Người đi xe máy vượt đèn đỏ có thể bị phạt tới 6 triệu đồng
Tại Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất tăng mức xử phạt lỗi người điều khiển xe máy vượt đèn đỏ từ 800.000 - 1 triệu lên tới 4 - 6 triệu đồng.
Tình trạng không ít người điều khiển mô tô, xe gắn máy sẵn sàng vượt đèn đỏ xảy ra khá phổ biến tại các thành phố lớn.
Đây là hành vi có thể gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Bởi tại các nút giao có hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, nếu người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.
Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đang tham mưu xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Ngoài các lỗi cố ý như che, dán biển số, cũng như đi lùi trên cao tốc, cơ quan soạn thảo đề xuất nâng mức xử phạt gấp nhiều lần (từ 800 - 1 triệu lên mức 4-6 triệu đồng) đối với tài xế xe máy vượt đèn đỏ.
Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, vượt đèn đỏ cũng là một trong những hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ rất cao gây ra tai nạn giao thông bất cứ lúc nào. Nhiều trường hợp còn vượt đèn đỏ ngay cả nơi có sự hiện diện của lực lượng chức năng.
Tình trạng người điều khiển xe máy vượt đèn đỏ khá phổ biến. Ảnh: Anh Nguyễn
Qua phân tích, Cục CSGT nhận thấy không chỉ ban ngày mà vào các khung giờ thấp điểm ban đêm, hành vi điều khiển xe vượt đèn đỏ gây nguy cơ rất cao xảy ra tai nạn giao thông do trời tối. Thậm chí, kể cả giờ cao điểm khi mà CSGT còn tập trung phân luồng, vẫn có nhiều trường hợp cố tình không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu.
Trao đổi với VietNamNet về đề xuất này, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông quá nhiều. Trong đó nhiều hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng này phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện, nhận thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông.
“Các cụ ngày xưa vẫn dạy, giáo dục con người phải kết hợp hài hòa giữa giáo huấn và trừng phạt. Không thể coi nhẹ giáo huấn mà cũng không nên xem nhẹ trừng phạt.
Do đó, tôi cho rằng việc xử lý vi phạm phải đúng người, đúng tội. Theo đó tùy thuộc mức độ vi phạm cơ quan chức năng đưa ra hình thức xử phạt phù hợp”, TS. Khương Kim Tạo nêu rõ.
Trở lại với lỗi vượt đèn đỏ, ông Tạo cho rằng đây là hành vi nguy hiểm, rất dễ gây tai nạn nhưng cơ quan soạn thảo nên phân loại mức độ vi phạm.
Dẫn chứng kinh nghiệm ở một số nước, ông Tạo cho biết họ sẽ phân định mức độ vi phạm vượt đèn đỏ theo thời gian. Chẳng hạn nếu lỗi vượt đèn đỏ ở 1-2 giây đầu tiên lái xe dừng lại thì mức phạt nhẹ, thời gian vượt đèn đỏ càng lớn thì mức phạt càng tăng.
“Bởi trên thực tế, có những trường hợp đi xe tốc độ vừa phải nhưng do phanh không kịp, xe lỡ trớn, chủ phương tiện vượt vạch một gang tay mới dừng lại. Hành vi này được xác định lỗi vượt đèn đỏ nhưng nguy cơ gây tai nạn không lớn thì nên xử phạt ở mức nhẹ nhất.
Còn với những chủ phương tiện cố ý vượt đèn đỏ với tốc độ lên tới 60 - 70km/h thì phạt tiền ở mức mức kịch khung là cần thiết”, ông Tạo nói.
Một lần nữa, bày tỏ sự đồng tình với đề xuất nâng mức phạt với lỗi vượt đèn đỏ nhưng ông Tạo đề xuất mở rộng khung (từ 1- 6 triệu đồng) để cơ quan thực thi căn cứ vào từng lỗi cụ thể để xử lý chính xác.
Cụ thể, nếu vượt đèn đỏ nhưng xe dừng ở ngoài làn đường đang có đèn xanh thì phạt từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Nếu vượt đèn đỏ mà xe đi vào làn đường đang có đèn xanh thì phạt từ 4 - 6 triệu đồng.
Trong dự thảo Nghị định đang được hoàn thiện, Cục CSGT đề xuất tăng mức xử phạt tài xế vi phạm giao thông rất nặng so với mức cũ
Nguồn: [Link nguồn]