Người dân TP.HCM nghiêm túc thực hiện cách ly xã hội
Người dân TP.HCM những ngày này đã dần bỏ đi các thói quen tụ tập, hàng quán, nghiêm túc đeo khẩu trang khi ra đường… để chung tay cùng cả nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Có mặt tại con hẻm số 68, đường số 3, khu phố 6, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân vào một buổi xế chiều, nhiều bà con ra trước cửa ngồi hóng mát cũng không quên đeo khẩu trang. Người dân cho biết cuộc sống của họ xáo trộn phần nào từ khi dịch bệnh diễn ra và nhất là từ khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội. Tuy nhiên, với tinh thần phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh, bà con đều đồng tình ủng hộ chủ trương này…
Ở nhà tức là đã đóng góp cho xã hội
Bà Phạm Thị Thìn (68 tuổi) cho hay từ khi Thủ tướng có chỉ đạo người già trên 60 tuổi phải ở trong nhà thì các con bà không cho ra ngoài nữa, cần gì thì đã có các con bà lo. “Hôm giỗ bà nội chúng nó, tôi muốn tận tay lựa bó hoa, nải chuối mà chúng cũng không cho đi. Thôi thì người già ở nhà tức là đã đóng góp cho xã hội rồi” - bà Thìn kể.
Còn anh Nguyễn Quốc Hưng (45 tuổi), chủ một tiệm làm tóc tại con hẻm này, chia sẻ: “Tôi cũng chịu phần nào thiệt hại về kinh tế nhưng mỗi người chịu thiệt một chút, đồng lòng đi qua 14 ngày vàng để góp phần khống chế dịch bệnh”.
Bà Mai Thị Lệ, Trưởng khu phố 6, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, cho biết sau khi có Chỉ thị 16, các cán bộ khu phố cũng đã xuống tận nhà căn dặn, động viên người dân bình tĩnh và ở nhà nhiều nhất có thể. Nhiều người dân có tâm lý hoang mang, đổ xô đi mua lương thực thực phẩm, chúng tôi phải thuyết phục bà con rằng lương thực không bao giờ thiếu, bà con đừng đi mua tích trữ, nếu tập trung đông người như vậy càng có nguy cơ lây nhiễm bệnh hơn.
“Bà con đã thích ứng với việc đeo khẩu trang, kể cả người già. Có cụ bà lớn tuổi ngồi xe lăn, thích ra đường hóng gió mỗi chiều cũng đeo khẩu trang kín mít” - bà Lệ chia sẻ thêm.
Anh Nguyễn Quốc Hưng, chủ một tiệm làm tóc tại khu phố 6, phường Bình Hưng Hòa A, đồng thuận với tinh thần “nhà nào ở nhà đó, khu phố nào ở khu phố đó” để phòng, chống dịch. Ảnh: Lê Thoa.
Quận, phường để bảng “Tạm ngưng giao dịch trực tiếp”
Tại quận Thủ Đức, UBND quận và 12 phường đều đã đề biển thông báo “Tạm ngưng giao dịch trực tiếp”, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ghi nhận vào sáng 4-4, vẫn còn nhiều người dân đến trụ sở UBND quận để làm thủ tục. Họ được bảo vệ chỉ dẫn sử dụng dịch vụ trực tuyến, với các thủ tục không quá gấp thì vẫn có thể lùi lại.
Ông Phan Hoài Nam (54 tuổi, một người dân ngụ quận Thủ Đức) cho biết ông ủng hộ chủ trương thực hiện việc cách ly xã hội. “Trên website quận có thông báo tạm ngưng tiếp nhận trực tiếp mà tôi chưa coi nên không rõ nhưng làm như vậy sẽ hạn chế được việc đi ra đường, tiếp xúc nhiều người. Đó cũng là cách để kiểm soát dịch” - ông cho hay.
Còn tại cổng UBND phường Linh Tây sáng thứ Bảy (4-4) cũng để biển báo tạm ngưng nhận hồ sơ trực tiếp. Chỉ có hai cán bộ được bố trí để tiếp nhận thông tin của dân qua điện thoại, tranh thủ thời giờ giải quyết hồ sơ cho dân. Trong đó phường ưu tiên giải quyết trực tiếp thủ tục khai tử cho dân vì đây là thủ tục cần thiết.
Trong khi đó, UBND quận 9 cũng chủ trương giải quyết hồ sơ trực tuyến cho người dân. Vị phó chánh văn phòng quận này cho biết hiện hồ sơ đầu vào đang giảm dần, trong khi đó hồ sơ đầu ra phải trả liên tục cho người dân qua đường bưu điện. Nhân viên bưu điện phải đến nhận hồ sơ để trả về cho dân hai lần/ ngày mới kịp. Có người dân gọi một ngày 2-3 lần để hỏi về thủ tục của họ. Nóng nhất là các thủ tục về sổ hồng, sổ đỏ. “Tôi phải bám sát các phòng chuyên môn, văn phòng đăng ký đất đai để nhắc nhở liên tục, làm hết sức để giải quyết và trả đúng hạn cho người dân” - vị này nói.
Kiểm soát người ăn xin ở ngoài cộng đồng Lãnh đạo UBND quận 1 cho biết tính đến thời điểm này, toàn bộ cơ sở hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí trên địa bàn quận đã tạm ngưng hoạt động. Công an 10 phường đã tăng cường kiểm tra việc chấp hành chỉ thị của Thủ tướng, chỉ đạo của UBND TP về việc phòng ngừa dịch bệnh tại các khách sạn, nhà hàng, rạp chiếu phim, karaoke, gym… Quận cũng chỉ đạo các lực lượng nhắc nhở quán ăn, quán cà phê, cửa hàng tiện ích chấp hành quy định không tụ tập đông người, chỉ bán cho khách mang về. Bên cạnh đó, các phường cũng ra quân kiểm tra, tặng khẩu trang và xử phạt vi phạm hành chính 20 trường hợp không đeo khẩu trang. Đặc biệt, lãnh đạo UBND quận 1 đã chỉ đạo tập trung kiểm tra, xử lý, đưa 38 trường hợp người ăn xin không có nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng vào trung tâm hỗ trợ xã hội để được chăm sóc y tế, có nơi ăn uống, ngủ nghỉ, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ngoài cộng đồng. Người dân chỉ ra ngoài khi cần thiết Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các quận, huyện, sở, ngành phải chấp hành nghiêm việc cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Cùng đó, mọi người dân nên ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu và các trường hợp khẩn cấp khác… |
Theo Bộ Y tế, đến 6h ngày 6/4, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam vẫn là 241 trường hợp.
Nguồn: [Link nguồn]