Người đứng sau sự hồi sinh của người lính vụ máy bay Mi171 rơi

Đã 20 tháng bà ở lỳ trong bệnh viện chăm người con là chiến sỹ duy nhất sống sót vụ máy bay quân sự MI 171 rơi hôm 7/7/2014.

Người đứng sau sự hồi sinh của người lính vụ máy bay Mi171 rơi - 1

Bà Trịnh Thị Đông kể về những khó khăn thời gian qua

20 tháng qua, bà trải qua vô vàn cung bậc cảm xúc, tuyệt vọng những lúc sự sống con trên bờ vực, xúc động bởi những cái bắt tay động viên của lãnh đạo nhà nước hay rơi nước mắt sung sướng khi thấy con lững chững những bước đi đầu tiên sau tai nạn kinh hoàng.

Những ngày qua, sau khi báo Gia đình & Xã hội thông tin về thượng úy Đinh Văn Dương, chiến sỹ duy nhất may mắn sống sót vụ máy bay quân sự rơi đã có thể đi lại nhận được sự quan tâm của rất nhiều độc giả. Thượng úy Định Văn Dương ở lại được với cuộc đời này, ngoài nỗ lực của bản thân, của sự may mắn đến diệu kỳ còn có công lao rất lớn của người mẹ, bà Trịnh Thị Đông.

Khi người vợ của anh Dương phải chăm 2 con nhỏ, còn công việc ở Bệnh viện quân y 108, mọi hoạt động của anh phải nhờ bàn tay người mẹ chăm sóc.

Đã lâu rồi, bà Đông chưa trở lại Hà Nam thăm nhà bởi phải ở lại bệnh viện chăm con. Tết Bính Thân vừa rồi, cửa nhà phải đóng, cũng là cái tết thứ 2 bà đón giao thừa trong bệnh viện. "Tết vừa rồi, bệnh viện vắng lắm. Có những lúc, phòng phục hồi chức năng này chỉ có hai mẹ con”, bà nói vậy để minh chứng cho một cái tết buồn. Thế nhưng, bà bảo về nhà mà để con lại trong viện càng buồn hơn.

Bà Đông là người chứng kiến mọi thời khắc quan trọng trong quá trình phục hồi diệu kỳ của anh Dương. Bà kể, có lúc đã cạn hy vọng về sự sống của con, có lúc nghẹn ngào khi thấy con tỉnh dậy sau những ngày dài hôn mê, xót xa khi biết con đã bị hỏng đôi chân, đôi tay, giấu nước mắt vào trong khi thấy con soi gương nhìn bộ mặt chằng chịt sẹo và hạnh phúc vô bờ khi con tập tễnh bước đi bằng đôi chân giả. Bà bảo đó là sự hồi sinh kỳ diệu nhưng tổn hại thần kinh.

Bà Đông là người lạc quan. Dõi theo trong suốt quá trình hồi phục của thượng úy Đinh Văn Dương, chúng tôi luôn thấy bà vẽ ra tương lai mở phía trước cho con trai. Có lúc, anh bật khóc nức nở và không có ai để dằn vặt thì anh lại "nhằm" vào mẹ, đòi đuổi mẹ về, đòi "chết đi chứ sống làm gì". Bà lại động viên con bằng cách hài hước: "22 người, có mỗi anh sống mà anh có biết Nhà nước mất bao nhiêu tiền chữa cho anh rồi không mà đòi chết?”.

Có những lần tuyệt vọng, Dương đòi bà mua cho liều thuốc chuột về uống để tự tử và còn bảo rằng: "Bà mua được cho tôi, tôi cảm ơn bà rất nhiều". Người mẹ cười: "Mẹ không mua được cho anh đâu, nhưng mẹ cho số anh gọi cho người ta xem có ai dám mang cho anh không. Anh cứ đòi chết thì còn ai sống với mẹ, lo cho vợ con anh".

Bà Đông kể từ ngày tỉnh dậy Dương thỉnh thoảng thất vọng về hiện trạng bản thân, cáu bẳn: “Con nổi cáu cũng hiểu được, mình đây đứt tay cũng đã khó chịu rồi, huống gì”.

Mấy ai biết, người mẹ nghèo của vùng quê chiêm trũng Hà Nam chịu nhiều đau khổ. Ít năm trước, chồng mất, rồi đến con tai nạn, người không có bản lĩnh có lẽ khó trụ lại được.

Anh Dương đã có thể tự đi lại bằng đôi chân giả. Bà Đông lúc này đã ngóng ngày về. “Bác sỹ chưa hẹn ngày xuất viện của Dương. Tuy nhiên, sẽ có ngày đó, đó là ngày nó được về với vợ, với con thơ. Mong sao nó được khỏe mạnh, có một đôi chân có khớp mềm mại, để có thể tiếp tục hòa nhập lại với cuộc đời và bớt đi sự đau đớn trong những năm tháng tiếp theo".

Chắc chắn rồi, mong muốn của bà sẽ sớm thành hiện thực…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Phương ([Tên nguồn])
Máy bay trực thăng rơi ở Hòa Lạc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN