Người đăng ảnh ‘siêu xe gắn biển xanh’ có bị xử phạt?
Đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc này, có người đồng tình việc xử phạt, số khác cho rằng không có cơ sở nào để xử lý.
Vừa qua, một tài khoản đã đăng trên mạng xã hội Facebook chùm ảnh về một dàn “siêu xe” gồm Lamborghini, Bentley… gắn biển số xanh tỉnh Cần Thơ. Dòng chia sẻ này đã nhận được sự chú ý của nhiều người, thậm chí một số cơ quan báo chí còn đăng tin và liên hệ với công an để xác minh.
Theo Công an TP Cần Thơ, những hình ảnh trên hoàn toàn giả mạo. Số “siêu xe” chỉ là xe mô hình (dạng đồ chơi), được đặt dưới gầm giường hoặc gầm tủ rồi chụp với hiệu ứng sắp đặt và đưa lên Facebook.
Công an TP Cần Thơ nhận định việc làm trên đã gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến công tác quản lý hành chính và trật tự xã hội tại địa phương, do đó đang truy tìm người đăng tải các bức ảnh để làm rõ.
Nhiều người thắc mắc liệu hành vi post ảnh mô hình “siêu xe” gắn biển xanh lên mạng xã hội gây hiểu lầm như trường hợp này có bị xử phạt không.
Hình ảnh những chiếc xe ô tô đồ chơi được đăng trên mạng gây xôn xao
Đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc này, có người đồng tình việc xử phạt, số khác cho rằng không có cơ sở nào để xử lý.
Cần xử lý để răn đe
Luật sư (LS) Trần Tuấn Anh (Đoàn LS Hà Nội): Cần xử lý để răn đe
Hành vi của người đăng tải chùm ảnh đã gây tâm lý hoang mang cho người dùng Facebook.
Việc đăng ảnh một loạt siêu xe gắn biển xanh mang biển 65A của tỉnh Cần Thơ không thể coi là ngẫu nhiên. Bức ảnh được đăng lên ở góc chụp khó xác định, dễ gây hiểu nhầm cho người xem và kèm theo bình luận “sắp có biến lớn”. Mặc dù không thể xác định rõ “biến lớn” của tác giả mang hàm ý gì, nhưng nó cũng đã tác động lớn tới tâm lý của người xem, tạo lên một làn sóng dư luận trong thời gian qua, ảnh hưởng tới uy tín của các tổ chức công vụ tỉnh Cần Thơ.
Hành vi này có thể thuộc một trong các hành vi bị cấm theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP (Nghị định quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng), liên quan đến việc “đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”.
Xét về xử lý hành chính, hành vi này có thể bị xử phạt theo Nghị định số 174/2013 (Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện): phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Xét về xử lý hình sự, hành vi có thể phạm tội theo Điều 226 BLHS về đưa thông tin trái phép lên mạng internet. Tuy nhiên, việc tung hình ảnh chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, cũng không rõ nhắm vào đối tượng cụ thể nào để xác định được nhằm dụng ý xuyên tạc, bôi nhọ đích danh đến cá nhân, tổ chức nào, do đó, trường hợp này khó xảy ra.
LS Nguyễn Anh Thơm (Đoàn LS Hà Nội): Xử phạt được!
Nếu là mô hình, người đăng tải phải có chú thích rõ ràng, hoặc chụp ở một khung cảnh nào đó không gây nhầm lẫn.
Đồng ý không có quy định nào cấm gắn biển màu xanh vào xe đồ chơi, nhưng anh phải chú thích rõ. Hơn thế, ở đây còn dùng kĩ thuật phóng to ảnh cho đúng với kích thước xe và biển thật.
Có thể trong trường hợp này, người đăng tải các bức ảnh chỉ để vui, không ý thức hoặc không có ý đồ lan truyền thông tin. Nhưng hành vi này rõ ràng đã vô tình gây hoang mang cho dư luận. Mọi công dân trưởng thành buộc phải nhận thức được hành vi của mình trước pháp luật, không thể nói là do không biết.
LS Giang Hồng Thanh (Đoàn LS Hà Nội): Cần làm rõ động cơ
Cho rằng nếu những chiếc xe ô tô đồ chơi không được gắn biển số thì việc đưa hình ảnh của chúng lên mạng là việc bình thường, không có gì đáng nói. Tuy nhiên những chiếc xe này lại có biển kiểm soát của tỉnh Cần Thơ, nên đầu tiên cơ quan chức năng cần làm là xác định rõ động cơ, mục đích của hành động gắn biển.
Nếu việc gắn biển chỉ nhằm mục đích chơi đùa cho vui thì người gắn biển không thể bị xử phạt theo bất cứ lĩnh vực nào. Nhưng nếu việc gắn biển để hạ thấp uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đó thì rõ ràng hành vi này là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Không có gì để xử lý
Tiến sĩ Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM): Có tội gì đâu mà xử:
Đó chỉ là mô hình đồ chơi thôi mà! Có tội gì đâu mà xử. Hành vi gắn biển số xanh cho mô hình đồ chơi rồi đăng lên mạng xã hội không có dấu hiệu cấu thành tội phạm. Hành vi không vi phạm pháp luật và cũng không gây hại cho ai.
Câu nói: ‘Sắp có biến lớn rồi’- Là một câu nói chung chung không ảnh hưởng đến cá nhân tổ chức nào.’
Chỉ khi nào anh ta làm giả biển số gắn vào xe thật, cho xe tham gia giao thông thì mới có cơ sở xử lý. Hoặc với mô hình đồ chơi này, mà anh ta đăng lên mạng xã hội kèm theo bình luận xuyên tạc nói xấu cơ quan chức năng thì mới bị xử lý.
Pháp Luật không cấm gắn biển số cho mô hình đồ chơi. Xe đồ chơi mang biển số xanh đỏ kệ nó. Như việc nhiều cơ sở may áo trẻ em kiểu đồng phục ngành công an thì không thể xử lý về tội sản xuất, kinh doanh, buôn bán trái phép quân trang quân dụng được.
Theo tôi đây là tự do sáng tạo của xã hội. Bây giờ mấy đứa nhỏ nó ngồi làm ra trò chơi game, suy nghĩ ra đủ thứ gắn vô chơi làm sao mà xử lý. Trong xã hội hiện đại nên hạn chế can thiệp không cần thiết.
Luật sư Nguyễn Thi Phương Thi (Đoàn LS TP.HCM): Không vi phạm pháp luật
Có ảnh hưởng đến hình ảnh của cơ quan nhà nước nào hay không tùy ở đánh giá của mỗi người. Theo quan điểm cá nhân tôi, với mô hình đồ chơi kèm theo câu ‘sắp có biến rồi’ chẳng ảnh hưởng đến ai cả.
Tôi chẳng nghĩ xấu về ai khi xem mô hình đồ chơi này và đọc câu chú thích đó. Điều quan trọng là pháp luật không cấm, hành vi không trái luật thì không có cơ sở gì để xử lý.
Mặc dù hành động này đã làm dư luận hiểu nhầm và rất xôn xao, nhưng người tinh ý thì dễ dàng nhận ra đó chỉ mô hình. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, đã xác minh rõ đây là mô hình thì đã giải tỏa được hiểu nhầm của dư luận. Theo tôi sự việc đến đây là đã ổn thỏa, không cần thiết phải ‘truy tìm, làm rõ động cơ’ người đăng dàn siêu xe, vì hành vi này căn bản không vi phạm phạm luật.