Người dân TP.HCM có cần thay đổi giấy tờ sau sắp xếp đơn vị hành chính?
Về việc thay đổi giấy tờ, TP.HCM không chủ trương thay đổi toàn bộ, tránh gây phiền hà, phức tạp cho người dân; các sở, ngành sẽ hướng dẫn cụ thể theo hướng ổn định và thừa nhận giá trị pháp lý của giấy tờ hiện tại.
Chiều 26-11, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Khó khi vừa sắp xếp cán bộ dôi dư, vừa tinh giản biên chế
Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Võ Thành Khả, Chủ tịch UBND quận 8, cho biết trong quá trình tổ chức sắp xếp bộ máy nhân sự, địa phương đang giải quyết 131 trường hợp cán bộ dôi dư (bao gồm 36 cán bộ, 62 công chức và 33 người hoạt động không chuyên trách).
Ông Võ Thành Khả, Chủ tịch UBND quận 8, nêu ý kiến. Ảnh: HỒNG THẮM
“Tuy nhiên, việc vừa sắp xếp cán bộ dôi dư sau khi sắp xếp vừa thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương chung đang gặp nhiều khó khăn”- ông Khả nêu thực tế.
Về việc tổ chức khu phố, ông Khả cho rằng sau khi sắp xếp, một số khu phố sẽ bị trùng tên. Do đó, ông Khả đề nghị cần thống nhất quy tắc đặt tên mới nhằm tránh gây trở ngại trong hoạt động sau này.
“Theo tiến độ, quận 8 sẽ hoàn thành công tác sắp xếp trước ngày 15-12. Sau đó, UBND quận sẽ ban hành quyết định thông qua vào ngày 20-12 để chuẩn bị cho lễ công bố chính thức đến người dân”- ông Khả thông tin.
Theo đại diện Sở Tư pháp TP.HCM, ngoài các đơn vị được nêu trong kế hoạch triển khai Nghị quyết thì nhiều sở, ngành khác cũng có trách nhiệm cấp và điều chỉnh giấy tờ cho các cá nhân, tổ chức liên quan.
Đại diện Sở Tư pháp nêu ý kiến. Ảnh: HỒNG THẮM
Do đó, đại diện Sở Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh sửa nội dung với hướng dẫn rõ ràng. Trong đó nêu rõ các các sở, ngành hướng dẫn và điều chỉnh giấy tờ liên quan đến cá nhân, tổ chức theo quy định và nhóm các cơ quan khác có thẩm quyền.
Thông tin tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết dự kiến giai đoạn 1 (từ ngày 1 đến ngày 31-12-2024) các quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận sẽ tổ chức sắp xếp, thành lập, sáp nhập tổ chức bộ máy các tổ chức đảng, chính trị - xã hội.
Giai đoạn 2 (từ 1-1-2025), các đơn vị mới tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức; kiểm tra, rà soát việc chuyển đổi các giấy cho các cá nhân, tổ chức trên nguyên tắc không thu các loại phí, lệ phí; tập trung giải quyết các vấn đề phát sinh.
Đồng thời, hoàn thành cơ bản phương án bố trí cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách, tiến tới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Ngày 1-1-2025, TP.HCM kết thúc việc sắp xếp đơn vị hành chính
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định việc sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn và không hề đơn giản. Theo ông, TP.HCM có những đơn vị phải sắp xếp nhưng không đề xuất sắp xếp, có những đơn vị không đề xuất nhưng TP có sắp xếp.
“TP đã trải qua quá trình đấu tranh tư tưởng, để thể hiện trách nhiệm chung với đất nước nên TP quyết tâm thực hiện bằng được chủ trương này mặc dù kế hoạch sắp xếp có cái khó, cái không”- ông Hoan nhìn nhận và cho biết TP.HCM đã tự chủ động rà soát, căn cứ vào tiêu chí, quy định để đề ra kế hoạch sắp xếp.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu kết luận. Ảnh: HỒNG THẮM
Đơn cử, huyện Hóc Môn, theo kế hoạch có thị trấn phải sắp xếp nhưng trong đề án của TP không sắp xếp. Nguyên nhân vì TP có đề án đầu tư xây dựng phát triển các huyện thành đô thị trực thuộc TP.HCM, nội dung đề án đã được đưa vào quy hoạch chung của TP. Trên tinh thần đó, TP.HCM đề nghị chưa sắp xếp các huyện.
“Ngoài ra, TP.HCM nhận thức rằng các quận của TP tuy nhỏ hơn địa phương khác nhưng cũng không sắp xếp vì lý do đặc thù. Như vậy, 22 địa phương gồm 16 quận, 5 huyện và TP Thủ Đức vẫn giữ nguyên”- ông Hoan nói.
Tuy nhiên, ông Hoan cho rằng TP.HCM không sắp xếp quận nhưng có sắp xếp các phường trong quận. TP đã bám sát theo tinh thần Nghị quyết 35/2023 để làm sao cố gắng sắp xếp giữ lượng đơn vị hành chính cấp xã, phường từ 10 trở lên là đạt yêu cầu.
"Chúng ta quyết tâm làm càng gọn thì tổ chức bộ máy càng tinh, hiệu quả hoạt động càng tốt”- ông Hoan nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay ngày 1-1-2025, TP sẽ kết thúc việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Do đó, ông Hoan đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện, triển khai các công việc theo trình tự thủ tục, quy định đúng theo hướng dẫn và tiến độ TP đã đề ra.
Trong đó, việc sắp xếp và sử dụng cơ sở vật chất cần được thực hiện hiệu quả, không để bỏ hoang, lãng phí. Các hạng mục cần sửa chữa sẽ được tiến hành bình thường.
"Từ ngày 1-1-2025, các đơn vị hành chính mới chính thức đi vào hoạt động. Những nhiệm vụ còn dang dở sẽ được bàn giao để tiếp tục thực hiện. Đơn vị mới phải có trách nhiệm, nghĩa vụ hoàn thành toàn bộ công việc chuyển tiếp. Công tác bàn giao cần minh bạch, rõ ràng, đảm bảo không xảy ra gián đoạn"- ông Hoan yêu cầu.
Về việc thay đổi giấy tờ, TP.HCM không chủ trương thay đổi toàn bộ, tránh gây phiền hà, phức tạp cho người dân. Theo đó, các sở ngành sẽ hướng dẫn cụ thể theo hướng ổn định và thừa nhận giá trị pháp lý của giấy tờ hiện tại.
Ông Võ Văn Hoan kết luận, việc tổ chức lại các đơn vị hành chính đòi hỏi phải vừa khoa học, vừa thực tế, đảm bảo ổn định xã hội và lợi ích tối đa cho người dân, cán bộ. Quá trình thực hiện cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp để đạt hiệu quả cao nhất.
Ông Hoan cũng đề xuất các địa phương đồng loạt tổ chức hội nghị công bố nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính từ ngày 28 đến 30-12-2024.
Sau khi sắp xếp, TP.HCM dôi dư 1.022 cán bộ Về chính sách nhân sự, ông Hoan thông tin từ 3.137 cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách, sau khi sắp xếp TP có 2.115 người được giữ lại, dôi dư 1.022 người. "Đây là thách thức lớn khi trung bình cứ 3 người thì có 1 người bị dôi dư. Để hỗ trợ, TP sẽ áp dụng nhiều chính sách từ Trung ương, địa phương và rút kinh nghiệm từ thực tiễn sắp xếp ở TP Thủ Đức"- ông Hoan nói. Theo đó, ông Hoan yêu cầu đối với nhân sự dôi dư thì ưu tiên sắp xếp tại địa phương. Trong trường hợp không còn vị trí, địa phương sẽ báo cáo cấp trên để điều chuyển lên cấp quận hoặc các phòng, ban phù hợp. Những trường hợp có năng lực, tầm nhìn xa có thể được giới thiệu lên cấp TP. Ông Hoan khuyến khích các địa phương mạnh dạn đề xuất danh sách cụ thể để có phương án xử lý hợp lý. |
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính sẽ nảy sinh nhiều vấn đề cần phải xử lý về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và trụ sở dôi dư.
Nguồn: [Link nguồn]