tô, vừa sẵn sàng lên đường thu dọn tử thi bất cứ khi nào cơ quan chức năng cần. Nguồn thu từ xưởng ô tô là nguồn trả lương cho nhân viên Trung tâm Cứu nạn.
“Anh em không có lương, nhưng cứ có thông tin tai nạn, dù đêm hôm, mưa rét vẫn lên đường. Gia đình tôi lúc đầu cũng không thích tôi làm công việc này, nhưng về sau, thấy công việc thiện nguyện nên mọi người cũng ủng hộ”, anh Phúc - nhân viên Trung tâm Cứu nạn Mai Lâm nói.
Chung tâm trạng, một nhân viên khác cho biết: “Tháng trước, tôi đang chuẩn bị đi ngủ thì nhận được điện thoại đến thu dọn xác nạn nhân bị HIV, thuê nhà trọ đã cắt cổ tự sát. Vừa đưa xác nạn nhân về bàn giao cho gia đình ở Bắc Ninh, quay trở về thì nhận được điện đi thu dọn xác nạn nhân bị TNGT do đi xe máy ngược chiều lên làn dành cho ô tô ở cầu Thăng Long, thế là trắng đêm luôn. Công việc này phải có sự ủng hộ của gia đình thì mình mới yên tâm đi làm được!”.
Nhưng theo anh Đại, việc thiện, tình người là thứ không thể tính toán, đếm đo. “Có lần tôi tới làng Đồng Kỵ, Bắc Ninh để mua bộ bàn ghế, đang mặc cả với bà chủ thì ông chủ xưởng gỗ đi đâu về, ồ lên: “Anh có phải là người đã đưa xác cháu tôi bị TNGT năm trước về không, lúc đó tang gia bối rối, chả kịp hỏi thăm, bồi dưỡng gì anh”. Nhận ra nhau, ông chủ xưởng gỗ cương quyết chỉ lấy tiền gỗ, không tính tiền công cho bộ bàn ghế của tôi. Đó là những niềm vui nho nhỏ giúp tôi thêm gắn bó với nghiệp này”, anh Đại nói.